Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ, Việt Nam "chịu trận"
Là quốc gia láng giềng, việc Trung Quốc 3 lần phá giá liên tiếp đồng Nhân dân tệ (NDT) sẽ tác động trực tiếp tới kinh tế Việt Nam, như có nguy cơ làm giảm GDP, xuất khẩu nông sản gặp khó.
- 14-08-2015Sự thật của chính sách phá giá đồng nhân dân tệ
- 14-08-2015Phá giá Nhân dân tệ và nguy cơ tràn ngập hàng Trung Quốc
- 13-08-2015Thận trọng với cơn "hoảng loạn" Nhân dân tệ Trung Quốc
Có thể làm giảm GDP của Việt Nam
Trao đổi với báo giới, ông Dương Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản (Tổng cục Thống kê) cho rằng, về lý thuyết, khi Trung Quốc phá giá đồng tiền, chắc chắn xuất khẩu của nước này rất có lợi. Các nước, trong đó có Việt Nam một đối tác nhập khẩu lớn từ Trung Quốc, sẽ chịu nhiều tác động.
Việt Nam sẽ nhập khẩu nhiều hơn từ nước này. Khi nhập khẩu tăng lên, bao giờ GDP cũng giảm thấp xuống.
Bởi, theo phương pháp nghiên cứu GDP sử dụng cuối cùng, GDP sẽ bao gồm tiêu dùng cuối cùng của hộ, của Chính phủ, tích lũy và cộng xuất trừ nhập. Nhập khẩu càng lớn lên thì phần phải trừ đi càng lớn. Điều đó làm cho GDP giảm xuống, ông Hùng lo ngại.
Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho Việt Nam vì khi đó, giá trị nguyên vật liệu Trung Quốc nhập khẩu giảm xuống. Đầu vào giảm sẽ làm cho sản xuất của ta tăng trưởng tích cực hơn, xuất khẩu của ta có lợi thế hơn. Lợi ích này sẽ bù lại cho phần giảm GDP do nhập khẩu tăng lên.
Vì vậy, ông Hùng nhận định, với mục tiêu GDP năm nay là 6,2% thì Việt Nam vẫn thừa sức đạt. “Phá giá Nhân dân tệ sẽ không làm ảnh hưởng đến mục tiêu này. Nếu có giảm là GDP giảm so với khả năng đáng lẽ có thể đạt được” - ông Hùng phân tích.
Ông lý giải, dầu thô chúng ta vẫn khai thác sản xuất tốt. Các ngành đều tăng trưởng rất khá, như công nghiệp chế biến tăng rất ấn tượng, 6 tháng đầu năm tăng tới 9% cao nhất mấy năm gần đây. Xây dựng bất động sản đang khởi sắc trở lại. Thứ ba là dịch vụ vẫn ổn định. Các ngành thương mại tăng trưởng ổn.
Xét về cầu, tiêu dùng gia đình sau nhiều năm tăng thấp, thì năm nay lần đầu tiên tăng hơn cả tăng trưởng GDP nên sẽ đóng góp tốt cho GDP.
Song, ông Hùng lưu ý khoảng cách quan hệ thương mại xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ ngày càng gia tăng. Đó là điều bất lợi cho chúng ta khi nhập nhiều từ Trung Quốc. Tuy nhiên, nhờ giá trị nguyên vật liệu nhập từ Trung Quốc thấp nên Việt Nam sẽ được lợi khi xuất khẩu. Ví dụ, khi xuất sang EU, sang Mỹ như ở dệt may, da giày, hàng của ta cạnh tranh hơn.
Xuất khẩu nông sản khó sống
Số liệu từ Bộ NN-PTNT cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 7 tháng năm 2015 ước đạt 16,9 tỷ USD, giảm 3,6% so với cùng kỳ 2014, mà nguyên nhân chính được cho là tỷ giá.
Thế nên, khi vừa nhắc đến chuyện Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT), ông Võ Hùng Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam, đã thở dài. Bởi, các doanh nghiệp cá tra hiện đã khó khăn nay lại càng khó hơn.
Theo ông Dũng, đồng rúp của Nga và đồng tiền của Brazil vốn mất giá liên tục thời gian qua khiến các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra chật vật đủ đường, nay lại bị bồi thêm “cú” phá giá đồng NDT của Trung Quốc. Trong khi, thị trường này chính là cứu cánh cho các doanh nghiệp cá tra khi Nga và châu Âu khủng hoảng.
Ông Dũng lý giải, thời gian qua, các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc tăng lên rất nhiều. Hiện Trung Quốc chiếm khoảng 8% thị phần xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Khi phá giá đồng NDT, phía doanh nghiệp Trung Quốc có thể sẽ điều chỉnh hợp đồng, thương lượng lại để giảm giá,... khiến lượng xuất khẩu sang thị trường này sụt giảm, gây thua lỗ cho các doanh nghiệp cá tra Việt Nam.
Tương tự, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nói thêm, cạnh tranh xuất khẩu thủy sản trở nên gay gắt hơn khi các nước khác sẽ giảm giá đồng tiền. Tương lai, các doanh nghiệp thủy sản của Trung Quốc trước đây phải dừng nay có thể sẽ xuất khẩu trở lại, trở thành đối thủ cạnh tranh với các doanh nghiệp các nước trong đó có Việt Nam.
Cùng chung lo ngại, bà Phạm Thị D., Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng hoa quả ở Lạng Sơn, cho biết, về lý thuyết, khi Trung Quốc phá giá đồng NDT, giá hàng hóa nhập vào nước họ sẽ trở nên đắt đỏ. Việc này cũng giống như khi đồng tiền chung châu Âu mất giá, hàng loạt mặt hàng của Việt Nam xuất sang đó đều gặp khó khăn, hàng ùn ứ vì doanh nghiệp bỏ ngang. Vì vậy, hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc có thể giảm mạnh cả về lượng và giá trong thời gian tới.
Với mặt hàng chè, theo ông Chu Xuân Ái, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển công nghệ và thương mại Tôn Vinh, thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn, tới 30% lượng chè xuất khẩu của công ty. Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu chè sang thị trường này tương đối ổn định.
“Nhưng giờ Trung Quốc phá giá đồng NDT thì doanh nghiệp sẽ rất thua thiệt”, ông Ái lo lắng và mong Nhà nước có chính sách điều hành phù hợp.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc Trung Quốc phá giá đồng NDT gần 2% là tình hình đặc biệt, có tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam, nhất là khi Việt Nam đang trong tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc.
Việt Nam cần phải nỗ lực để kiểm soát tình hình bằng việc thay đổi chính sách đầu tư, nâng cao chất lượng, hàng hóa sản xuất trong nước để thu hẹp khoảng cách xuất nhập khẩu giữa Việt nam với Trung Quốc. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng cần xem xét điều chỉnh tỷ giá một cách phù hợp theo cơ chế thị trường. Mới đây, động thái nới biên độ tỷ giá là một bước đi cần thiết.
Tuy nhiên, việc nới 1-2% chỉ là một mặt, còn lại cần xác định nới lúc nào, bao nhiêu phần trăm để kích thích nền kinh tế phát triển trong mối tương quan giữa các quốc gia - mà đồng đô la Mỹ vẫn là yếu tố chủ chốt trong thanh toán.