Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng PMI ngành sản xuất ASEAN
Dù chỉ số PMI Việt Nam tháng 7 giảm nhẹ 0,8 điểm, chỉ đạt 54,9 điểm nhưng vẫn cách biệt đáng kể so với nước về nhì là Philippines 4 điểm.
- 01-08-2018Nielsen "mách nước" doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ tối đa hoá tiềm năng tăng trưởng
- 30-07-2018Hà Tĩnh dẫn đầu cả nước về chỉ số sản xuất công nghiệp
- 28-07-2018Đại gia chi 400 triệu USD sản xuất lốp ô tô tại Tiền Giang
Theo dữ liệu chỉ số PMI của Nikkei công bố chiều 1/8, các điều kiện kinh doanh của ngành sản xuất trong ASEAN đã cải thiện với tốc độ chậm hơn vào nửa cuối năm 2018. Chỉ số PMI của ASEAN đã giảm từ 51 điểm trong tháng 6 xuống còn 50,4 điểm trong tháng 7. Mức cải thiện được đánh giá là yếu nhất kể từ tháng 3, theo Nikkei.
Việt Nam vẫn đứng đầu bảng xếp hạng PMI ngành sản xuất ASEAN khi tiếp tục có sự cải thiện mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa trong tháng 7 với 54,9 điểm. Philippines với 50,9 điểm, đã tiến lên vị trí thứ hai mặc dù tốc độ tăng trưởng chậm hơn đáng kể. Indonesia đứng ở vị trí thứ ba với 50,5 điểm sau khi có mức cải thiện điều kiện hoạt động nhanh hơn một chút. Singapore lùi về vị trí thứ tư với 50,2 điểm.
Theo Nikkei, tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong tháng 7 vẫn cao, dù đã giảm nhẹ 0,8 điểm so với tháng trước đó. Điểm nhấn của ngành là số lượng đơn đặt hàng sản xuất mới đã tăng nhanh trở lại gần bằng mức kỷ lục. Để đáp ứng công việc lớn hơn, các nhà sản xuất đã tiếp tục tăng đáng kể số lượng nhân viên và hoạt động mua hàng. Dù vậy, lượng việc làm tạo ra vẫn thấp hơn so với tháng 6, vốn được xem là mức độ kỷ lục.
Chi phí đầu vào trong tháng vẫn cao, nguyên nhân được cho là khan hiếm nguyên vật liệu. Việc chuyển gánh nặng chi phí tăng sang cho khách hàng đã làm giá cả đầu ra tiếp tục tăng, với tốc độ tăng chỉ thay đổi một chút so với tháng 6.
Thời gian giao hàng của nhà cung cấp đã không thay đổi trong tháng 7, từ đó kết thúc thời kỳ kéo dài thời gian giao hàng trong 17 tháng. Tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu đã dẫn đến trì hoãn giao hàng, nhưng tình trạng này lại được giảm nhẹ nhờ việc các nhà cung cấp mong muốn đáp ứng nhu cầu giao hàng nhanh.
Bên cạnh đó, khảo sát của Nikkei cho biết mức độ lạc quan trong kinh doanh đã tăng so với tháng trước khi có gần 51% số người trả lời khảo sát dự báo tăng sản lượng.
Ông Andrew Harker, Phó Giám đốc tại IHS Markit nhận xét chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam vẫn ở mức cao trong tháng 7 khi lĩnh vực này tiếp tục tăng trưởng mạnh.
"Hỗ trợ cho mức tăng trưởng tổng thể trong kỳ khảo sát mới nhất là số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng nhanh hơn. Trong khi đó, mức độ lạc quan về tương lai được phản ánh bởi mong muốn tăng hàng tồn kho của các công ty để sẵn sàng tiếp tục tăng sản lượng và tiếp tục tăng mạnh số lượng việc làm", ông nói.