VN-Index lọt top chỉ số bứt phá trong 9 tháng đầu năm tại châu Á - Thái Bình Dương
Chỉ số chứng khoán Karachi Stock Exchange 100 của Pakistan là chỉ số tăng mạnh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
- 13-09-2016Ông Andy Hồ: Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn luôn quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam
- 23-08-2016Danh tính 8 nhà đầu tư lớn nhất sở hữu trên 1 tỷ USD tại thị trường chứng khoán Việt Nam
- 21-08-2016Chứng khoán Việt Nam và châu Á có phải “sợ” sàn mới của Trung Quốc tranh vốn?
Sau 9 tháng nhiều sự kiện tài chính - thời sự, các chỉ số chứng khoán tại châu Á có mức độ phân kỳ mạnh mẽ, CNBC làm thống kê cho biết.
Trong bối cảnh kinh tế chững lại tại các thị trường phát triển, giới đầu tư tìm kiếm động lực tại các khu vực đang phát triển.
Tăng điểm
Chỉ số chứng khoán Karachi Stock Exchange 100 của Pakistan là chỉ số tăng mạnh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tính từ đầu năm, chỉ số tăng 23,19%, cao hơn gấp đôi mức tăng 10,82% của chỉ số chứng khoán MSCI Asia Pacific, không tính Nhật Bản.
Mặc dù tình hình chính sự tại Pakistan đôi lúc biến động, các chuyên gia đánh giá cao mức độ ổn định chung của các chỉ số kinh tế vĩ mô. Tăng trưởng GDP sơ bộ cho năm tài khóa 2016 kết thúc vào tháng Sáu đạt 4,7%, cao nhất 7 năm.
Pakistan đã tránh được khủng hoảng cán cân thanh toán nhờ chương trình cho vay từ Quỹ tiền tệ quốc tế và các khoản đầu tư từ Trung Quốc.
Đặc biệt đầu năm nay, chỉ số chứng khoán của Pakistan đã được bổ sung vào rổ MSCI Emerging Markets Index, trong khi Trung Quốc vẫn “hậm hực” đứng ngoài.
Theo sau Pakistan là chỉ số VN-Index của Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, chỉ số tăng 18,91%. Chuyên gia kinh tế cấp cao tại Mizuho Bank Vishnu Varathan nhận định “Việt Nam vẫn là một trong những điểm sáng tại châu Á”.
Ông nhận xét khi Trung Quốc muốn đưa nền kinh tế từ thâm hụt lao động giá rẻ lên lao động lành nghề, thì nhiều công ty đa quốc gia muốn chuyển nhà máy sản xuất sang nước khác trong khu vực. Việt Nam với lợi thế chi phí thấp và cơ sở hạ tầng tương đối tốt là nước hưởng lợi.
Tuy nhiên, ông Varathan lưu ý Việt Nam còn cần hoàn thiện hóa hệ thống ngân hàng.
Theo sau là chỉ số Jakarta Composite của Indonesia, tăng 16,8% từ đầu năm. IMF dự đoán GDP Indonesia sẽ tăng 4,9% trong năm nay và 5,3% trong năm sau.
Indonesia là nước thành viên OPEC duy nhất ở châu Á – Thái Bình Dương. Nguồn thu ngân sách của nước này bị ảnh hưởng vì dầu giảm giá, tuy nhiên chi tiêu tiêu dùng cao, nhu cầu hàng nhập khẩu thấp và hoạt động đầu tư tư nhân tăng đã bù đắp phần nào.
Giảm điểm
Chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải của Trung Quốc là chỉ số sụt mạnh nhất khu vực, giảm 15,09% từ đầu năm đến nay. Chỉ số Shenzhen Composite trên sàn Thâm Quyến cũng sụt 13,59%, sau khi tăng mạnh nhất khu vực trong năm 2015.
Trong tuần đầu tháng Một, thị trường chứng khoán Trung Quốc chứng kiến cảnh bán tháo ồ ạt. Từ đó tới nay, các lo ngại dai dẳng về tính thanh khoản trong lĩnh vực tài chính vẫn khiến nhà đầu tư chùn tay trong đầu tư.
Tuy nhiên, triển vọng kinh tế nước này đang trên đà ổn định, nhờ sự khởi sắc của thị trường nhà đất. Nhưng Standard Charter vẫn cảnh báo thị trường bất động sản phát triển nóng sẽ làm nảy sinh rủi ro tài chính và nợ xấu.
Đứng sau Trung Quốc là chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản, giảm 13,57% từ đầu năm tới nay. Mặc dù Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã phải “tung chiêu” lãi suất âm, tỷ lệ lạm phát vẫn còn ở xa mức mục tiêu đặt ra là 2%.
Thị trường chứng khoán cũng chịu sức ép khi đồng yen tăng giá, hệ quả của chính sách lãi suất âm được áp dụng từ tháng Một.
Standard Charter dự đoán tăng trưởng GDP Nhật Bản chỉ đạt 0,7% trong năm nay và 0,6% trong năm sau. Hoạt động chi tiêu cá nhân và đầu tư doanh nghiệp sẽ vẫn duy trì tốc độ ì ạch.
Triển vọng quý IV
Ba tháng cuối năm hứa hẹn nhiều sự bứt phá của các chỉ số khi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng.
Có thể kể đến một số yếu tố như Bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11, khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong tháng 12, sức khỏe của hệ thống ngân hàng châu Âu, lạm phát thấp tại Nhật Bản cũng như căng thẳng trên Biển Đông.
Đây đều là các nhân tố sẽ khiến nhà đầu tư cảnh giác trong ngắn hạn, mặc dù giai đoạn ảm đạm truyền thống của chứng khoán hàng năm từ tháng Tám đến tháng 10 đã qua, chuyên gia tại AMP Capital dự đoán.
Bizlive