MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Trực tiếp họp Quốc hội]: Hội trường tiếp tục nóng với vấn đề trốn thuế gây thất thu ngân sách

Đối với chính sách thực hiện thuế VAT, nếu tính sơ bộ hàng năm Nhà nước cũng thất thu hàng chục ngàn tỷ đồng. Mỗi năm, các hộ gia đình mua bán trung bình lên tới 50 triệu đồng/năm nhưng nhiều giao dịch không có hóa đơn VAT..

Sáng nay, phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch năm 2016 của kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã diễn ra tại hội trường với phần tham gia thảo luận của các đại biểu.

Thời điểm 10h sáng

Sau giờ giải lao các đại biểu tiếp tục phiên họp với phần thảo luận của một số đại biểu của đoàn Kon Tum, Điện Biên... Tiếp tục phiên thảo luận với các ý kiến về xóa đói, giảm nghèo và chính sách cho người dân tộc thiểu số, dân tộc vùng sâu vùng xa...

Đại biểu Lê Thị Công – Bà Rịa Vũng Tàu, đã bày tỏ ý kiến của mình xoay quanh vấn đề thu hút và giải ngân vốn ODA hiện nay.

Theo đại biểu, trong giai đoạn phát triển vừa qua, việc thu hút ODA đã đạt nhiều kết quả tích cực, tổng vốn ODA ký kết và giải ngân đều tăng cao.

Trong điều kiện nguồn ngân sách eo hẹp, để cân đối cho đầu tư, phải thừa nhận ODA là nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên việc sử dụng nguồn vốn ODA trong thời gian qua còn nhiều yếu kém như thất thoát, lãng phí, thiếu cạnh tranh.

“Tâm lý coi ODA là khoản viện trợ cho không đã dẫn đến sử dụng lãng phí, không nhận thức được đó cũng là khoản nợ mà chúng ta phải trả” – Đại biểu Lê Thị Công nhận định.

Theo vị đại biểu này, nợ công quốc gia đang tăng cao; chiếm 61,3% GDP và dễ dẫn đến mất kiểm soát trong tương lai gần. Do vậy, để hạn chế những tác động tiêu cực dẫn đến vỡ trần nợ công, cần tăng cường kiểm soát và hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA, coi ODA là nguồn vốn quan trọng trong đầu tư phát triển, tránh lãng phí.

Đại biểu Nguyễn Công Bình – Yên Bái chia sẻ, năm 2015 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội song nền kinh tế nước ta đã gặp không ít khó khăn, các đầu tàu kinh tế suy giảm, giá dầu giảm mạnh làm cân đối ngân sách khó khăn.

Mặc dù Chính phủ đã có những giải pháp nhưng tăng trưởng nông nghiệp và xuất khẩu nông sản còn gặp nhiều khó khăn, chưa có nhiều giải pháp. Vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều yếu kém, chất lượng giảm nghèo chưa bền vững, cung cầu trên thị trường lao động mất cân đối, nợ đọng văn bản còn lớn.

Nông nghiệp là một trong những ngành kinh tế chủ yếu của nước ta, có vai trò quan trọng trong sản xuất tiêu dùng và xuất khẩu. Mặc dù Chính phủ đã có chính sách thu hút song chưa hấp dẫn, nên tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn thấp, con số hiện nay chưa đến 1%. Đặc biệt, một số vùng núi, vùng sâu gần như chưa có doanh nghiệp nào đầu tư vào nông nghiệp.

Do vậy, Đại biểu Bình đề nghị, Chính phủ cần rà soát bổ sung để có chính sách đủ mạnh, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Trong khi đó, vấn đề về tăng thu thuế cho ngân sách được Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương – Quảng Bình đề cập trong phiên thảo luận sáng nay.

Theo Đại biểu Phương, trong thời gian qua, việc kiểm soát đầu tư công, mua sắm công đã được tăng cường song hiệu quả đạt được chưa cao. Điều này dẫn đến tỷ lệ nợ công vẫn tiếp tục tăng cao, chiếm 61,3% GDP và đặt gánh nặng lớn lên cân đối ngân sách Nhà nước.

Đại biểu kiến nghị, để tăng cường thu ngân sách cần tăng cường hiệu quả thu từ các loại thuế.

“Tình trạng trốn thuế, gian lận thương mại hiện nay ngày càng gia tăng. Ý thức tham gia nộp thuế của người dân và doanh nghiệp chưa cao. Người dân chưa thực sự coi đóng thuế là trách nhiệm và nghĩa vụ” – Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nhận định

Theo Đại biểu Phương, đối với chính sách thực hiện thuế VAT, nếu tính sơ bộ hàng năm Nhà nước cũng thất thu hàng chục ngàn tỷ đồng. Mỗi năm các hộ gia đình mua bán trung bình lên tới 50 triệu đồng/năm nhưng nhiều giao dịch không có hóa đơn VAT.

Nhiều doanh nghiệp buôn bán lớn, liên tiếp mở rộng kinh doanh, mở rộng cửa hàng nhưng vẫn trốn thuế như trường hợp của Metro. Bên cạnh đó, chính sách cho doanh nghiệp tự in hóa đơn còn nhiều lỗ hở, dẫn đến buôn bán hóa đơn, nợ đọng thuế lớn.

“Chúng ta đang cho phép thành lập doanh nghiệp quá dễ dãi, doanh nghiệp nợ thuế bị thu hồi hóa đơn vẫn có thể thành lập doanh nghiệp khác” – Đại biểu Phương cho biết.

Ngoài ra, theo đại biểu Phương, thất thoát lớn trong thu tài nguyên khoáng sản và các nguồn thu khác cũng là một trong những nguyên nhân chính làm thất thu ngân sách Nhà nước. Do vậy, Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo để nuôi dưỡng nguồn thu.

Hệ thống chính sách cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp – đối tượng chính để nuôi dưỡng nguồn thu, chứ không phải làm cho doanh nghiệp thêm khó khăn như giá thuê đất tăng cao, đẩy doanh nghiệp vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.

“Nhà nước nợ doanh nghiệp thì không phải trả lại, còn doanh nghiệp nợ Nhà nước phải trả cho ngân hàng. Nếu chậm nộp thuế sẽ bị cưỡng chế. Điều này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc giáo dục chính sách thuế và cưỡng chế sử dụng nợ chưa chặt chẽ” – Đại biểu đến từ Quảng Bình nhận định.

Vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp và mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng nông sản Việt Nam là vấn đề được Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng – Bình Dương đề cập trong phiên thảo luận tại Nghị trường sáng nay.

Vị đại biểu này cho rằng, những hạn chế của nông nghiệp đã bộc lộ từ nhiều năm qua, vấn đề không chỉ là được mùa mất giá mà còn do mô hình tăng trưởng đã quá cũ và không còn phù hợp với tình hình hiện nay.

“Chúng ta đã duy trì quá lâu vai trò của hộ nông dân trong nền kinh tế nông nghiệp, coi hộ nông dân là nòng cốt chứ không phải các doanh nghiệp. Trong khi đó, người nông dân cũng không tự biến mình thành các công nhân công nghiệp. Đây chính là tồn tại cố hữu của nông nghiệp Việt Nam” – Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng chia sẻ.

Theo đại biểu Đáng, mọi thứ đã thay đổi và cần có sự chuyển đổi phù hợp. Người sản xuất nông nghiệp cần có nhận thức về thị trường, chọn lựa khâu sản xuất kinh doanh.

Xu hướng phát triển của nông nghiệp thế giới đòi hỏi có những mô hình sản xuất mới. Nhiều mô hình sản xuất với năng suất cao hơn, đòi hỏi những công nhân nông nghiệp ngay tại nông thôn. Nếu những mô hình này xuất hiện nhiều, chắc chắn nông nghiệp Việt Nam sẽ “thay áo”.

Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi thay đổi cả tư duy và chính sách. Trong đó, đầu tư vào công nghệ là luồng gió mới cho nông nghiệp Việt Nam.

11h30p Quốc hội kết thúc phiên thảo luận sáng. Theo lịch trình phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 2015 và kế hoạch 2016 sẽ tiếp tục được thảo luận tại hội trường lúc 1h30p chiều nay.

_________________________________________________

Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Thân Văn Khoa (Bắc Giang), bày tỏ sự quan tâm về hiệu quả sử dụng vốn đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. So sánh với 1 số nước và quốc gia thì hệ số ICOR Việt Nam đang cao.

Dẫn chứng, vị đại biểu này nêu: Theo WB, chỉ số ICOR thuộc loại thấp 4,88 chỉ sau Lào ở giai đoạn trước đây, thì ở giai đoạn 2014 là 6,92 chỉ sau Ấn Độ. Nguyên nhân cao theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Việt Nam đầu tư mạnh hạ tầng cơ sở vùng sâu, vùng xa, xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, theo đại biểu Thân Văn Khoa, nguyên nhân khiến chỉ số ICOR cao còn do công tác quy hoạch còn nhiều hạn chế, quy hoạch treo, chưa đồng bộ thất thoát lãng phí còn nhiều. Do đó, đại biểu này cho rằng cần quy định trách nhiệm cụ thể, còn hiện nay việc xử lý trách nhiệm vẫn rất chung chung.

Liên quan đến việc thực hiện đổi mới tái cơ cấu còn chậm, đặc biệt là cơ cấu đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu, đầu tư còn dàn trải, thất thoát lãng phí. Việc huy động nguồn lực cũng chưa tốt, hợp tác công tư hạn chế, thu hút FDI chưa kết nối công nghệ, cổ phần hóa của DNNN còn thấp, cơ cấu lại sắp xếp đổi mới nông lâm trường còn chậm. Đáng chú ý là hiện quả sản xuất kinh doanh của DNNN còn thấp, chưa thể hiện rõ là lực lượng nòng cốt của nhà nước.

Liên quan đến cơ cấu lại tổ chức tín dụng. Theo đại biểu Thân Văn Khoa, dù đã có kết quả bước đầu khi mua lại các tổ chức tín dụng công tác kiểm tra giám sát được tăng cường, nợ xấu giảm.

Tuy nhiên, chất lượng tín dụng của ngân hàng chưa được cải thiện. Nợ xấu tính đến cuối tháng 9/2015 về dưới 3%, nếu theo tiến độ này thì việc xử lý nợ xấu hoàn toàn có thể đạt được. Song thực tế nợ xấu xử lý thế nào là vấn đề đáng quan tâm.

Dẫn chứng từ thông tin của Công ty VAMC và các tổ chức tín dụng, từ 1/10/2013 đến 25/10/2015 các tổ chức tín dụng bán cho VAMC bán 226.028 tỷ đồng, dư nợ gốc với giá mua 191.006 tỷ đồng; VAMC xử lý được 16.277 tỷ đồng.

“Như vậy, đạt tỷ lệ rất khiêm tốn 7,2% so với dư nợ gốc là 8,5%. Như vậy có thể khẳng định phần lớn nợ VAMC mua mới chỉ đạt 175.529 tỷ đồng, mới chỉ được gom lại mà chưa được VAMC xử lý tận gốc. Bản chất nợ xấu vẫn còn đó” – đại biểu Thân Văn Khoa nói.

Còn đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TPHCM) lại đánh giá cao những kết quả đạt được của kinh tế và việc đàm phán ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Song lại bày tỏ lo ngại khi tăng trưởng bình quân 5 năm đạt thấp hơn 5 năm trước.

Động lực tăng trưởng đã bảo hòa, nguồn lực phát triển cần phải được tạo ra động lực mới, trong đó động lực cải cách thể chế và khoa học công nghệ để phát triển có chiều sâu và bền vững” – Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa nói.

Đáng chú ý, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam ở mức thấp khi chỉ xếp vị trí 56/140 và là mức thấp trong khu vực. Phân tích sâu cho thấy, Việt Nam có chỉ số xếp hạng cao như quy mô thị trường (33), hiệu quả thị trường lao động (52).

Tuy nhiên, các vấn đề như thể chế xếp vị trí thứ 85, thị trường tài chính (84), giáo dục cao học (95), trình độ quản trị doanh nghiệp (100). Thực tế này cho thấy, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và DN còn hạn chế.

Điều này thể hiện nguồn lực phân bổ chưa hợp lý, thủ tục phức tạp dẫn đến chi phí sản xuất cao giá thành không cạnh tranh được. Các nguồn lực vẫn còn mang tính hoạt động cầm chứng, cộng đồng DN còn nhỏ và vừa, Việt Nam chưa có DN quy mô lớn, năng lực còn thấp và chưa đủ sức cạnh tranh.

Do đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng cần phân bổ nguồn lực, trừ 4 lĩnh vực Nhà nước nắm quyền thì cần xã hội hóa để mọi thành phần tiếp cận nguồn lực bình đẳng.

"Đẩy nhanh cổ phần hóa phát triển nhanh xã hội, giảm tải cho bộ máy nhà nước, tập trung vào kiến tạo môi trường cho xã hội; tập trung cải cách thể chế với thủ tục đơn giản và chi phí thấp nhất; Có chính sách phát triển DNNVV, tập trung hỗ trợ và đào tạo DN quy mô lớn, có năng lực quản trị hiện đại; đổi mới công nghệ, đẩy mạnh khoa học; đẩy mạnh nguồn nhân lực…"

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) thì lo ngại việc tham gia TPP có thể đặt thách thức không nhỏ cho nền kinh tế. Do đó, để giúp DN cần có biện pháp tuyên truyền hướng dẫn hỗ trợ DN tiếp cận thông tin với hội nhập, giúp DN Việt Nam phát triển bền vững, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện đại hóa sản xuất, phát triển thương hiệu.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh rà soát hệ thống chương trình pháp luật, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, xem xét loại bỏ quy định không còn phù hợp.

Tiếp tục phần thảo luận, Đại biểu Lê Thị Yến – đoàn Phú Thọ đánh giá cao những thành tựu kinh tế – xã hội đã đạt được trong thời gian vừa qua.

Năm 2015, kinh tế Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công, 13/14 chỉ tiêu về kinh tế xã hội đã đạt mục tiêu đề ra, CPI giảm mạnh, xuống mức thấp nhất 15 năm. Mặt bằng lãi suất giảm, tỷ giá được điều chỉnh linh hoạt hợp lý, duy trì sự ổn định của thị trường ngoại hối…

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Đại biểu Lê Thị Yến cũng thẳng thắn thừa nhận, trong thời gian quan, nền kinh tế nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế như tăng trưởng kinh tế còn thấp, thiếu tính ổn định.

Có phải do chúng ta đã duy trì quá lâu mô hình tăng trưởng cũ? Để giải quyết tình trạng này, cần đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh, đẩy mạnh các ngành chế biến cao theo hướng sản xuất hàng hóa hiện đại” – Đại biểu đến từ Phú Thọ chia sẻ.

Trên cơ sở đó, Đại biểu Yến cũng đề xuất một số kiến nghị, giải pháp như sau:

Thứ nhất, đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, ban hành các văn bản hỗ trợ người lao động, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thứ hai, tiền lương thấp là nguyên nhân ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nguồn lực. Do vậy, thực hiện tăng lương theo đúng lộ trình là giải pháp thúc đẩy tăng trưởng năng suất lao động...

Đại biểu Trần Ngọc Vinh – Hải Phòng đánh giá, năm 2015 nền kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, giá dầu giảm sâu. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, cùng với nỗ lực của toàn dân và cộng đồng doang nghiệp, kinh tế xã hội đã đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực.

GDP năm 2015 ước đạt trên 6,5%, chỉ số giá tiêu dùng thấp nhất 15 năm, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được thực hiện tốt. Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đạt kết quả bước đầu quan trọng. Sắp xếp lại DNNN đạt kết quả tích cực, số doanh nghiệp thành lập mới tăng. Đổi mới chính sách, cơ chế liên quan đến đầu tư đạt nhiều kết qủa tích cực.

Song Đại biểu Vinh cũng cho rằng, bên cạnh những thành tích đã đạt được vẫn còn những vấn đề như cơ cấu kinh tế chưa hợp lý, động lưc tăng trưởng vẫn chủ yếu đến từ khối FDI.

Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu, chi ngân sách còn lớn gây áp lực trong cả ngắn hạn và dài hạn. Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm còn yếu, ô nhiễm môi trường, giáo dục đào tạo và sử dụng nguồn lực mất cân đối.

Do vậy, Đại biểu Vinh đề nghị Chính phủ cần tiếp tục quan tâm các vấn đề tác động đến chất lượng tăng trưởng. Những yếu tố chưa bền vững của nền kinh tế, đưa ra giải pháp hữu hiệu cho năm 2016, nâng cao khả năng dự abos trong điều hành kinh tế vĩ mô

Bên cạnh đó, cần đảm bảo phát triển hài hòa giữa các khu vực, phân tích kỹ sự phát triển lệch pha lớn giữa khối FDI và doanh nghiệp trong nước là do quản trị doanh nghiệp hay do chính sách.

“Tại sao nền công nghiệp qua nhiều năm vẫn chủ yếu là lắp ráp, gia công? Tại sao chúng ta đã có chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ nhưng doanh nghiệp Việt vẫn chủ yếu đi làm thuê, chúng ta vẫn chưa có những doanh nghiệp thực sự lớn” – Đại biểu Vinh đặt câu hỏi.

Về phát triển nông nghiệp, Đại biểu Trần Ngọc Vinh cho rằng cần tiếp tục ban hành chính sách phát triển nông nghiệp mạnh, tạo sự liên kết chặt chẽ, tổ chức tốt tiêu thụ nông sản nội địa. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng hóa chất trong chăn nuôi và cắt giảm chi tiêu công chưa cần thiết, đảm bảo tăng lương đúng lộ trình.

Đại biểu Khúc Thị Huyền (Bắc Ninh) đặc biệt quan tâm đến các giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế và nâng cao năng suất, sức cạnh tranh. Đặc biệt là tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới vốn là chủ trương được đưa ra nhiều năm qua.

Theo đó, hiện đã có một số doanh nghiệp bước đầu đầu tư vào cánh đầu mẫu lớn, song vẫn ở mức thấp. Do đó, nhà nước cần làm rõ chính sách đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp cho nông nghiệp; chính sách phát triển sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành và lĩnh vực nông nghiệp.

Đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) thì quan tâm đến khả năng cạnh tranh của DN trong TPP. Nhìn từ kinh nghiệm tham gia WTO, nhiều đánh giá trước đây cho rằng, tham gia WTO có thể giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng 8 -9%, nhưng thực tế tác động bên ngoài và yếu kém bên trong làm cho doanh nghiệp Nam lao đao.

Do đó, đại biểu này cho rằng hội nhập thành công cần có thể chế và con người hội nhập, cần tiếp tục sửa đổi cam kết WTO, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tích cực cải thiện sức khỏe thì nền kinh tế, loại bỏ công chức nhũng nhiễu, yếu kém trong bộ máy.

Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân – Khánh Hòa nhận định, trong khó khăn, nền kinh tế Việt Nam đã vững vàng vượt qua nhiều thách thức và duy trì tốc độ tăng trưởng đáng ngưỡng mộ.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, cải cách hành chính trong một số lĩnh vực còn chậm, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Cải cách thể chế và xây dựng bộ máy còn nhiều hạn chế.

Việc quản lý sử dụng đất đai, khai thác khoáng sản còn nhiều yếu kém, hiệu quả chưa cao. Trong nhiều năm qua còn nhiều lãng phí như nạn chặt phá rừng, đánh bắt tài nguyên trái phép, tài nguyên đất nước đang bị khai thác quá mức, khai thác phải tiết kiệm.

Theo Đại biểu đến từ Khánh Hòa, vấn đề lớn nhất của nền kinh tế hiện nay là quản lý thu chi ngân sách còn nhiều bất cập, nợ công tăng cao dẫn đến nhiều khó khăn, cơ cấu chi chưa hợp lý, chi thường xuyên tăng cao, chi đầu tư giảm dần.

“Cần kiểm soát cơ cấu lại nợ, tránh nguy cơ đổ vỡ nền kinh tế. Bởi quản lý ngân sách là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của nền kinh tế” – Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân nói.

9h30 đại biểu nghỉ giải lao

Tiếp tục cập nhật....

Cẩm An - Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên