Vì sao cái chết của một người đàn ông có thể khiến nước Mỹ chìm trong khói lửa và bạo lực? Câu trả lời nằm ở nhiều thế kỷ đau thương
Cái chết của George Floyd không phải nguyên nhân mà chỉ là giọt nước tràn ly khiến cho các cuộc biểu tình bạo lực bùng lên khắp nước Mỹ.
- 01-06-2020Kinh tế Mỹ "họa vô đơn chí": Chưa thể vực dậy sau khủng hoảng Covid-19, giờ đây lại chìm sâu trong bạo lực và biểu tình
- 01-06-2020New York Times: Người biểu tình đe dọa Nhà Trắng, Mật vụ đưa ông Trump xuống hầm trú ẩn
- 01-06-2020Xe tải chở dầu lao vào đám đông biểu tình, nỗi ám ảnh bạo lực bao trùm nước Mỹ
- 31-05-2020Mỹ đỏ lửa vì biểu tình, Trung Quốc đưa tin dồn dập kèm lời "đá xoáy": Khung cảnh đẹp!
- 19-04-2020Bất mãn vì ở nhà chống COVID-19, dân Mỹ biểu tình đòi ngừng giãn cách xã hội
Cái chết của người đàn ông "vô danh" làm chao đảo nước Mỹ
George Floyd, người đàn ông 46 tuổi không vũ trang, bị cảnh sát giết chết trong một vụ bắt giữ ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota. Hình ảnh viên cảnh sát da trắng đè chân lên cổ người đàn ông da màu mặc cho ông này van xin đã thực sự khiến cả nước Mỹ chấn động.
Nó không chỉ là sự bất công của một người đàn ông da màu mà còn tái hiện những tranh cãi kéo dài nhiều thế kỷ liên quan đến vấn đề phân biệt chủng tộc ở Mỹ cũng như cách thức khủng khiếp mà cảnh sát dùng để đối xử với những người da màu. Tệ hại hơn, nó xuất hiện giữa một đại dịch mà người da màu là những nạn nhân chịu tác động nặng nề nhất.
Người đàn ông bất hạnh George Floyd hội tụ đầy đủ những yếu tố tệ hại nhất mà một người da màu ở Mỹ có thể nghĩ tới. Floyd mới bị mất việc khi nhà hàng ông làm nhân viên phục vụ bị đóng cửa do dịch bệnh. Hôm 25/5, Floyd qua đời vì bị cảnh sát chèn đầu gối lên cổ trong nhiều phút. Ngay cả khi Floyd cầu xin, viên sĩ quan cảnh sát da trắng Derek Chauvin phớt lờ cho tới khi người đàn ông này bất động vài phút.
Hình ảnh vụ bắt giữ được một người ngoài cuộc ghi lại và đăng tải lên mạng xã hội. Chauvin và 3 sĩ quan cảnh sát khác liên quan tới vụ bắt giữ đã bị sa thải. Cuối tuần trước, Chauvin bị bắt với cáo buộc giết người cấp độ 3 và ngộ sát. Tuy nhiên, vụ việc đã thổi bùng sự phẫn nộ trên khắp nước Mỹ. Minneapolis, nơi xảy ra vụ việc, trở thành tâm điểm của các cuộc biểu tình.
Trong khi nhiều hoạt động phản đối diễn ra trong hòa bình, một số đã trở nên bạo lực với các cuộc đụng độ giữa những kẻ quá khích với cảnh sát. Thậm chí, các tòa nhà của cảnh sát bị đốt cháy. Tình trạng đập phá, cướp bóc và hôi của diễn ra ở nhiều nơi.
Nhiều người cho rằng những hành động bạo lực và cướp bóc là điều không thể chấp nhận. Tuy nhiên, nhìn trên một phương diện nào đó, những người gây ra các hoạt động tội phạm có thể cũng chỉ là nạn nhân của một vấn đề khác. Năm 2020 đã gây ra những đau đớn tột cùng cho người da màu. Cuộc khủng hoảng Covid-19 có một ảnh hưởng bất tương xứng đến người Mỹ gốc Phi hoặc gốc Latin.
Thống kê cho thấy, tỷ lệ người Mỹ gốc Phi và gốc Latin tử vong do mắc Covid-19 cao hơn so với người da trắng. Những bất ổn kinh tế bắt nguồn từ các biện pháp giãn cách xã hội khiến người da màu rơi vào tình cảnh đặc biệt khó khăn. Họ mất việc nhiều hơn và chẳng có cơ hội để chuẩn bị cho đại dịch vì cảnh chạy ăn từng bữa.
Cái chết đầy đau khổ của Floyd là một giọt nước tràn ly. Trước đó, Breonna Taylor, Ahmaud Arbery, hai người da màu khác chết trong những lần bắt giữ của cảnh sát, cũng khiến nước Mỹ dậy sóng. Gần đây nhất, một phụ nữ da trắng đã gọi điện cho cảnh sát, nói rằng mình bị đe dọa tính mạng khi một người da đen nhắc nhở cô một cách hết sức lịch sự về việc xích chó khi dắt nó đi dạo trong công viên.
Những gì đang xảy ra như một lời nhắc nhở rằng sự phân biệt chủng tộc có hệ thống tạo ra những tình huống nguy hiểm tiềm tàng với những người Mỹ da màu ngay cả khi họ làm những điều bình thường nhất. Các cuộc biểu tình bạo lực là cách bày tỏ sự phẫn nộ, không chỉ về cái chết của Floyd mà còn là về sự phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng mà người da màu phải chịu, nhất là trong tay lực lượng cảnh sát.
Lực lượng vệ binh quốc gia đã được huy động ở Minnesota. Thậm chí, máy bay không người lái, vốn được Mỹ dùng nhiều trong các nhiệm vụ không kích tiêu diệt khủng bố hoặc phe đối lập ở Iraq, Afghanistan… cũng đã xuất hiện trên bầu trời. Nhà chức trách nói rằng máy bay không vũ trang nhưng việc sử dụng phương tiện chiến tranh đáng sợ này tiếp tục làm gia tăng căng thẳng.
Nỗi đau kéo dài nhiều thế kỷ
Bên cạnh những vấn đề mà các cuộc biểu tình gây ra, người Mỹ có một bài toán khó hơn cần giải chính là sự bất bình đẳng, hay nói rõ hơn là cách người da màu bị đối xử ở Mỹ. Rõ ràng, biểu tình lần này liên quan trực tiếp tới cái chết của George Floyd. Tuy nhiên, cái những người biểu tình muốn đẩy lùi không phải lực lượng cảnh sát mà chính là sự bất bình đẳng mà họ đang phải hứng chịu.
Chính quyền Mỹ, cụ thể hơn là lực lượng cảnh sát, có quyền sử dụng vũ lực một cách hợp pháp. Họ thường dùng những cái đó nhằm vào những người da đen trẻ tuổi như George Floyd, Breonna Taylor, Eric Garner, Michael Brown, Tamir Rice – những người mất mạng khi chẳng đe dọa ai. Khi họ chết, những viên cảnh sát gây ra vụ việc thường không bị trừng trị bởi nghịch lý là họ được pháp luật bảo vệ. Nếu những kẻ giết George Floyd phải ngồi tù, nó sẽ là ngoại lệ của quy tắc lâu đời đó.
Người da màu thường xuyên bị ngược đãi bởi những người thực thi pháp luật. Tỷ lệ đàn ông da màu bị cảnh sát giết là 1/1.000. Khi họ bị sát hại, vụ việc thường chìm xuống. Ngay cả việc đi tù, người da màu thường có xu hướng bị kết án lâu hơn. Đối với những người Mỹ gốc Phi, đây không phải số liệu thống kê mà là thực tế họ phải đối mặt hàng ngày.
Bất bình đẳng hiển hiện trong nhiều khía cạnh của cuộc sống. Cuộc khủng hoảng do virus corona gây ra một lần nữa chứng minh cho điều đó. Người da màu mắc bệnh chết nhiều hơn, dịch bệnh để lại hậu quả nặng nền ở những nơi tập trung nhiều người da màu…. Đó cũng là thực tại ở Minnesota, nơi Floyd sống và bị sát hại.
Họ làm những công việc được trả lương thấp lại còn không có bảo hiểm y tế dù rủi ro cao. Họ cũng dễ bị sa thải khi dịch bệnh gây ảnh hưởng. Floyd là ví dụ. Những thế kỷ phân biệt chủng tộc ở Mỹ đang gây ra những thiệt hại to lớn cho nền kinh tế số 1 thế giới. Tuy nhiên, thiệt hại đó lại do người da màu gánh phần nhiều.