Với 11.384 tỷ đồng, Ricons bám sát Coteccons về doanh thu và “vượt mặt” lợi nhuận sau 2 năm không còn “chung nhà”
Trong bối cảnh thị trường nói chung khó khăn, chỉ số của Ricons đáng ghi nhận. Cùng với các đơn vị khác trong hệ sinh thái mới của ông Nguyễn Bá Dương, cựu “tướng” Coteccons tuyên bố thu về 1 tỷ USD doanh số trong năm qua.
- 31-12-2022Sau 2 năm rời Coteccons, “đế chế” mới của ông Nguyễn Bá Dương gồm SOL E&C, Newtecons, Ricons, BM Windows, Boho Décor, DB tuyên bố đạt 1 tỷ USD doanh thu
- 25-12-2022Quyết liệt trở lại đường đua, Newtecons của ông Nguyễn Bá Dương vừa cán mốc doanh thu 10.000 tỷ đồng, ngang bằng Ricons, "đe dọa" vị trí của Coteccons
Xây dựng Ricons vừa công bố BCTC hợp nhất quý 4/2022, ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.028 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, doanh thu hợp đồng xây dựng đạt gần 2.995 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động bất động sản đạt 29 tỷ đồng và doanh thu từ quản lý vận hành tòa nhà đạt hơn 2 tỷ đồng.
Về hoạt động tài chính, doanh thu đạt 23,9 tỷ đồng, gấp 3,16 lần cùng kỳ năm trước. Chi phí tài chính cũng cao gấp 6,3 lần. Khấu trừ các chi phí, Ricons lãi sau thuế 10,3 tỷ đồng, giảm 41% so với thực hiện quý 4/2021.
Lũy kế cả năm 2022, Ricons ghi nhận doanh thu thuần đạt 11.384 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2021, riêng doanh thu hợp đồng xây dựng đạt 11.217,5 tỷ đồng, chiếm 98% tổng doanh thu. Tương ứng, lợi nhuận sau thuế tăng 13%, lên 91 tỷ đồng.
Trong bối cảnh thị trường nói chung khó khăn, chỉ số của Ricons đáng ghi nhận. Cùng với các đơn vị khác trong hệ sinh thái mới của ông Nguyễn Bá Dương, cựu “tướng” Coteccons tuyên bố thu về 1 tỷ USD doanh số trong năm qua.
Mặt khác, so với Coteccons, sau 2 năm “không còn chung nhà”, Ricons đã lần thứ hai vượt mặt về lợi nhuận.
Nhớ lại năm 2020, sau sự cố giữa ban lãnh đạo cũ Coteccons và nhóm cổ đông ngoại, Ricons chính thức tách khỏi Coteccons và xây dựng hệ sinh thái riêng của mình. Là “đứa con” từng được “nuôi nấng” từ Coteccons, Ricons từ lúc thành lập liên tục tăng trưởng, cơ cấu tài chính khoẻ mạnh khi không bị áp lực nợ vay. Chính điều này là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn với cổ đông ngoại, và sau này là “cái bóng” khiến dư luận đặt vấn đề về sự phát triển của Ricons khi không còn sự hậu thuẫn từ công ty mẹ.
Thực tế, Ricons thời gian đầu đối mặt với nhiều khó khăn, và chỉ số kinh doanh không đạt kỳ vọng. 2021 là năm Ricons đạt lãi thấp nhất 5 năm, Công ty cũng bắt đầu vay nợ. Dù vậy, với chủ trương tập trung vào lĩnh vực lợi thế là xây dựng, sớm lên phương án trượt giá… Ricons đã đạt tín hiệu tốt ban đầu.
Về phía Coteccons, dưới trướng chủ mới, Công ty lên kế hoạch đẩy mạnh đa ngành từ lĩnh vực cốt lõi là xây dựng. Công ty cũng cho thấy động thái đón đầu sóng đầu tư công với những chiến lược cho riêng mảng hạ tầng. Dù vậy, sau 2 năm, những ngành mới vẫn chưa thực sự rõ ràng. Trong chia sẻ gần đây với cổ đông, đại diện Coteccons cho biết thực tế Công ty vẫn đang đẩy mạnh, tuy nhiên với phương châm không đánh đổi cái ngắn hạn cho chiến lược dài hạn nên Coteccons chưa công bố chi tiết ra bên ngoài.
Về chỉ số, Coteccons về đáy mới của lợi nhuận với vỏn vẹn 21 tỷ đồng trong năm 2022 trong khi doanh thu đạt hơn 14.500 tỷ đồng. Đáng chú ý, dù có lãi nhưng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh cả năm 2022 của Coteccons lại âm đến 1.626 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn dương 421 tỷ. Nguyên nhân chủ yếu do tăng mạnh các khoản phải thu và tồn kho.
Không riêng Ricons, Coteccons cũng được đem so sánh với “ông lớn” khác của ngành là Hoà Bình. Năm 2021, Coteccons chiếu theo doanh thu, lợi nhuận đã mất ngôi vương số 1 về tay Hoà Bình.
Cũng tại buổi trao đổi cổ đông vừa qua, khi được hỏi về khủng hoảng nội bộ tại Hoà Bình và cơ hội tìm lại ngôi vương trên thị trường, Chủ tịch Coteccons hiện tại là ông Bolat Duisenov nói: "Tôi muốn khẳng định một ý khi mà chúng ta nói về CTD, trên thị trường vẫn hay gọi chúng tôi là công ty lớn nhất, công ty số một hay hàng đầu. Thực ra khái niệm số một hay hàng đầu khá thú vị, với những tiêu chuẩn như vậy để gọi chúng ta là người đứng đầu, xem chúng tôi là một gã khổng lồ. Nhưng tôi muốn nói về tính khiêm tốn nhiều hơn, chúng tôi là những người khiêm nhường nên muốn tự nhận mình là một gã khổng lồ khiêm tốn”.
Tính đến thời điểm ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Ricons tăng 31,5% so với hồi đầu năm, đạt 8.194 tỷ đồng. Trong đó, tiền và tương đương tiền tăng thêm 500 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 808,4 tỷ đồng. Đầu tư tài chính ngắn hạn tăng gấp đôi, đạt 598 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng 9%, lên 4.646,5 tỷ đồng. Hàng tồn kho gấp 2,3 lần, lên 922,6 tỷ đồng.
Nợ phải trả cũng tăng gần 50%, lên 5.785,6 tỷ đồng; trong đó, riêng phải trả người bán ngắn hạn còn 3.496,5 tỷ đồng, chiếm 60,4% tổng nợ; vay nợ thuê ngắn hạn còn 735,8 tỷ đồng, chiếm 13% tổng nợ. Điểm tích cực là dòng tiền kinh doanh của Ricons đang dương 264 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn 470,19 tỷ đồng.
Nhịp sống thị trường
Sự kiện: KQKD Quý 4/2022
Xem tất cả >>- Kiếm đậm từ bán vé, phí gửi đồ và fastfood cũng thêm vài chục tỷ, Công viên nước Đầm Sen lần đầu báo lãi trăm tỷ đồng
- Doanh nghiệp BĐS: Mỗi ngày “mở mắt” phải trả hàng chục tỷ tiền lãi, riêng Novaland có chi phí lãi vay thấp "kỳ lạ"
- Trong khi nhiều doanh nghiệp gánh cả nghìn tỷ chi phí lãi vay, những DN này vẫn ung dung khi gần như không phải trả đồng nào
- Hải An (HAH) báo lãi hơn 1.000 tỷ năm 2022, sự cố va chạm của tàu Hải An City ước tính tổn thất 200 tỷ, được bồi thường 150 tỷ đồng
- Sau một năm thăng hoa nhờ Covid, doanh nghiệp sản xuất bao cao su duy nhất trên sàn chứng khoán rơi mất 30% doanh thu, lãi giảm một nửa