MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao sở thích mặc áo một màu như Steve Jobs của giới trẻ Indonesia đang khiến Chính phủ nước này đau đầu?

10-10-2017 - 10:40 AM | Tài chính quốc tế

Chính phủ Indonesia đã có nhiều động thái nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế như tạo thêm 4 triệu việc làm, tăng lương và cắt giảm lãi suất 8 lần liên tiếp. Tuy nhiên, điều trớ trêu là người tiêu dùng tại quốc gia đông dân thứ 4 thế giới này lại không chịu rút ví.

Thay vào đó, người dân Indonesia tiếp tục chi tiêu tiết kiệm và giữ tiền của mình trong ngân hàng, khiến các nhà hoạch định chính sách phải đau đầu.

Bộ trưởng tài chính Indonesia, ông Sri Mulyani Indrawati cho biết những yếu tố cần thiết cho một đợt gia tăng chi tiêu đã được chính phủ thực hiện nhưng người tiêu dùng vẫn tiết kiệm.

Những tín hiệu này là một dấu hiệu không khả quan cho ngân hàng trung ương Indonesia khi họ tích cực nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm ngoái nhưng tăng trưởng tiêu dùng vẫn không vượt 5%. Trong khi đó, cơ hội cho Indonesia hạ lãi suất không còn nhiều do Mỹ nhiều khả năng sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ, qua đó đẩy giá đồng USD lên và làm suy yếu đồng Rupiah.

Các số liệu chính thức cho thấy thị trường tiêu dùng chiếm tới 50% GDP của Indonesia và việc người dân sống tiết kiệm đang kìm hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này.


Tốc độ tăng trưởng tiêu dùng và GDP của Indonesia

Tốc độ tăng trưởng tiêu dùng và GDP của Indonesia

Báo cáo của Goldman Sachs cho thấy Indonesia có thể sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm nay, chủ yếu nhờ chi tiêu công trong khi tăng trưởng đầu tư tư nhân và bán lẻ lại đi ngang. Đây là một con số không mấy tích cực cho Tổng thống Indonesia Joko Widodo khi ông đã từng cam kết mức tăng trưởng 7% cách đây 3 năm.

Chuyên gia kinh tế David Sumual của PT Bank Central Asia nhận định vấn đề của Indonesia không nằm ở sức mua mà là do niềm tin của người tiêu dùng không đủ. Những tầng lớp trung và thượng lưu không muốn bỏ tiền cho những mặt hàng như xe hơi hay xe máy và chính điều này lại tác động ngược trở lại mảng sản xuất và kinh doanh của Indonesia.

Trong khi số việc làm ở Indonesia tăng 3,9 triệu/năm tính đến tháng 2/2017 và mức lương bình quân hàng tháng tăng 24% cùng kỳ thì tăng trưởng doanh số bán lẻ của nước này vẫn chỉ là 1 con số tương tự nhiều năm trước.

Tồi tệ hơn, số liệu của ngân hàng trung ương cho thấy doanh số bán thiết bị gia đình, thư thiết bị điện tử hay đồ gia dụng tại Indonesia đã giảm tháng thứ 5 liên tiếp tính đến tháng 8/2017, với mức giảm 8% so với cùng kỳ năm trước.

Hãng PT Matahari Putra Prima, một trong những chuối bán lẻ lớn nhất Indonesia đã báo cáo khoản lỗ 170 tỷ Rupiah (12,6 triệu USD) trong nửa đầu năm nay.


Tăng trưởng doanh số bán lẻ của Indonesia

Tăng trưởng doanh số bán lẻ của Indonesia

Do chính sách thuế?

Trước tình hình này, Bộ tài chính Indonessia đã thành lập hẳn một nhóm nghiên cứu tại sao người tiêu dùng không chịu chi tiêu khi lãi suất đã hạ và mức lương lẫn việc làm đều tăng. Theo một số báo cáo, nguyên nhân chính có thể là do chính sách thuế của nước này.

Từ tháng 6/2016, chính phủ Indonesia đã thực hiện một chương trình siết chặt quản lý thuế chưa từng có nhằm cải thiện mức xếp hạng tín nhiệm, đảm bảo an ninh tài chính cũng như thu hồi lượng lớn của cải thất thoát.

Cụ thể, những cá nhân trốn thuế hoặc quên kê khai tài sản phải nộp thuế với chính phủ có thể nộp một khoản tiền phạt nhất định để đưa số tài sản đó vào diện nộp thuế hợp pháp. Những trường hợp ngoan cố sẽ phải chịu hình phạt nặng hơn.

Từ khi chương trình này được thành lập và chính phủ rà soát lại gắt gao việc nộp thuế, khoảng 970.000 trường hợp đã ra kê khai nộp phạt với khoản tài sản lên đến 4.881 nghìn tỷ Rupiah (367 tỷ USD). Chính phủ cũng thu về được 11 tỷ USD tiền phạt.

Indonesia có tới 260 triệu dân nhưng chỉ có 12 triệu người làm đơn hoàn thuế. Phần lớn người dân nước này sống ở vùng nông thôn hoặc các đảo, khiến trách nhiệm đóng thuế đè nặng lên vai những người trung lưu ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, người dân nước này lại có tỷ lệ trốn thuế cao khi mức thuế/GDP của Indonesia chỉ đạt 12%, thấp hơn mức 25-50% của rất nhiều quốc gia phát triển khác.


Khoảng 4.881 nghìn tỷ Rupiah tài sản trốn thuế đã được nộp phạt sau chiến dịch của chính phủ.

Khoảng 4.881 nghìn tỷ Rupiah tài sản trốn thuế đã được nộp phạt sau chiến dịch của chính phủ.

Mặc dù vậy, việc siết chặt đóng thuế lại đang là một trong những nguyên nhân khiến người tiêu dùng nước này, đặc biệt là giới trung thượng lưu ngại chi tiêu bởi họ sẽ phải giải trình nguồn tiền. Đây được cho là một trong những yếu tố khiến chính phủ Indonesia dù đã tăng cường kích thích kinh tế nhưng thị trường tiêu dùng vẫn ảm đạm.

Bên cạnh đó, việc giá điện tăng cao kèm quy trình hoàn thuế tốn thời gian đang khiến người dân ngại chi tiêu hay đầu tư.

Giới trẻ Indonesia ngày nay không thực sự thích thay đổi phong cách thời trang hàng ngày. Họ thích được mặc cùng một kiểu màu áo, như màu đen của Steve Jobs chẳng hạn. Có thể nhiều bạn trẻ chỉ có 2 bộ quần áo trong tủ, tôi cũng chẳng biết nữa, nói tóm lại là họ không chịu chi tiêu”, Bộ trưởng tài chính Indrawati nói.

Theo AB

Thời Đại

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên