Vì sao các ngân hàng phải vay mượn nhau với lãi suất qua đêm lên đến 5%/năm
Lãi suất mà các ngân hàng đang vay mượn tiền lẫn nhau qua đêm lên đến 5%/năm, gấp 5 lần so với cách đây hơn 1 tháng chứng tỏ thanh khoản hệ thống đang có dấu hiệu căng thẳng.
- 16-12-2016Tăng lãi suất dài hạn, các ngân hàng cân đối vốn cho năm 2017
- 15-12-2016Fed tăng lãi suất, tỷ giá sẽ không biến động mạnh
- 28-11-2016Xăng dầu liên tục tăng giá, CPI tháng 11 bật tăng!
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ở xu hướng tăng vọt trong những ngày qua.
Cụ thể, lãi suất qua đêm và 1 tuần (2 kỳ hạn chiếm hơn nửa tổng doanh số giao dịch hàng ngày) ngày 12/12 đã lên đến 4,73%/năm và 4,91%. Các mức lãi suất này đã tăng gấp đôi so với thời điểm ngày 7 và 8/12. So với thời điểm cách đây hơn 1 tháng thì lãi suất liên ngân hàng ở kỳ hạn qua đêm và 1 tuần đã tăng gấp…gần 5 lần (khi ấy lãi chưa đến 1%/năm). Và đây cũng là mức lãi suất cao nhất được ghi nhận kể từ cuối tháng 4/2016.
Vì sao lại có hiện tượng này? Câu trả lời không gì khác là áp lực thanh khoản.
Lãi suất trên liên ngân hàng tăng mạnh trong mấy ngày qua (nguồn: data Vương Trần tổng hợp)
Chuyên gia, TS. Bùi Quang Tín nhận định rằng thanh khoản có dấu hiệu căng thẳng hơn các tháng trước không chỉ ở thị trường 1 (giữa ngân hàng với dân cư và tổ chức kinh tế) mà trên cả thị trường liên ngân hàng (giữa các ngân hàng với nhau), bởi một mặt các ngân hàng phải đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng để đạt các chỉ tiêu kinh doanh năm 2016, mặt khác các doanh nghiệp, cá nhân cũng tăng cường vay để trữ hàng và kinh doanh trong tháng Tết.
Dữ liệu của NHNN cung cấp cho thấy, đến 22/11, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống mới đạt 14,03% (tín dụng VNĐ tăng 15,28%, tín dụng ngoại tệ tăng 2,8%) trong khi kế hoạch cả năm là 18 - 20%.
Nguyên nhân thứ hai, theo phân tích của TS. Tín, thanh khoản thị trường 1 căng thẳng trong khi điều kiện thanh khoản trên thị trường 2 không còn được hỗ trợ như trước bởi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đang còn vướng mắc các chỉ tiêu điều hành chính sách tiền tệ và lạm phát.
Mục tiêu lạm phát năm 2016 là không được vượt quá 5% trong khi 11 tháng đã lên đến 4,5% nên NHNN không còn dư địa nhiều để tạo thanh khoản dồi dào trên thị trường 2 như trước nữa bởi lo ngại lạm phát sẽ tăng mạnh trong tháng cuối năm.
Hơn nữa, lúc này nếu NHNN tăng cung tiền đồng nghĩa với việc sẽ gây áp lực lên tỷ giá USD/VNĐ trong điều kiện Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa tăng lãi suất.
Tuy đẩy mạnh thanh khoản và cung tiền sẽ giúp lãi suất hạ nhiệt nhưng lại vướng lạm phát và tỷ giá USD/VNĐ nên cùng một lúc, NHNN không thể nào hoàn hảo được cả 3 “mục tiêu lý tưởng” nói trên.
Nguyên nhân thứ 3, thanh khoản thị trường 1 căng thẳng trong những ngày qua, theo TS. Bùi Quang Tín, còn một phần do nhiều người chuyển từ tiền Đồng sang mua USD và vàng để đầu cơ. Dấu hiệu rõ về đầu cơ vàng thể hiện giá vàng miếng trong nước đang cao hơn vàng thế giới trên dưới 5 triệu đồng/lượng, và giá USD trên thị trường tự do thì cao hơn nhiều so với giá USD niêm yết ở ngân hàng (hiện USD ngân hàng quanh 22.790 đồng trong khi ngoài tự do USD lên hơn 23.300 đồng, mức chênh nhau vài trăm đồng cũng đã xuất hiện khoảng gần 1 tháng trở lại đây).
Khi thị trường 1 chịu áp lực căng thẳng mà thị trường 2 không thể hỗ trợ được thì lãi suất bị đẩy lên, TS. Tín cho rằng việc các ngân hàng phải vay mượn nhau với chi phí đắt đỏ là điều tất yếu.