Kinh tế trưởng VinaCapital: ‘Thứ tự ưu tiên đầu tư giữa bất động sản, vàng và chứng khoán tại Việt Nam sẽ thay đổi đáng kể!’
Sau cuộc họp mới nhất giữa Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, mối đe dọa về thuế quan đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã kết thúc. Điều gì sẽ xảy ra kế tiếp với các nhà đầu tư?
- 11-08-2021Chuyên gia Nhật Bản nói gì về làn sóng thâu tóm ồ ạt các doanh nghiệp Việt của người Nhật trong 1 thập kỷ qua? Xu hướng tiếp theo sẽ là gì?
- 07-08-2021CEO Dome Hospitality lý giải hiện tượng khách sạn trăm tỷ rao bán ‘nhan nhản’, nhiều nhà đầu tư muốn mua nhưng đều đi vào ‘ngõ cụt’
- 28-07-2021Chuyên gia quốc tế chỉ ra điểm đặc biệt trong chiến lược vaccine Việt Nam và cơ hội phục hồi ngay trong đại dịch
Trao đổi với Trí thức trẻ, ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Tập đoàn VinaCapital đã chia sẻ quan điểm của mình về tác động của vấn đề này đối với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, cũng như triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Vừa qua, ông nhận định rằng, quyết định của Chính phủ Hoa Kỳ về việc chấm dứt đe dọa thuế quan với Việt Nam đã loại bỏ một rủi ro lớn cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ông có thể giải thích rõ rủi ro ở đây là gì, và vì sao lại như vậy?
Hiện tại, Việt Nam đang đi theo mô hình kinh tế "Phát triển Đông Á - East Asian Development (EAD)", tức là tập trung vào sản xuất và xuất khẩu hàng hóa sang các nước khác trên thế giới. Các quốc gia được mệnh danh là "hổ châu Á" như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và những nước khác đã áp dụng mô hình này thành công trong việc phát triển kinh tế.
Song điều đáng nói là Việt Nam đang sử dụng phiên bản "tăng tốc" của mô hình này, thông qua việc thúc đẩy phát triển nền tảng công nghiệp bằng dòng vốn FDI lên đến 7%/GDP trong những năm gần đây. Trong khi đó, FDI ở hầu hết các nền kinh tế "hổ châu Á" chỉ dưới mức 2%/GDP.
Điều cực kỳ quan trọng tôi muốn nhấn mạnh là Việt Nam có khả năng dễ dàng xuất khẩu các sản phẩm sang các nước trên thế giới, với hai lý do.
Đầu tiên, mô hình Phát triển Đông Á vốn tập trung vào sản xuất xuất khẩu, là mô hình thực chứng duy nhất có thể giúp một quốc gia nhanh chóng thịnh vượng.
Thứ hai, dòng vốn FDI là động lực tăng trưởng kinh tế cực kỳ quan trọng đối với Việt Nam. Song, đa số các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam muốn sản xuất hàng hóa cho việc xuất khẩu, với 3/4 tổng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là sản phẩm của các công ty FDI.
Ngoài ra, Việt Nam cũng là nền kinh tế có độ "mở" lớn nhất trong lịch sử hiện đại. Cụ thể, tổng giá trị nhập khẩu và xuất khẩu có giá trị hơn 200% GDP, con số chưa từng được ghi nhận ngoài Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore.
Do đó, tôi cho rằng sẽ là một thảm họa nếu Việt Nam không thể dễ dàng xuất khẩu hàng hóa, và đặc biệt nghiêm trọng nếu Việt Nam không thể dễ dàng bán các sản phẩm phục vụ cho người tiêu dùng tại Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Như vậy, việc Mỹ có thể áp đặt các biện pháp thuế quan đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam như đã làm với hàng hóa Trung Quốc là mối lo ngại lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư trong suốt thời gian qua.
Mối lo ngại này hoàn toàn có cơ sở, khi thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã tăng 34% trong năm 2020, lên 63 tỷ USD, và sau đó tăng thêm 55% trong nửa đầu năm 2021. Thặng dư thương mại của Việt Nam có quy mô tương đương 20% GDP, gấp 10 lần so với mức 2% GDP thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ.
Tin vui là rủi ro về mặt thuế xuất khẩu qua Mỹ đã chấm dứt vào tháng trước khi Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố đã đạt được thỏa thuận với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về vấn đề tiền tệ. Về cơ bản Hoa Kỳ sẽ không tăng thuế đối với hàng hóa của Việt Nam đồng thời NHNN Việt Nam sẽ cho phép đồng Việt Nam tăng giá phù hợp với các điều kiện kinh tế. Đây cũng là một lý do để chúng tôi đưa ra dự báo về việc giá trị của đồng Việt Nam sẽ tăng trong tương lai.
Ông có thể giải thích rõ hơn về dự báo giá trị đồng Việt Nam sẽ tăng trong tương lai? Liệu đây có tương tự như giai đoạn phát triển kinh tế của Trung Quốc năm 2005?
Kể từ năm 2006, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc bắt đầu tăng giá liên tục và đã tăng 25% sau 7 năm. Đúng là các điều kiện kinh tế của Trung Quốc trong giai đoạn 10 năm trước 2006 có nhiều điểm tương đồng với kinh tế Việt Nam hiện nay.
Điều này khiến chúng tôi tin rằng khi đại dịch Covid-19 hoàn toàn được kiểm soát, đồng Việt Nam có khả năng sẽ tăng giá khoảng 2-3%/năm. Nói rõ hơn, chúng tôi dự đoán tỷ giá USD-VND sẽ tăng mỗi năm 2-3% bắt đầu từ năm 2022.
Trong suốt 10 năm tính đến 2006, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã tích lũy dự trữ ngoại hối trị giá tương đương 35% GDP và quốc gia này đã duy trì thặng dư tài khoản vãng lai (C/A) trong 10 năm liên tiếp.
Hiện tại, NHNN Việt Nam dự trữ ngoại hối khoảng 30% GDP, con số này có thể là 35% GDP trước khi phương pháp tính GDP được sửa đổi. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã duy trì thặng dư C/A trong 10 năm liên tiếp, và quy mô thặng dư C/A trong 10 năm qua của Việt Nam cũng tương đương với mức thặng dư của Trung Quốc (tính theo % GDP) trong giai đoạn trước khi đồng nhân dân tệ bắt đầu tăng giá mạnh.
Liên quan đến TTCK, theo ông, các yếu tố vĩ mô sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thị trường này trong thời gian ngắn tới, đặc biệt với làn sóng Covid-19 lần thứ 4 căng thẳng sẽ gây tâm lý lo ngại về cung ứng hàng hóa bị đứt gãy?
Trong năm 2021, bất chấp các quan ngại về một số yếu tố vĩ mô cũng như khả năng bùng phát Covid-19 trở lại, thị trường chứng khoán của nhiều quốc gia trên thế giới đã tăng trưởng liên tục. Lý do chủ yếu là mức tăng trưởng lợi nhuận hấp dẫn và lãi suất tiền gửi giảm mạnh ở hầu hết các nền kinh tế.
Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang kỳ vọng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) sẽ tăng khoảng 36% trong năm nay. Tôi cũng nhận thấy rằng những kỳ vọng đó không hề suy giảm ngay cả trong đợt bùng phát đại dịch thứ 4 này. Dự báo, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tăng ít nhất 30% trong năm 2021, nếu tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết đạt mức kỳ vọng.
Lãi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam kỳ hạn 5 năm đã lần đầu tiên giảm xuống dưới 1% vào tuần trước và hiện gần bằng với lãi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm của Chính phủ Mỹ. Điều này cho thấy lãi suất ở Việt Nam đã giảm mạnh trong năm qua. Đặc biệt, lãi suất giảm là một trong những yếu tố thúc đẩy chỉ số VN-Index (VNI), vì vậy triển vọng tăng trưởng của VNI trong tương lai gần vẫn tương đối tích cực, dù tình hình đại dịch Covid-19 hiện đang phức tạp.
Một điểm đáng chú ý trong TTCK năm nay chính là làn sóng đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân, chiếm 85% thị trường. Ông nhận xét gì về điều này và bao giờ là thời điểm thị trường bão hoà?
Trong suốt hơn 1 năm qua, thị trường chứng khoán trên thế giới đã chứng kiến sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư cá nhân. Lý do một phần là chứng khoán đã trở thành lựa chọn đầu tư hấp dẫn hơn nhiều so với kênh tiền gửi tiết kiệm, khi lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm đáng kể theo yêu cầu của Chính phủ nhằm giảm thiểu tác động xấu của Covid-19 lên nền kinh tế. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Ngoài ra, các đợt giãn cách với xã hội khiến mọi người phải ở nhà nhiều hơn và rất nhiều người đã tận dụng khoảng thời gian này để tìm hiểu về thị trường chứng khoán và giao dịch cổ phiếu.
Tại Việt Nam, số tài khoản chứng khoán cá nhân mới đã tăng gấp đôi trong năm ngoái, và tổng số các nhà đầu tư cá nhân đã tăng hơn 26% cho tới nay. Tại Mỹ, số lượng giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân đã tăng từ 15% lên gần 25% tổng giao dịch trên thị trường chứng khoán trong năm ngoái và ước tính, số lượng tài khoản cá nhân mới trong nửa đầu năm 2021 đã nhiều hơn tổng số tài khoản được mở trong cả năm 2020.
Như vậy, tôi tin rằng số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục tăng. Thực tế, hầu hết những người thuộc tầng lớp trung lưu trên thế giới đều có xu hướng đầu tư các khoản tiền ngoài tiền gửi ngân hàng vào thị trường chứng khoán, bất động sản và/hoặc vàng – theo thứ tự ưu tiên.
Tại Việt Nam, người dân vẫn thích đầu tư vào bất động sản và vàng hơn vào thị trường chứng khoán. Mặc dù vậy, tôi nghĩ trong vài năm tới, "khẩu vị" của các nhà đầu tư trong nước sẽ thay đổi đáng kể, khi ngành quản lý quỹ tại Việt Nam ngày càng phát triển.
Bước chuyển tiếp của các nhà đầu tư Việt Nam sang một danh mục đầu tư bao gồm việc phân bổ vào nhiều loại tài sản thông thường hơn, cho thấy số lượng các nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục tăng trong nhiều năm nữa.
Hiện tại, khoảng 3% dân số Việt Nam có tài khoản giao dịch chứng khoán, tương đương con số của thị trường Đài Loan (Trung Quốc) vào khoảng năm 1988. Tỷ lệ dân số Đài Loan (Trung Quốc) có tài khoản chứng khoán đã tăng khoảng 3 lần trong giai đoạn 1988 - 1998 và Việt Nam dự tính có thể đạt mức tăng trưởng tương tự trong thập kỷ tới.
Với tỷ lệ 3% hiện tại, điểm bão hòa vẫn còn cách xa hàng thập kỷ nữa.
Vậy còn tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, trước đó ông đã dự báo con số này có khả năng tăng lên gần 6,5‐7% năm 2021. Điều này vẫn đúng sau làn sóng dịch lần này?
Đúng là các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt do đợt bùng phát Covid-19 lần này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiêu dùng nội địa. Tôi có thể kể qua như tổng mức bán lẻ hàng hóa trong tháng 7/2021 đã giảm 8% so với tháng trước, trong khi trước đó, tháng 6/2021 giảm 5% và tháng 5/2021 giảm 4% so với tháng trước. Tỷ trọng tiêu dùng đóng góp đến 2/3 toàn nền kinh tế Việt Nam và việc sụt giảm này đang khiến mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay của Việt Nam gặp khó.
Nhưng nhóm ngành công nghiệp sản xuất – đang đóng góp 20% tổng GDP quốc gia, vẫn tiếp tục ghi nhận tăng trưởng đáng kinh ngạc về mặt sản lượng qua từng tháng kể từ đầu đợt bùng phát này. Kết quả này một phần nhờ nhu cầu đối với hàng hóa do Việt Nam sản xuất của người tiêu dùng nước ngoài vẫn tăng mạnh.
Sự tăng trưởng liên tục của lĩnh vực sản xuất cũng đã cho thấy cách tiếp cận hiệu quả của Chính phủ trong việc cân bằng giữa ưu tiên bảo vệ sức khỏe cộng đồng với giảm thiểu việc gián đoạn sản xuất, thông qua triển khai các phương án chống dịch cẩn trọng như "3 tại chỗ" và "1 cung đường 2 điểm đến".
Có thể nói, chúng tôi vẫn lạc quan về khả năng và tốc độ phục hồi của nền kinh tế Việt Nam khi đợt bùng phát Covid-19 này được kiểm soát.