MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam sẽ chọn phương án chống dịch 0 ca nhiễm giống Trung Quốc hay sống chung với Covid-19 như Singapore?

Việt Nam sẽ chọn phương án chống dịch 0 ca nhiễm giống Trung Quốc hay sống chung với Covid-19 như Singapore?

Từ kinh nghiệm chống dịch ở các quốc gia trên thế giới, có thể thấy rằng, không có một phương án nào là quá hoàn hảo. Vậy Việt Nam sẽ chọn phương án chống dịch như thế nào?

Trung Quốc

Khi những ổ dịch đầu tiên xuất hiện tại Vũ Hán vào cuối năm 2019, đầu năm 2020, Vũ Hán đã chính thức phong tỏa toàn thành phố. Vào thời điểm toàn thành phố giãn cách, vì chưa từng có một nơi nào khác xảy ra tình trạng tương tự, nên việc mọi người chưa thể chuẩn bị để ứng phó với một đại dịch là điều dễ hiểu, nhất là trong việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm.

Các biện pháp giãn cách ngày càng nghiêm ngặt, nhu cầu đối với dịch vụ giao đồ ăn theo nhóm mua đã tăng vọt. Theo đó, một bộ phận không nhỏ người dân Vũ Hán chỉ có thể mua đồ ăn, thực phẩm tại các cửa hàng tạp hóa theo nhóm các hộ gia đình thông qua các ứng dụng nhắn tin của Trung Quốc, chẳng hạn như WeChat. Và đối với một số người, đây là cách duy nhất để họ có thể mua được nhiều thức ăn hơn.

Trước tình hình này, các siêu thị và cửa hàng tạp hóa đã thiết lập dịch vụ mua hàng theo nhóm chat trên ứng dụng WeChat để mua một số mặt hàng như thịt, rau và sữa. Đối với các cửa hàng thực phẩm lớn hơn thì sẽ thiết lập ứng dụng trong WeChat để người dân Vũ Hán đặt đồ ăn trực tiếp, không cần thông qua nhóm chat.

Một số quận, huyện thậm chí chỉ cung cấp các dịch vụ giao hàng theo nhóm, cấm các siêu thị bán hàng cho cá nhân và buộc cộng đồng mua hàng tạp hóa với số lượng lớn.

Các cửa hàng tạp hóa và cộng đồng phải vật lộn để lấp đầy số lượng đơn đặt hàng ngày càng tăng đã bắt đầu đặt ra các yêu cầu đặt hàng tối thiểu để giao hàng. Trong khi một siêu thị yêu cầu tối thiểu 30 đơn đặt hàng, một cửa hàng khác chỉ cho phép giao hàng 1.000 đơn hàng mỗi ngày.

Vào tháng 6/2021, điều tương tự cũng đã xảy ra ở thành phố Tonghua, tỉnh Cát Lâm, phía Đông Bắc Trung Quốc. Tờ Global Times đưa tin, nơi đây đã phải đối mặt với một làn sóng Covid-19 khiến chính quyền địa phương đã phải đưa ra quyết định giãn xã hội toàn bộ thành phố.

Theo Global Times, trong khoảng thời gian này, mỗi một hộ gia đình chỉ cho phép duy nhất một người được ra ngoài mua sắm hàng hóa thiết yếu 3 ngày/lần. Theo đó, các gia đình trong khu vực phong tỏa sẽ được các tình nguyện viên cung cấp các gói rau củ đủ để sử dụng trong vòng 5 ngày, với chi phí giao hàng chỉ bằng một nửa giá thông thường. 

Nếu là các gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì sẽ được miễn phí phí giao hàng. Đối với những người cao tuổi, những người có thể gặp khó khăn khi sử dụng điện thoại thông minh, nhân viên dịch vụ cộng đồng sẽ giúp họ thực hiện các đơn đặt hàng trực tuyến.

Việc thắt chặt các quy định giãn cách đã giúp Trung Quốc có thể đưa số lượng ca nhiễm về mức 0 rất nhanh chóng. Thế nhưng, sẽ không thể tránh khỏi những sự cố trong việc cung cấp thực phẩm như quá tải đơn hàng hay chất lượng sản phẩm không như người dân mong muốn.

"Hãy tưởng tượng khối lượng công việc khi đặt hàng trực tuyến là cách duy nhất để mua thức ăn. Có đủ nhân viên giao hàng, nhưng các cửa hàng không thể xử lý số lượng lớn đơn đặt hàng như vậy ngay lập tức, dẫn đến việc giao hàng bị chậm trễ", một quản lý của Eleme (trang bán hàng trực tuyến ở Trung Quốc) ở Tonghua nói với Gloal Times.

Việt Nam sẽ chọn phương án chống dịch 0 ca nhiễm giống Trung Quốc hay sống chung với Covid-19 như Singapore? - Ảnh 1.

Tình nguyện viên đi chợ hộ tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc.

Singapore

Khác với cách chống dịch quyết liệt của Trung Quốc, hướng chống dịch của Singapore mềm dẻo hơn. Chính phủ Singapore gần đây đã thay đổi chiến lược về "Cách tốt nhất để đối phó với Covid-19" từ việc coi nó là "đại dịch" (pandemic) sang "bệnh đặc hữu" (endemic). Singapore không còn nhắm đến "zero case" (tình trạng hoàn toàn không có ca lây nhiễm).

Chia sẻ với Straits Times, Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong nói: "Sẽ không thể diệt trừ được virus… Singapore có lẽ sẽ phải sống chung với Covid-19 trong một thời gian dài. Vì vậy, chúng ta phải học cách sống chung với virus - giống như cách chúng ta sống chung với các bệnh truyền nhiễm khác, bao gồm cả cúm và thủy đậu."

Thế nhưng, cũng theo Bộ trưởng Tài chính Singapore, tốc độ mở sẽ được kiểm soát và các quy định sẽ được nới lỏng dần dần để không xảy ra những sự việc như ở Anh. Cụ thể, ngày 20/7, Anh chính thức nới lỏng hầu hết các hạn chế vì Covid-19, thử nghiệm giai đoạn bình thường mới với dịch bệnh. Chỉ một ngày sau, quốc gia này ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới cao nhất thế giới, với 46.558 ca.

Theo Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung, việc sống chung với dịch chỉ có thể xảy ra khi có ít nhất 80% dân số đã được tiêm vaccine. Và trong thông báo ngày 29/8, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung cho biết "đảo quốc sư tử" đã hoàn thành việc tiêm đủ hai liều vaccine ngừa COVID-19 cho 80% trong tổng số 5,7 triệu người dân nước này. Trên tài khoản Facebook, ông viết: "Chúng ta đã vượt qua một cột mốc mới, trong đó 80% dân số (Singapore) đã được tiêm đủ hai liều vaccine".

Vào giữa tháng 8/2021, Singapore đã đưa ra thông báo sẽ miễn kiểm tra Covid-19 đối với những du khách nhập cảnh đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 từ Đức và Brunei. Bên cạnh đó, các hạn chế về biên giới cũng sẽ được nới lỏng cho du khách từ Hồng Kông (Trung Quốc) và Ma Cao (Trung Quốc) vào cuối tháng 8/2021.

Về việc nới lỏng quy định giãn cách nội địa, Chính phủ Singapore đã nới lỏng yêu cầu có tối đa 50% nhân viên được phép trở lại văn phòng, cách nhau 1m, từ quy định bắt buộc làm việc tại nhà. Bên cạnh đó, từ việc người dân không ăn uống trong nhà hàng, khu ăn uống, trung tâm bán hàng rong, quán cà phê v.v… quy định này dần dần giảm xuống còn 2, sau đó là 5 người trong một nhóm khi đi ăn. Giờ đây, chỉ những người được tiêm chủng đầy đủ mới có thể tham gia nhóm 5 người.

Từ kinh nghiệm chống dịch ở các quốc gia trên thế giới, có thể thấy rằng, không có một phương án nào là quá hoàn hảo. Ngay cả các nước có điều kiện, tiềm lực kinh tế lớn vẫn bị động trong một vài trường hợp.

Như Thủ tướng đã từng nhấn mạnh tại buổi họp với hơn 1.000 xã, phường, thị trấn tại 20 tỉnh, thành phố ngày 29/8: "Chúng ta phải nhận thức, xác định tính chất phức tạp, khốc liệt, khó lường, khó dự báo của dịch bệnh. Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên".

Quỳnh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên