MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu sang Liên minh Kinh tế Á-Âu còn khiêm tốn?

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, nếu những "nút thắt" về rào cản kỹ thuật không được tháo gỡ thì xuất khẩu sang Liên minh Kinh tế Á-Âu sẽ chỉ dừng ở con số khiêm tốn.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) có ý nghĩa thế nào với doanh nghiệp thủy sản, thưa ông?

Về phía Hiệp hội, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp cũng như tích cực tham vấn cho đoàn đàm phán.

Cụ thể, ngay khi hiệp định này được ký vào tháng 5-2015, VASEP đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong việc tuyên truyền nội dung của Hiệp định, trong đó có việc cắt giảm thuế quan mặt hàng về 0%, nội dung về C/O, quy tắc xuất xứ…

Tuy nhiên, việc xuất khẩu sang thị trường Nga cũng như các nước EAEU còn tồn tại những bất cập trong đó bất cập lớn nhất là quy định của phía Nga liên quan đến các hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) và các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS). Hiện các quy định này vẫn đang được áp dụng một cách rất chặt chẽ, không giống với các quy định thông thường mà các quốc gia khác trên thế giới đang làm.

Tôi mong muốn, Chính phủ hai quốc gia sẽ có những đàm phán cụ thể hơn, những bất cập này sẽ được thỏa thuận một cách hợp lý để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều có hội xuất khẩu được vào thị trường này. Nếu với những quy định như hiện nay, các doanh nghiệp trong nước tuy vẫn có thể đáp ứng yêu cầu và có thể đặt chân vào EAEU, nhưng kết quả sẽ rất khiêm tốn.

Ông đánh giá thế nào về vai trò của các hiệp hội, thương vụ, tham tán nước ngoài trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu?

Tôi cho rằng, lực lượng tham tán, thương vụ đã hoạt động tích cực, công tác tham tán thương mại thời gian qua có nhiều chuyển biến tốt. Ví dụ như việc trao đổi hai chiều về thông tin hàng hóa với doanh nghiệp, hoặc hỗ trợ khi các doanh nghiệp có sự vụ liên quan đến từng thị trường cụ thể.

Các thương vụ đã nhận thức được tầm quan trọng của sự vụ và đã có những biện pháp hỗ trợ rất kịp thời. Tôi cũng mong muốn các tham tán thông tin nhiều hơn nữa đến những thị trường tiềm năng, hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác các thị trường đó một cách hiệu quả hơn.

Một số đơn vị có phản ánh rằng, khó tiếp cận thông tin từ các Bộ, ngành cũng như thông tin tiếp cận thị trường, xử lý sự cố khi xảy ra các trường hợp bất khả kháng tại thị trường quốc tế… Ý kiến của ông về vấn đề này?

Trước đây, thi thoảng có những sự vụ xảy ra, nhưng gần đây, càng ngày đã càng ít đi, nhờ sự nỗ lực của nhà quản lý trong việc tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp.

Ngoài Hiệp định với EAEU, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU cũng đang được đàm phán tích cực, nếu tiến triển tốt, FTA này dự định sẽ được ký kết vào mùa Thu năm nay. Vậy theo ông, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ có những ảnh hưởng như thế nào khi hiệp định được ký kết?

Hiệp định vẫn trong quá trình đàm phán, do đó các quy định, nguyên tắc thương mại vẫn chưa được công bố. Chúng tôi đang mong chờ các kết quả, nội dung hiệp định từ phía cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn cần phải khẳng định rằng, châu Âu vẫn là một trong ba thị trường quan trọng nhất của ngành thủy sản.

Không chỉ Hiệp định với EU mà đối với tất cả các Hiệp định thương mại khác như với EAEU, Hàn Quốc…, dù tiến triển theo hướng tích cực hay tiêu cực đều sẽ có những ảnh hưởng lớn đến phát triển, sản xuất của các doanh nghiệp thủy sản và những doanh nghiệp khác.

Trong vấn đề thương mại xuất nhập khẩu, người ta không chỉ quan tâm các vấn đề về thuế, mà còn quan tâm hơn các vấn đề về xuất xứ, sở hữu trí tuệ… Tính đến thời điểm này, các doanh nghiệp cũng chưa biết rõ nội dung ký kết của các Hiệp định. VASEP cũng như cộng đồng doanh nghiệp đang mong chờ những công bố sớm nhất về các nội dung đàm phán để có thể có sự chuẩn bị tốt nhất cho hội nhập.

Xin cảm ơn ông!

Với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu, hai bên dự kiến sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm vào khoảng 90% số dòng thuế, tương đương vào khoảng trên 90% kim ngạch thương mại song phương. Theo đánh giá bước đầu của Liên minh, sau khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên sẽ đạt 10 – 12 tỷ USD vào năm 2020 (năm 2014 đạt khoảng 4 tỷ USD). Theo ước tính của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh sẽ tăng khoảng 18 – 20% hàng năm.

Theo Phan Thu (ghi)

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên