MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Trực tiếp Quốc hội] Thủ tướng Chính phủ: Sẽ bán hết vốn trong các DNNN theo cơ chế thị trường

Số tiền này sẽ được sử dụng tiền chi cho đầu tư phát triển, nâng cao năng lực hoạt động của DNNN.

Sáng nay (ngày 20/10/2015), kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã chính thức khai mạc. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày Báo cáo về “Tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015; phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và năm 2016”.

Theo Thủ tướng, từ 2011, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, nền kinh tế phục hồi chậm hơn dự báo, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, thiên tai dịch bệnh gây thiệt hại lớn đã ảnh hưởng đến kinh tế trong nước.

Đặc biệt, tình hình kinh tế trong nước chịu ảnh hưởng khi giá dầu thô giảm sâu, đồng nhân dân tệ đột ngột giảm giá, một số nền kinh tế lớn suy giảm… đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, lạm phát đã được kiểm soát, tốc độ tăng CPI giảm mạnh, từ 18,13% năm 2011 xuống còn khoảng 2% vào năm 2015, thấp nhất trong 15 năm qua. Mặt bằng lãi suất giảm, năm 2015 chỉ bằng 40% so với năm 2011; dư nợ tín dụng tăng 17%, cao nhất kể từ năm 2011. Tỷ giá được điều chỉnh phù hợp; thị trường ngoại hối cơ bản ổn định; niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên.

Kim ngạch xuất khẩu tăngkhoảng 18%/năm, tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm chế biến, chế tạo tăng mạnh; nhập khẩu tăng 15%/năm; tỷ lệ nhập siêu giảm từ 10,2%năm 2011 xuống còn 3,6% năm 2015. Cán cân thanh toán quốc tế thặng dư khá cao; dự trữ ngoại hối năm 2015 đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Đặc biệt, dù giá dầu thô giảm nhưng thu nội địa tăng nên tổng thu ngân sách năm 2015 vẫn tăng 7,4% và 5 năm gấp khoảng 2 lần so với giai đoạn trước. Chi ngân sách gấp 2,17 lần, tăng chi cho con người, bội chi bình quân khoảng 5%GDP/năm.

”Nợ công tập trung cho đầu tư phát triển; đến hết năm 2015, nợ công khoảng 61,3% GDP, nợ Chính phủ 48,9%, nợ nước ngoài của quốc gia 41,5%” – Theo đánh giá của Thủ tướng là vẫn trong giới hạn an toàn.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội gấp khoảng 1,8 lần so với 5 năm trước, bằng khoảng 31,2%GDP. Vốn FDI thực hiện đạt 58,2 tỷ USD, tăng 31%. Vốn ODA giải ngân đạt khoảng 24 tỷ USD, tăng 70,5%.

Cũng theo Thủ tướng, tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý và phục hồi khá cao vào những năm cuối. Tăng trưởng GDP năm 2015 ước đạt trên 6,5%, cao nhất trong 5 năm qua, vượt kế hoạch đề ra (6,2%); bình quân 5 năm đạt khoảng 5,9%/năm.

Trong đó công nghiệp, xây dựng tăng 6,74%/năm, nông lâm thủy sản tăng 3,01%/năm, dịch vụ tăng 6,31%/năm. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng; GDPnăm 2015 đạt khoảng 204 tỉ USD, bình quân đầu người 2.228 USD (tính theo sức mua ngang giá là trên 5.600 USD).

Chất lượng tăng trưởng nhiều mặt được nâng lên. Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP tăng từ 79,42% năm 2010 lên 82,5% năm 2015. Năng suất lao động tăng bình quân 3,8%/năm. Vốn đầu tư được sử dụng hiệu quả hơn.

Trong 9 tháng năm 2015, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 28,5% và vốn đăng ký tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2014.Số doanh nghiệp đang hoạt động là 525 nghìn, gấp hơn 1,5 lần so với cuối năm 2010.

Về công tác tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, Thủ trướng cho biết đã thực hiện đồng bộ tái cơ cấu nền kinh tế và các ngành, lĩnh vực, tập trung vào các trọng tâm.

Cụ thể, tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công. Cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội chuyển dịch tích cực, trong đó đầu tư công giảm từ 35,5% năm 2010 xuống cònkhoảng 30% năm 2015,đầu tư của dân cư và doanh nghiệp trong nước tăng từ 36,1% lên 42%.

Về tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là các ngân hàng thương mại.Tập trung xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Các ngân hàng thương mại bằng các biện pháp chủ động tựxử lý nợ xấu là chủ yếu; đồng thời phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản (VAMC) tham gia xử lý nợ xấu và phát triển thị trường mua bán nợ.

Đến tháng 9 năm 2015, nợ xấu còn 2,9% (tháng 9/2012 là 17,43%) và đã giảm 17 tổ chức tín dụng. Thanh khoản và an toàn hệ thống được bảo đảm; cung ứng vốn tốt hơn cho nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.Quy mô thị trường chứng khoán tăng, mức vốn hoá thị trường cổ phiếu đạt khoảng 33%GDP và thị trường trái phiếu đạt khoảng 23% vào cuối năm 2015.

Về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty. Tập trung vào cổ phần hoá, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. DNNN tập trung hơn vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu. Quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu được tăng cường.

Thủ tướng cho biết, đã sắp xếp 465 DNNN, trong đó cổ phần hóa 353 doanh nghiệp. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán bớt phần vốn tại các doanh nghiệp cổ phần hóa thu về cao hơn giá trị sổ sách, gấp 1,47 lần.

Bên cạnh đó, hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế còn tập trung vào tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tái cơ cấu công nghiệp – dịch vụ.

Mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng, song Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, liên kết giữa DN FDI và DN trong nước còn hạn chế. Ngành du lịch chưa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp hiện đại chưa đáp ứng yêu cầu. Thể chế kinh tế thị trường chưa mạnh mẽ, phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ chưa đáp ứng nhu cầu, tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới chưa đạt yêu cầu.

Đặc biệt, phát triển các ngành giá trị cao còn chậm, chưa tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu. Giải quyết việc làm, khoảng cách giàu nghèo còn lớn.

Do đó, mục tiêu đặt ra kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện các đột phá chiến lược và tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo tiền đề cho phát triển cao hơn trong giai đoạn tới.

Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới:

Thủ tướng khẳng định, khoa học công nghệ đang phát triển nhanh cùng với quá trình toàn cầu hóa tác động mạnh tới tình hình kinh tế xã hội của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, kinh tế thế giới phục hồi chậm và còn nhiều khó khăn là những thách thức đối với nước ta.

“Do vậy, nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề trong khi nguồn lực còn hạn hẹp. Việc thực hiện các FTA và gia nhập AEC mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho phát triển nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức. Trong thời gian tới, cần cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo đó, Thủ tướng cho biết, tốc độ tăng GDP bình quân 5 năm tới đặt mục tiêu đạt 6,5-7% năm; năm 2016 đạt 6,7%; đến năm 2020 đạt GDP bình quân 3750USD/người.

Tỷ trong công nghiệp, dịch vụ trong GDP đạt trên 85%. Bội chi ngân sách đến 2020 giảm xuống còn 4,8% GDP. Năng suất các yếu tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30-35%...

Trên cơ sở đó, Người đứng đầu Chính phủ cũng đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới.

Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại, phát triển và vận hành thông suốt các loại thị trường, phân bổ nguồn lực hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần điều hành hiệu quả các chính sách kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, tăng tỷ trọng thu nội địa và đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa chi thường xuyên, chi trả nợ, hạn chế bội chi ngân sách.

Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp, tạo môi trường an toàn, thuận lợi, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư phát triển; tăng cường kiểm soát thị trường, giá cá.

Đồng thời, đẩy mạnh tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, nâng cao đời sống nhân dân.

Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển và đưa du lịch thành ngành công nghiệp mũi nhọn.

Sớm triển khai xây dựng hiệu quả một số đặc khu kinh tế, đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng, thực hiện chủ trương thực hiện đầu tư công, đảm bảo phù hợp với mục tiêu kinh tế xã hội, đầu tư ngoài nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, hỗ trợ cho các dự án đầu tư kết cấu theo PPP, đầu tư xây dựng nông thôn mới và các vùng còn nhiều khó khăn.

Tập trung xử lý nợ xấu, ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật, đảm bảo an toàn hệ thống tài chính.

Nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, tái cơ cấu DNNN, cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành, bán hết vốn trong các DNNN theo cơ chế thị trường, sử dụng tiền chi cho đầu tư phát triển, nâng cao năng lực hoạt động của DNNN.

Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, có công nghệ cao, đầu tư phát triển, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực công nghệ cao, đổi mới căn bản giáo dục đào tạo.

Ngoài ra, cần triển khai những dự án quan trọng, thực hiện hiệu quả nghiên cứu khoa học, khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Khánh Nhi - Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên