MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VKSND thành phố Hoà Bình cáo buộc Hoàng Công Lương có "hành vi nguy hiểm" làm chết 8 người

22-01-2019 - 20:43 PM | Sống

Đại diện VKS cho rằng, bị cáo Hoàng Công Lương hoàn toàn có thể không ra y lệnh khi chưa có căn cứ nguồn nước đảm bảo sự an toàn cho các bệnh nhân.

Cuối giờ chiều 21/1, đại diện VKS đã trình bày quan điểm luận tội đối với các bị cáo trong vụ án liên quan đến sự cố chạy thận khiến 9 người tử vong tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Theo đó, đại diện VKS đã đề nghị phạt Hoàng Công Lương từ 36-42 tháng tù về tội vô ý làm chết người. Bị cáo Bùi Mạnh Quốc bị đề nghị từ 4-5 năm tù. Đây là 2 bị cáo bị đề nghị mức án cao nhất. Chúng tôi xin trích dẫn toàn bộ phần căn cứ và lập luận của VKS đối với 2 bị cáo này.

BS Hoàng Công Lương bị đề nghị mức án 3 - 3,5 năm tù

Với bị cáo Hoàng Công Lương (HCL - PV), VKS cho rằng HCL là BS chuyên khoa 1, chuyên ngành HSCC và nội khoa chuyên ngành thận tiết niệu, là BS phụ trách chuyên môn điều trị cho 18 BN ngày 29/5/2017 tại ĐN lọc máu .

Hoàng Công Lương có chứng chỉ hành nghề được Sở Y tế Hoà Bình phê duyệt trong phạm vi hoạt động chuyên môn là khám bệnh, chữa bệnh nội khoa và HSCC. Được đào tạo kỹ thuật lọc máu cơ bản tại Khoa TNT, BV Bạch Mai.

 VKSND thành phố Hoà Bình cáo buộc Hoàng Công Lương có hành vi nguy hiểm làm chết 8 người - Ảnh 1.

BS Hoàng Công Lương.

Y lệnh của BS Linh, BS Huyền phải được HCL ký xác nhận mới có giá trị thực hiện. Tại thời điểm xảy ra sự cố BS Linh và BS Huyền chưa có chứng chỉ hành nghề với chuyên ngành Thận nhân tạo.

Do vậy, Hoàng Công Lương có đủ điều kiện khám chữa bệnh độc lập. Hoàng Công Lương ký trên y lệnh của BS Linh, Huyền để xác nhận y lệnh. Việc ký xác nhận của HCL bên cạnh chữ ký của BS Linh và BS Huyền có tính quyết định với việc ra y lệnh chạy thận. Hoàng Công Lương là người ra y lệnh cuối cùng để bệnh nhân được lọc máu ngày 29/5/2017.

Qua lời khai của ông Hoàng Đình Khiếu, điều dưỡng Nguyễn Thu Hằng và 12 bác sĩ khác trong ĐN lọc máu, HCL được PGS Hoàng Đình Khiếu phân công phụ trách chuyên môn ở đơn nguyên lọc máu.

Các trạng buộc bị cáo phải biết việc chất lượng nước dùng cho chạy thận sau tẩy rửa màng RO và các đường ống của hệ thống phải có kết quả xét nghiệm hoá chất tồn dư, đây là điều kiện bắt buộc đảm bảo chất lượng nước.

Với vai trò là 1 BS có chuyên môn mà bị cáo được đào tạo, có quyền ra y lệnh với việc quyết định lọc máu ngày 29/5/2017, Hoàng Công Lương phải biết tầm quan trọng của nước RO 2, biết sau sửa chữa phải kiểm tra dư lượng hoá chất.

Nhưng sáng 29/5/2017 Hoàng Công Lương chỉ nghe điều dưỡng Điệp - người không chịu trách nhiệm sửa chửa HT RO2 nói miệng đã chủ quan ra y lệnh và ký xác nhận y lệnh của 2 BS còn lại để lọc thận cho 18 BN. Đây là hành vi nguy hiểm gây ra hậu quả nghiêm trọng khiến 8 người chết.

BV Đa khoa Hoà Bình có 2 hệ thống RO, khi cần thiết hệ thống RO1 có thể hỗ trợ cho hệ thống RO2. Bệnh án của BV ĐK Hoà Bình cũng thể hiện rõ đây không phải lọc máu cấp cứu, nên đây không phải là tình huống cấp thiết.

Bị cáo hoàn toàn có thể không ra y lệnh khi chưa có căn cứ nguồn nước đảm bảo sự an toàn cho các BN, do đó việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vô ý làm chết người đối với Hoàng Công Lương là đúng người đúng tội.

Đối với bị cáo Bùi Mạnh Quốc bị đề nghị từ 4-5 năm tù về tội vô ý làm chết người

Quốc có bằng tốt nghiệp ngành công nghiệp kỹ thuật điện, đã từng làm việc ở Công ty Minh Hoàng và nhiều lần sửa chữa hệ thông RO số 2 cho BVĐK tỉnh Hòa Bình theo thảo thuận với Công ty Thiên Sơn.

 VKSND thành phố Hoà Bình cáo buộc Hoàng Công Lương có hành vi nguy hiểm làm chết 8 người - Ảnh 2.

Bị cáo Bùi Mạnh Quốc.

Đến tháng 11/2016 Quốc đã thành lập công ty xử lý Trâm Anh do Quốc làm giám đốc. Khoảng tháng 3/2017 theo đề nghị của Công ty Thiên Sơn Quốc đã đến BVĐK tỉnh Hòa Bình kiểm tra hệ thống RO2 và lập bảng báo giá thay thế vật liệu lọc RO2 gồm 12 hạng mụ gửi cho Thiên Sơn.

Ngày 26/5/2017 Quốc được Thiên Sơn gọi điện đến BVĐK tỉnh Hòa Bình để sửa chữa hệ thông RO2.

Trong quá trình điều và khai tại phiên tòa Quốc đã khai thực hiện nội dung sửa chữa hệ thống RO 2 theo báo giá của Thiên Sơn vào 28/5/2017. Trong báo giá có nội dung xét nghiệm AAMI.

Vào ngày 28/5, Quốc đã tự mua hàng hóa, tự liên hệ với Trần Văn Sơn để đến sửa chữa hệ thông RO2. Khi đến BV, Quốc đã dùng một can 20lít hóa chất HF và HCL đã gửi ở BV để mang ra lau chùi hai màng RO và sục rửa các cột lọc. Sau khi, xảy ra sự cố Quốc đã mang hai chân hóa chất vào phòng hành chính giao nộp.

Tại phiên tòa và quá trình điều tra Quốc đã thừa nhận HF và HCL sục rửa cột lọc. Đây là những hóa chất chưa được Bộ Y tế cho phép dùng khử khuẩn các thiết bị y tế.

Quốc đã khai thời gian sục rửa RO là 2 tiếng đồng hồ nhưng ngày 28 Quốc chỉ sục rửa 1 tiếng đồng hồ do đó chất tẩy tồn dư ở màng RO đã chảy trực tiếp vào tank RO gây lên nồng độ florua cao trong nước.

Với các chứng cứ có trong vụ án chứng minh Quốc chưa lấy mẫu đi xét nghiệm, chưa bàn giao hệ thống RO2 để đưa vào sử dụng.

Biên bản bàn giao giữa Sơn và Quốc chỉ được lập sau khi sự cố xảy ra. Vào sáng ngày 29/5 Quốc vào đơn nguyên chạy thận để lấy mẫu nước theo hợp đồng. Tuy nhiên, tới nơi Quốc đã để mặc cho đơn nguyên chạy thận sử dụng hệ thống RO mà không cảnh báo hay ngăn cản.

Từ những chứng cứ nên trên Bùi Mạnh Quốc là người trực tiếp sữa chữa ngày 28/5, dùng HF và HCL để vệ sinh màng lọc gây tồn dư hóa chất gây hậu quả nghiêm trọng làm 8 ngừoi tử vong. Việc truy cứu trách hiệm với Quốc vì tội vô ý gây chết người là đúng người, đúng tội.

Đề nghị mức án và truy cứu trách nhiệm với các bị cáo khác

Đối với Trần Văn Sơn (TVS - pv) bị đề nghị 42-48 tháng tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Tại thời điểm xảy ra sự cố, Sơn không có HĐ lao động với BV ĐK HB nhưng vẫn tiếp tục công tác. Trong thời gian xảy ra sự cố TVS đang tham gia khoá đào tạo vừa học vừa làm, ngày xảy ra sự cố không phải đi học nên thực hiện nhiệm vụ tại phòng vật tư.

Với nhiệm vụ được giao buộc bị cáo phải theo dõi việc sửa chữa. Sơn là người đã xác nhận hệ thống RO đã sửa chữa xong và bảo chị Điệp vào khoá cửa. VKS xác định chưa có việc bàn giao hệ thống RO đưa vào sử dụng.

Sơn không biết nội dung hợp đồng 315 nhưng biết sau sửa chữa phải đi xét nghiệm AAMI, nhưng Sơn không cảnh báo để cho đơn nguyên TNT sử dụng hệ thống RO vào lọc máu nên truy tố về tội Thiếu trách nhiệm là đúng người đúng tội.

 VKSND thành phố Hoà Bình cáo buộc Hoàng Công Lương có hành vi nguy hiểm làm chết 8 người - Ảnh 3.

Các bị cáo trong phiên toà 21/1.

Trần Văn Thắng bị đề nghị từ 36-42 tháng tù. Bị cáo Thắng có nhiệm vụ kiểm tra vật tư và công tác an toàn lao động, phân công đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trong phòng nhưng không kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của Sơn, không ban hành các quy trình sửa chữa vật tư thiết bị y tế mà cụ thể là quy trình sửa chữa hệ thống TNT. Trần Văn Thắng bị truy cứu trách nhiệm theo cáo trạng là đúng người đúng tội.

Đối với bị cáo Hoàng Đình Khiếu bị đề nghị 36-42 tháng tù. Bị cáo Khiếu thiếu kiểm tra với nhân viên cấp dưới, buông lỏng quản lý, là người trực tiếp quản lý chất lượng nước RO nhưng không tham mưu bố trí đủ nhân lực cho đơn nguyên lọc máu hoạt động.

Bị cáo là người ký quyết định sửa chữa hệ thống RO số 2, thừa nhận hệ thống RO2 sửa chữa xong được đưa vào sử dụng luôn, không biết RO2 và RO1 có thể thay thế cho nhau, không chờ kết quả xét nghiệm chất lượng nước sau sửa chữa. Hành vi nêu trên của bị cáo là nguyên nhân gây ra sự cố vì vậy việc truy cứu trách nhiệm hình sự với bị cáo là đúng người đúng tội.

 VKSND thành phố Hoà Bình cáo buộc Hoàng Công Lương có hành vi nguy hiểm làm chết 8 người - Ảnh 4.

Ông Trương Quý Dương, cựu Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: PLO)

Đối với bị cáo Trương Quý Dương (TQD) là người đứng đầu bệnh viện nhưng buông lỏng quản lý, không sâu sát trong điều hành. TQD là người ký quyết định lọc máu, nhưng không bố trí nhân lực cần thiết, không phân công người phụ trách kỹ thuật cho đơn nguyên lọc máu, dẫn tới bước kiểm tra chất lượng nước trước trong và sau khi lọc máu không ai chịu trách nhiệm, không ban hành quy trình bảo quản và vận hành hệ thống RO 2.

Hành vi nêu trên của TQD dẫn đến việc tuỳ tiện của cấp dưới, không kiểm tra chất lượng RO sau khi sửa chữa nên truy cứu về tội danh Thiếu trách nhiệm là chính xác.

Đối với bị cáo Đỗ Anh Tuấn (ĐAT - pv) bị đề nghị từ 36-42 tháng tù.

VKS cho rằng hợp đồng đặt máy chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình đã phát sinh trách nhiệm của công ty. Bị cáo là người ký HĐ 315 về việc sửa chữa hệ thống RO 2, nhưng đã không thực hiện cam kết trong HĐ, bỏ mặc Quốc tự sửa chữa hệ thống RO ngày 28/5/2017.

ĐAT buộc phải biết việc BV ĐK HB chưa bao giờ dừng chạy thận để chờ kết quả xét nghiệm nhưng không nhắc nhở Quốc.

Thiên Sơn có trách nhiệm cùng với BV HB đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, có quyền nhắc nhở Quốc phải đảm bảo chất lượng nước RO, nhắc nhở nhân viên tại đơn nguyên lọc máu phải chờ kết quả xét nghiệm. Vì vậy, truy cứu việc Thiếu trách nhiệm với bị cáo Tuấn là đúng người đúng tội.

Với các BS và điều dưỡng: Nguyễn Thu Hằng bị đề nghị xử lý hành chính, Đỗ Thị Điệp, Đỗ Thị Hậu bị kiến nghị xử lý trách nhiệm. BS Huyền, Linh không bị đặt vấn đề xử lý trách nhiệm HS. Hoàng Đình Khiếu, Hoàng Công Tình bị tiếp tục điều tra trách nhiệm.

Qua phần xét hỏi công khai với ông Hoàng Công Tình có dấu hiệu buông lỏng quản lý, VKS kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ nội dung này.

VKS đề nghị Công ty Thiên Sơn và BV có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân và gia đình nạn nhân. Với các đề nghị của các gia đình nạn nhân về số tiền cụ và trợ cấp cụ thể, VKS có quan điểm chi phí hợp lý phục vụ việc mai táng, không chấp nhận chi phí cúng tế lễ bái ăn uống, xây mộ... người yêu cầu bồi thường phải có chứng từ về các chi phí.

Mức bồi thường về tổn thất tinh thần áp dụng mức cao nhất là 100 lần tháng lương cơ bản và hỗ trợ nuôi con đến năm 18 tuổi.

Về trách nhiệm của Bộ Y tế, Sở y tế và BVĐK HB, VKS cho rằng có sự buông lỏng trong quản lý của nhà nước về kỹ thuật chạy thận nhân tạo nhưng không phải hoàn toàn không có quy định để đảm bảo an toàn cho người bệnh. Chính sự buông lỏng trong quản lý đã dẫn đến sự cố này.

VKS sẽ kiến nghị 3 cơ quan trên có biện pháp quản lý và tăng cường kiểm tra kiểm soát hoạt động lọc máu nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Theo Nhóm PV

Trí thức trẻ

Trở lên trên