Việt Nam đứng đầu khảo sát về tỷ lệ người sở hữu tiền mã hóa
Báo cáo Finder nhấn mạnh, tỷ lệ sở hữu tiền mã hóa trong số những người được khảo sát tại Việt Nam là 41%, trong đó số lượng người đã mua Bitcoin là 20%.
- 16-08-2021Kinh tế trưởng VinaCapital: ‘Thứ tự ưu tiên đầu tư giữa bất động sản, vàng và chứng khoán tại Việt Nam sẽ thay đổi đáng kể!’
- 15-08-2021Thủ tướng: 'Phải tách bằng được F0 ra khỏi cộng đồng bằng biện pháp xét nghiệm'
- 08-07-2021Thanh toán bằng bitcoin có hợp pháp tại Việt Nam?
Vừa qua, website so sánh sản phẩm tài chính Finder.com đã công bố báo cáo khảo sát về các nước có tỷ lệ sử dụng và sở hữu tiền mã hoá lớn nhất. Theo đó, Việt Nam hiện là nước đứng đầu về tỷ lệ sở hữu tiền mã hoá lớn nhất. Báo cáo khảo sát 42.000 người trên 27 quốc gia.
Ngoài Việt Nam, những nền kinh tế mới nổi khác như Ấn Độ và Indonesia cũng đang dẫn đầu xu hướng sử dụng tiền mã hóa. Finder cho hay, tỷ lệ sở hữu tiền mã hóa trong số những người được khảo sát tại Việt Nam là 41%, trong đó số lượng người đã mua Bitcoin là 20%.
Ngoại trừ Ấn Độ, 4 cái tên dẫn đầu cuộc khảo sát là các quốc gia khu vực Đông Nam Á bao gồm Indonesia (30%), Ấn Độ (30%), Malaysia (29%), Philippines (28%). Những quốc gia còn lại phần lớn nằm ở châu Mỹ, châu Âu và Đông Á. Hai quốc gia có tỷ lệ sử dụng tiền mã hóa thấp nhất bảng khảo sát là Anh và Mỹ, với tỷ lệ lần lượt 8% và 9%.
Bảng khảo sát các quốc gia có tỷ lệ người dùng tiền mã hóa của Finder.
Báo cáo Finder nhấn mạnh, xu hướng gia tăng tỷ lệ người dùng ở các quốc gia khu vực Mỹ Latinh như Brazil (22%). Đây cũng là nước có 2 sàn giao dịch tiền mã hóa kỳ lân (định giá 1 tỷ USD trở lên). Cointelegraph chỉ ra các lý do khiến loại tài sản số phát triển nhanh chóng ở châu lục là lạm phát gia tăng, cũng như kiểm soát vốn bị siết chặt và triển vọng tài khóa tiêu cực.
Finder lưu ý, các cuộc khảo sát không mang tính đại diện cho toàn quốc. do cơ sở hạ tầng của Google ở mỗi lãnh thổ khác nhau. Trung bình báo cáo khảo sát từ 1.160-2.511 người mỗi quốc gia.
Trước đó, dữ liệu hồi tháng 6 của Cointelegraph cho thấy, Việt Nam đứng thứ 13 trên thế giới về tỷ lệ đầu tư Bitcoin trong năm 2020. Đáng chú ý, nền kinh tế của Việt Nam hiện xếp thứ 53 nếu xét trên tổng sản phẩm quốc nội.
Báo cáo nhận định về thị trường tiền mã hoá tại Việt Nam: "Phương thức chuyển tiền có vai trò quan trọng, tác động đến thực trạng sử dụng tiền mã hóa của Việt Nam hiện nay".
Theo các quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ và ngân hàng, bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Do vậy, việc sử dụng bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng.
Việc sở hữu, mua bán, sử dụng bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.
Như vậy, bitcoin không phải tiền cũng không phải phương tiện thanh toán hợp pháp được công nhận tại Việt Nam. Tuy nhiên, bitcoin không bị cấm mua bán.