MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Việt Nam là thiên đường của khởi nghiệp" và những phát ngôn để lại dấu ấn của ông Vương Đình Huệ

Từ khi đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Bộ Tài chính đến khi trở thành Phó Thủ tướng trực tiếp quản lý nhiều lĩnh vực quan trọng, ông Vương Đình Huệ để lại nhiều dấu ấn với những phát ngôn thể hiện sự nhất quán trong điều hành.

Cuộc trao đổi thẳng thắn giữa ông Huệ với doanh nghiệp xăng dầu cùng thông điệp "doanh nghiệp đừng có dọa Nhà nước" khi ông làm Bộ trưởng Bộ Tài chính là một câu chuyện còn để lại nhiều ấn tượng với nhiều người.

Hội thảo điều hành giá xăng dầu ngày 20/9/2011 khi ông Vương Đình Huệ đang đảm nhiệm vị trí là Bộ trưởng Bộ Tài chính. Ai cũng biết có nhiều bất cập trong điều hành giá xăng dầu, khi mà quyền lợi của các DN kinh doanh mặt hàng này luôn là vấn đề gây tranh cãi, với điệp khúc tăng nhanh giảm chậm.

Thế nhưng, với thông điệp nhà nước luôn cần và muốn đứng bên cạnh, nhưng doanh nghiệp cũng đừng lấy lý do đó mà dọa Nhà nước được ông Vương Đình Huệ thẳng thắn nói đã như một sự khẳng định: Chính sách điều hành xăng dầu là vì người dân, chứ không phải vì DN.

Trong một vấn đề khác cũng liên quan đến người dân, ông Vương Đình Huệ tiếp tục thể hiện rõ quan điểm nhất quán trong điều hành khi nói đến chuyện giá điện. Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính ở kỳ họp quốc hội diễn ra ngày 24/11/2011 về việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liên tục đòi tăng giá điện, ông đã đặt ra vấn đề minh bạch.

Theo ông, việc minh bạch là giải pháp căn cơ để đảm bảo vấn đề điều hành giá được thành công. Và không chỉ minh bạch trong điều hành giá, minh bạch còn được được đặt ra với nhiều vấn đề khác, điển hình như tái cấu trúc nền kinh tế.

Tại Hội thảo quốc tế “Liên kết vùng trong quá trình tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở Việt Nam” ngày 3/4/2016, khi đang đảm nhiệm vai trò là Trưởng ban Kinh tế Trung ương, ông Vương Đình Huệ đã đưa ra quan điểm: "Không thể mỗi tỉnh là một nền kinh tế riêng".

Theo ông Vương Đình Huệ: Việt Nam có 63 tỉnh thành thì có 63 nền kinh tế. Nếu địa phương nào cũng chỉ phát triển riêng cục bộ thì sẽ khó phát triển kinh tế đất nước. Do đó, ông đặt câu hỏi: Lấy động lực kinh tế là lợi ích của liên kết vùng thế thì phải thay đổi thế nào?

Chính thức được bầu vào vị trí Phó Thủ tướng từ kỳ họp thứ XI, Quốc hội khóa XVIII, ông Vương Đình Huệ được phân công trực tiếp điều hành nhiều lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Có lẽ, dấu ấn đầu tiên trong vai trò điều hành mới của Phó Thủ tướng, chính là cuộc gặp gỡ với DN tư nhân vào cuối tuần vừa qua.

Phó Thủ tướng đã thể hiện rất rõ quan điểm điều hành của Chính phủ với DN, yêu cầu DN phải phát huy sự sáng tạo và tự đi trên đôi chân của mình.

Trước những bức xúc của DN về tình trạng các cơ quan chức năng luôn đưa ra những yêu cầu vô lý, làm khó DN về điều kiện kinh doan và thủ tục hành chính rườm rà, Phó Thủ tướng khẳng định rõ hiện nay cả hệ thống đang có sự chuyển động.

Theo đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định việc tạo áp lực cho đội ngũ công chức là cần thiết và sẽ xử lý nghiêm cán bộ công chức vi phạm.

Với những nỗ lực và chuyển biến tích cực mà Chính phủ đang thực hiện, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định rằng Việt Nam là quốc gia có rất nhiều cơ hội để phát triển doanh nghiệp, thị trường hơn 90 triệu người tiêu dùng, nhiều lao động tài giỏi.

Ông nhấn mạnh thêm rằng, Việt Nam là thiên đường cho khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp khi nhìn vào các con số về thành lập DN mới, thu hút vốn FDI và dòng vốn đổ vào startup Việt ngày càng nhiều.

An Ngọc - Hương Xuân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên