MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Trực tiếp Quốc hội chiều ngày 2/11]: Nỗi lo chưa hội nhập đã bị doanh nghiệp FDI lấn át

Chúng ta đề ra mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam sẽ thành nước công nghiệp hóa nhưng lại không có nội dung cụ thể của một nước công nghiệp hóa.

Chiều nay (ngày 2/11/2015) phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015, kế hoạch năm 2016 tiếp tục được các đại biểu Quốc hội bàn luận sôi nổi tại hội trường.

16h chiều nay, sau giờ giải lao Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng – tỉnh Quảng Trị cho biết, Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP sẽ sớm được phê chuẩn và có hiệu lực.

Dù thực tế nền tảng kinh tế chưa được cải thiện, tiến trình hội nhập đã đến sớm hơn rất nhiều và đòi hỏi chúng ta phải thay đổi. Đặt trong bối cảnh diễn biến kinh tế còn nhiều biến động, nền kinh tế Việt Nam cần đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Trước đó, tại phiên khai mạc kỳ họp lần này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh việc thưc hiện TPP phụ thuộc rất lớn vào sức cạnh tranh của từ doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực của mọi thành phần trong nền kinh tế.

Liệu chúng ta có tránh lặp lại chu kỳ kinh tế thời kỳ hậu gia nhập WTO? Liệu mục tiêu giữ vững và ổn định kinh tế vĩ mô đạt được? Phát triển nhanh và bền vững có đạt được hay không vẫn là câu hỏi cần giải đáp” – Đại biểu nhấn mạnh.

Theo Đại biểu Hà Sỹ Đồng, trong thời gian qua, chiến lược phát triển kinh tế của nước ta chưa đi sâu vào 3 nội dung trọng tâm và 3 khâu đột phá mũi nhọn. Do vậy, chỉ ra được đâu là những khó khăn, nút thắt sẽ là giải pháp căn cơ, tạo đà cho phát triển.

Việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế cũng gặp nhiều khó khăn, phản đối. Bên cạnh đó là thực trạng cán cân thương mại chuyển dần sang nhập siêu, đặc biệt khi các FTA có hiệu lực. Chênh lệch lớn giữa doanh nghiệp trong nước và khối FDI ngày càng gia tăng.

Việt Nam tiếp tục là một nền kinh tế gia công với năng lực yếu và sức cạnh tranh thấp. Khối doanh nghiệp tư nhân ngày càng nhỏ bé và yếu đuối; bị chèn lấn bởi khối FDI và doanh nghiệp Nhà nước” – Đại biểu Hà Sỹ Đồng lo ngại.

Bên cạnh đó, theo đại biểu Đồng, mức độ thâm hụt ngân sách lớn và diễn ra đồng thời với mức thâm hụt nặng nề về bản chất, hay còn gọi là “thâm hụt kép” có nguy cơ đẩy lùi tăng trưởng. Do đó, cần cấp thiết đổi mới một cách căn cơ, thực chất, đảm bảo hiệu lực hiệu quả trong công tác điều hành kinh tế.

Gần kết thúc phiên thảo luận buổi chiều, Đại biểu Phùng Đức Tiến – đoàn đại biểu tỉnh Hà Nam lo ngại, năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu, đóng góp của các thành phần kinh tế còn chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư.

“Tôi lo sợ chúng ta sẽ mất tự chủ về kinh tế do FDI khi khu vực kinh tế ngoài quốc doanh có tốc độ phát triển nhanh nhưng còn khá nhỏ bé. Khối doanh nghiệp FDI ngày càng phát triển và lấn áp doanh nghiệp tư nhân” – Đại biểu cho biết.

Theo đại biểu Tiến, trong xu thế hội nhập ngày càng sâu, sự tham gia của các doanh nghiệp FDI vào nền kinh tế ngày càng lớn. Trong khi đó, nước ta chưa có những tập đoàn có quy mô toàn cầu. Do vậy, khu vực nào giữ vai trò đầu tàu trong nền kinh tế hiện nay đang là câu hỏi lớn cần giải đáp.

Bên cạnh đó, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Năm 2015 tuy sản xuất tăng, giá trị công nghiệp tăng song giá trị nền kinh tế tăng thêm còn thấp. Khả năng tổng thể còn thấp hơn khu vực. Yếu tố quyết định đến khả năng cạnh tranh của ngành chưa đạt yêu cầu.

Mặc dù Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng nhưng đóng góp của lực lượng lao động trong tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng” – Đại biểu tỉnh Hà Nam nhận định.

Trong khi đó, nhận định về chính sách phát triển công nghiệp, đại biểu Tiến cho rằng, một đất nước không thể công nghiệp hóa thành công nếu như không có một nền công nghệ tiên tiến. Việt Nam đã từng có các nhà máy cơ khí, chế tạo vốn là niềm tự hào đến nay gần như đã bị xóa sổ.

Về công nghiệp hỗ trợ, Đại biểu nhấn mạnh, mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành này không chỉ là nguồn vốn, mà còn ở cam kết tỷ lệ nội địa hóa.

“Sau 30 năm dường như FDI chưa có sức lan tỏa, thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam. Phát triển công nghiệp hỗ trợ còn chậm và chưa đạt mục tiêu đề ra” – Đại biểu Tiến cho biết.

Trên cơ sở đó, Đại biểu này cũng đưa ra 4 nhóm giải pháp chính cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thứ nhất, cần tạo môi trường pháp lý đầy đủ và phù hợp cho doanh nghiệp phát triển.

Thứ hai, cần tăng cường phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Thứ ba, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh.

Thứ tư, đổi mới quản trị doanh nghiệp, nâng cao vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế.

17h chiều, Quốc hội kết thúc phiên thảo luận ngày hôm nay.

Theo lịch, ngày mai (3/11), Quốc hội sẽ làm việc tại hội trường để thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016.

Đặc biệt, trong phiên ngày mai các đại diện các trưởng ngành, các đơn vị liên quan sẽ trực tiếp trả lời các vướng mắc của các đại biểu liên quan đến các vấn đề mình đang quản lý./.

____________________________________________

Mở đầu phiên thảo luận chiều, đại biểu Nguyễn Đức Kiên – Tỉnh Sóc Trăng đánh giá cao việc đưa các vụ án lớn ra xét xử như vụ việc ở ngân hàng ACB, Ocean Bank và nhiều vụ án trọng điểm khác...Đại biểu Kiên cho rằng, điều này đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự nghiêm minh của pháp luật và chế độ.

Về kinh tế, nhiệm vụ trọng tâm nhất của nhiệm kỳ 2011-2015 là tái cơ cấu nền kinh tế. Ông Kiên cho rằng 3 nhóm nguyên nhân chủ yếu thì còn 1 số vấn đề.

Thứ nhất, kinh tế vĩ mô thì tỷ trọng xuất khẩu của DN Việt Nam còn thấp, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu. Nền kinh tế đang tăng trưởng ổn định và phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm là khoảng 5,9%.

"Indonesia nợ công năm 2014 là 26,11%, quy mô của nền kinh tế Indonesia lớn hơn 5 năm của Việt Nam. Nếu chỉ so sánh đơn thuần thì dễ bằng lòng. Nhưng nếu so quy mô thì sẽ thấy nền kinh tế Việt Nam đang tụt hậu so với khu vực, so với các nước ASEAN" - Đại biểu Nguyễn Đức Kiên lấy ví dụ.

Cũng theo đại biểu Kiên, chỉ số ICOR của Việt Nam tăng nhưng không đáng kể. Việt Nam đứng thứ 12 trong số các nước dễ vỡ nợ công. Trong 3 tái cơ cấu thì cần nhìn rõ về tái cơ cấu đầu tư công, nhìn rõ các vấn đề của nền kinh tế.

Đối với việc tái cơ cấu các DNNN, theo kế hoạch đề ra, chỉ trong 2 năm 2014-2015 phải CPH 432 DNNN. Đến nay khả năng còn 100 DN chưa hoàn thành theo tiến độ đề ra.

Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp với doanh nghiệp yêu cầu người đứng đầu không thực hiện đúng công tác cổ phần hóa thì phải chịu trách nhiệm cá nhân. Nhưng đến nay vẫn không thấy thông tin của Chính phủ về việc ai chịu trách nhiệm cổ phần hóa DNNN.

Và dẫn đến tình trạng, với khoảng 1,5 triệu tỷ đồng vốn do DNNN quản lý, với tổng tài sản gần 5 triệu tỷ đồng, ta thử nhìn xem đóng góp của DNNN như thế nào?

Trong khi DN FDI chiếm khoảng 26,4% vốn của nền kinh tế nhưng chiếm 25,3% doanh thu thuần nhưng đóng góp 67% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước.

Nếu ta nhìn vào những con số mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổng cục Thống kê đều nhận định rằng, việc tái cơ cấu trên cả 3 lĩnh vực của chúng ta đều chưa hoàn thành.

Đại biểu Trương Văn Vở – Đồng Nai cho biết, năm 2016 là năm tiền đề cho giai đoạn phát triển mới, thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Nhận định về tình hình kinh tế giai đoạn 2011-2015, Đại biểu nhận định, hiệu quả đầu tư thấp, hệ số ICOR cao và giảm không đáng kể, tốc độ tăng nợ công bình quân 2 con số, trong khi tăng trưởng trung bình trong cả giai đoạn vẫn thấp...

Một số doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra. Hiệu quả thoái vốn còn thấp; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh còn thấp, chưa hình thành các mô hình sản xuất theo quy mô lớn, hiện đại.

Do vậy, Đại biểu Trương Văn Vở cho rằng, cần cụ thể hóa chính sách, sớm ban hành cơ chế chính sách, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao tỷ trọng sản xuất công nghiệp, đổi mới ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và tăng cường phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Bên cạnh đó, Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ sớm thể chế hóa luật tổ chức Chính phủ, phân định rõ trách nhiệm cán bộ, tinh giảm bộ máy biên chế, khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ công chức vô cảm với nhân dân, khắc phục tình trạng lời nói chưa đi đôi với việc làm.

Đại biểu Đỗ Văn Đương – Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh lại băn khoăn về nhóm giải pháp nào để đạt được những mục tiêu đã đề ra.

Theo đại biểu Đương, trong kinh tế thị trường không được mạnh ai người ấy làm, không được trốn thuế, không được lách luật.

Tại phiên thảo luận này, Đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng cần xử lý nghiêm sai phạm ở dự án 8B Lê Trực, lấy đất kinh doanh phải đền bù thỏa đáng cho người dân.

“Doanh nghiệp đừng trả cho người lao động đồng lương rẻ mạt, khi làm giàu phải chia sẻ lợi ích cho người lao động” – Đại biểu Đỗ Văn Đương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Đại biểu cũng cho rằng, cần đấu tranh với việc sử dụng chất cấm, chất tạo nạc trong chăn nuôi. Đề bạt công chức cần có tính cạnh tranh, tránh tình trạng ăn xổi ở thì. Chỉ rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi không hoàn thành nhiệm vụ đặt ra.

“Ngoài ra, cần tăng cường thanh tra tiền bạc tài sản nhà nước, áp dụng các biện pháp xử lý tham nhũng, thu hồi tiền bạc do tham nhũng tẩu tán ra nước ngoài. Triển khai đấu thầu cho khai thác các mỏ khoáng sản để tăng thu ngân sách. Điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép…” – Đại biểu Đương kết luận.

Cũng liên quan đến vấn đề ngân sách, Đại biểu Trần Xuân Vinh – tỉnh Quảng Nam đánh giá, trong những năm gần đây, chi thường xuyên đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi NSNN, chi đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách giảm dần. Mặc dù một số chính sách đã được ban hành, song cơ chế chính sách còn tùy tiện, gây cản trở cho doanh nghiệp.

Về hiệu quả đầu tư, Đại biểu Vinh cũng thẳng thắn nhận định, chỉ số ICOR còn cao hơn so với các nước trong khu vực, hiệu quả sử dụng ICOR của Việt Nam còn thấp. Chỉ số này của khu vực kinh tế Nhà nước cao gấp 1,5 lần so với toàn nền kinh tế.

Theo đại biểu Trần Xuân Vinh, động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian qua chủ yếu vẫn phụ thuộc vào vốn và lao động.

“Để nền kinh tế phát triển bền vững cần nâng cao chất lượng lao động, công khai minh bạch các chỉ số nợ công, nợ xấu. GDP tăng mà hiệu quả kinh tế thấp là dấu hiệu cho thấy những vấn đề tiềm ẩn của nền kinh tế” – Đại biểu chia sẻ.

Đồng thời, cũng theo ông Vinh, việc xử lý các vấn đề phát sinh về đầu tư còn yếu. Xu hướng đầu tư có quy mô ngày càng lớn là có thật nhưng hiệu quả chưa cao; dẫn đến tăng nợ công và tăng bội chi ngân sách.

Ông Vinh cho rằng, đầu tư từ vốn NSNN ngày càng giảm, song lại mở rộng quy mô phát hành trái phiếu Chính phủ, kể cả đảo nợ còn lớn. Đây là dấu hiệu của việc sử dụng vốn thiếu hiệu quả, thậm chí có dấu hiệu của tham nhũng.

“Do vậy, cần đa dạng hóa các hình thức đầu tư, tránh đầu tư mang tính cắt cứ, đầu tư mang tính liên vùng. Xử lý dứt điểm sở hữu chéo, phân bổ lại đầu tư chi tiêu công, sử dụng vốn nhà nước hiệu quả. Tăng cường các giải pháp kiểm soát tài chính, lành mạnh hóa thể chế tài chính của đất nước” – Đại biểu tỉnh Quảng Nam nhận định.

Trong khi đó, Đại biểu Huỳnh Nghĩa – Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng nhận định, nước ta có những thuận lợi cơ bản để phát triển kinh tế như nguồn lao động, tài nguyên dồi dào, môi trường ổn định. Nhưng tại sao sau 40 năm vẫn chưa thoát khỏi tình trạng nước nghèo?

Đại biểu cho rằng, cần xác định mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế xã hội là gì? Các chỉ tiêu GDP là cần thiết nhưng sẽ vô nghĩa nếu không dựa trên tăng trưởng thực tế. Chúng ta đề ra mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam sẽ thành nước công nghiệp hóa nhưng lại không có nội dung cụ thể của một nước công nghiệp hóa.

Một nước công nghiệp hóa phải có năng lực sản xuất dựa trên máy móc công nghiệp và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhưng hiện nay, liệu Việt Nam đã có mặt hàng xuất khẩu nào có thể đáp ứng yêu cầu này.

Ai sẽ là người chịu trách nhiệm khi công nghiệp hóa không đạt mục tiêu đề ra? Chúng ta nói nhiều đến công nghiệp hỗ trợ và tỷ lệ nội địa hóa nhưng vì sao ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn chủ yếu là lắp ráp? Vì sao sản lượng xuất khẩu gạo Việt Nam đứng nhất nhì thế giới nhưng đời sống của nông dân vẫn còn nhiều khó khăn” – Đại biểu đặt ra một loạt câu hỏi.

Theo đại biểu Huỳnh Nghĩa, Chính phủ cần có cơ chế gắn trách nhiệm của từng cá nhân, lãnh đạo; thay đổi cơ chế quản lý giám sát là đòi hỏi cấp thiết.

Bên cạnh đó, Đại biểu này cũng cho rằng, con người là nhân tố trung tâm của quá trình phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy cần quan tâm đúng mức tới tình trạng phân hóa giàu nghèo và xóa bỏ tình trạng nhóm lợi ích - mối nguy hiểm tiềm tàng làm mất đi nguồn tài nguyên của đất nước.

Tình trạng bất bình đẳng xuất hiện khi doanh nghiệp không tự lớn lên bằng năng lực sản xuất đơn thuần mà qua nhiều cách lách luật, trốn thuế và nhiều con đường khác. Sự bất cập về tiền lương sẽ triệt tiên động lực phát triển và trở thành vấn đề lớn với nền kinh tế. Do đó, đây cũng là vấn đề cần xem xét và xử lý” – Đại biểu Huỳnh Nghĩa nhận định.

Dẫn chứng từ tỷ lệ khoa học công nghệ hiện chỉ đóng góp khoảng 30% vào nông nghiệp, trong khi các nước là 80%, Đại biểu Trần Công Minh bày tỏ sự quan tâm đến tái cơ cấu nông nghiệp. Thực tế này cho thấy, hiện nay xuất khẩu chủ yếu là nông sản thô nên sức cạnh tranh yếu.

Do đó, Đại biểu Trần Công Minh cho rằng cần triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo hướng mỗi viện, mỗi trường, mỗi vùng sản xuất nghiên cứu sản xuất công nghiệp cao chuyên canh.

Tạo điều kiện tổ chức và DN nghiên cứu phát triển, tham gia sản xuất quy mô lớn hình thành nguyên liệu, có chính sách khuyến khích đặc biệt với các DN này. Đồng thời, tập trung nghiên cứu sản phẩm nông sản có thị trường và lợi thế như sản phẩm nhiệt đới.

Tăng nghiên cứu đầu tư khoa học công nghệ, khuyến khích mọi thành phần nghiên cứu tham gia nghiên cứu, tập trung vào khâu giống, máy móc canh tác sau thu hoạch. Nghiêm túc thực hiện cơ chế chịu trách nhiệm trong khoa học công nghệ, đẩy mạnh cơ chế đấu thầu, quản lý chặt chẽ đầu ra và sản phẩm.

Đặc biệt, liên quan đến các giải pháp tập trung vào thu hút đầu tư vào nông nghiệp, đại biểu Trần Công Minh cho rằng tỷ lệ DN đầu tư hiện nay đang ở mức quá thấp, chủ yếu là DN nhỏ và vừa. Do đó, cần ưu tiên phát triển DN làm chế biến tinh, chế biến sâu, phụ phẩm… hình thành tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao, có cơ chế hỗ trợ hiệp hội và ngành hàng, hỗ trợ thông tin đầu tư vào nông nghiệp;

Có chính sách ưu đãi hạn điền, thời gian thuê đất tạo điều kiện cho nông dân tham gia vào nông nghiệp như mua cổ phiếu; đẩy mạnh nguồn cung cấp tín dụng tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng trong đó ưu tiên ứng dụng công nghệ mới; tăng cường đẩy mạnh hỗ trợ DN khoa học công nghệ.

15h30p Quốc hội nghỉ giải lao

Tiếp tục cập nhật....

Cẩm An - Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên