Vốn FDI sẽ 'tỏa sáng' trong năm 2023
Chuyển dịch từ thu hút đầu tư bị động sang chủ động sẽ góp phần nâng chất dòng vốn FDI. Ảnh: Quang Vinh.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều khó khăn và dòng vốn đầu tư toàn cầu khó có thể tăng so với các năm trước đó. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn được xem là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhất là trong bối cảnh các nhà sản xuất muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng, dịch chuyển đầu tư.
- 01-02-2023Gần chạm ngưỡng 100 triệu người, dân số Việt Nam đứng thứ mấy trong khu vực?
- 28-01-2023Philippines vượt ngưỡng thu nhập thấp được 27 năm, Indonesia được 25 năm, Việt Nam thì sao?
- 27-01-2023Indonesia thu hút dòng vốn FDI cao kỷ lục, so với Việt Nam thì thế nào?
Tín hiệu tích cực
Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đưa ra dự báo, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2023 có thể đạt 36-38 tỷ USD, còn vốn giải ngân đạt khoảng 22-23 tỷ USD.
Cơ quan này cho rằng, các yếu tố quan trọng để vốn FDI tiếp tục khởi sắc trong năm 2023 gồm: Kết quả tăng trưởng kinh tế trong năm 2022; nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo lập niềm tin với nhà đầu tư; khai thác có hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng là chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài đã được Bộ KH&ĐT trình Chính phủ.
Ngay từ đầu năm 2023, nhiều địa phương đã nêu rõ mục tiêu thu hút vốn FDI với những con số khá ấn tượng và triển khai giải pháp để thúc đẩy thu hút vốn FDI. Chẳng hạn tại Vĩnh Phúc, ông Vũ Việt Văn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, thời gian tới tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư tại tỉnh. Chuyển từ thu hút đầu tư bị động sang chủ động và chủ trương thu hút có chọn lọc khu vực, thị trường, đối tác để thúc đẩy hợp tác phát triển phù hợp với bối cảnh thế giới và khu vực.
Theo ông Nguyễn Xuân Phương - Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2023, Ban Quản lý các KCN đặt ra mục tiêu thu hút từ 20 - 25 dự án FDI với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn đạt 350 triệu USD, 10 - 12 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng; có thêm 30 - 35 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), tổng doanh thu của các dự án FDI đạt 11 tỷ USD, doanh thu của các dự án FDI đạt 14.500 tỷ đồng, thu nộp ngân sách nhà nước 7.329 tỷ đồng.
Còn tại Quảng Ninh, tỉnh này đặt mục tiêu thu hút khoảng 1 tỷ USD vốn FDI trong năm 2023. Ngay đầu năm, lãnh đạo tỉnh đã có buổi tiếp 2 nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, đang nghiên cứu đầu tư, xây dựng nhà máy sản xuất tại KCN Sông Khoai của Tập đoàn Amata (thị xã Quảng Yên).
Cũng vào những ngày đầu năm, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã trao Biên bản ghi nhớ (MOU) đầu tư giữa Tập đoàn Yadea (Hồng Kông, Trung Quốc) và Công ty cổ phần Lideco 1, chủ đầu tư hạ tầng KCN Tân Hưng. Theo MOU được ký kết, Yadea sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất, lắp ráp xe máy điện tại KCN Tân Hưng, với quy mô dự kiến khoảng 2 triệu xe/năm. Dự kiến, với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD, Yadea sẽ xây dựng nhà máy trên diện tích khoảng 23,3ha, bắt đầu từ quý II/2023. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ tạo việc làm cho khoảng 3.500 lao động.
Các dữ liệu cũng cho thấy, tình hình thu hút vốn ngoại đang rất suôn sẻ ngay tháng đầu năm. Số liệu trong tháng 1 được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, tính từ đầu năm đến ngày 20/1, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam (bao gồm cả vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 1,69 tỷ USD. Tuy tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong tháng 1/2023 giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng điểm tích cực là trong tháng 1 có 153 dự án được cấp mới, với tổng vốn đăng ký đạt 1,2 tỷ USD, tăng 48,5% về số dự án và gấp 3,1 lần về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Do đó, kết quả này được đánh giá là tín hiệu tích cực, mở ra cơ hội cho Việt Nam trong năm 2023.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Alain Cany cho biết, mặc dù tình hình năm 2023 vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn nhưng có nhiều cơ hội để nền kinh tế Việt Nam tiếp tục vượt xa các nước cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Điều này thể hiện rõ qua việc, rất nhiều thành viên của EuroCham coi Việt Nam là trung tâm trong chiến lược đầu tư toàn cầu. “Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ châu Âu và trên toàn thế giới vẫn ở mức cao và tiếp tục tăng, đặc biệt là trong các ngành sản xuất và công nghiệp xanh của Việt Nam. Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến đầu tư hàng đầu trên thế giới. Nhờ đó, cộng đồng DN châu Âu vẫn tin tưởng vào thị trường Việt Nam” - ông Alain Cany nhấn mạnh.
Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đang quan tâm tới thị trường Việt Nam trong đó phải kể đến SamSung, Foxconn, Intel…Và đây trở thành điểm tựa vững chắc để các tập đoàn lớn khác đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.
Thu hút đầu tư có chọn lọc sẽ giúp tạo sức lan tỏa công nghệ từ khu vực doanh nghiệp nước ngoài sang khu vực doanh nghiệp trong nước. Ảnh: Quang Vinh.
Cải cách hệ thống quản lý thuế
Ông Đỗ Văn Sử - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cũng nhận định về những lạc quan trong thu hút FDI của năm nay. “Chúng tôi dự tính, thu hút FDI năm 2023 có thể đạt 36-38 tỷ USD, còn vốn giải ngân đạt khoảng 22-23 tỷ USD” - ông Sử nói và đưa ra phân tích, việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế có thể tác động đến thu hút FDI của Việt Nam. “Ở khu vực, Trung Quốc vẫn là điểm đến đầu tư hàng đầu, do vậy, khi họ mở cửa, vốn sẽ chảy vào thị trường này, hạn chế vào Việt Nam và các nền kinh tế khác trong khu vực. Nhưng ngược lại, sự dịch chuyển vốn đầu tư của Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… khỏi Trung Quốc sẽ được đẩy nhanh hơn. Sự dịch chuyển này sẽ được đẩy nhanh đến năm 2025” - ông Sử nhấn mạnh.
Bên cạnh những cơ hội, thuận lợi, giới chuyên gia cũng nhấn mạnh đến vấn đề đáng quan ngại của nguồn vốn FDI, đó là tình trạng “trốn thuế, chuyển giá” của DN ngoại. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã lợi dụng kẽ hở luật pháp cũng như lợi dụng ưu đãi đầu tư tại Việt Nam để đầu tư thu lợi mà không tiến hành hoặc tiến hành chậm, ít chuyển giao công nghệ. Nói như GS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, thực trạng trốn thuế, chuyển giá đã bộc lộ từ cách đây 20 năm. Thời gian qua, cơ quan chức năng cũng đã làm đủ mọi cách từ kiểm tra, giám sát, xử phạt khi phát hiện chuyển giá song thực trạng này vẫn tồn tại.
Theo GS Nguyễn Mại, Việt Nam cần liên hệ với các quốc gia trong ASEAN, hợp tác trao đổi thông tin về hoạt động xuất nhập khẩu giữa hải quan và cơ quan thuế để nắm rõ con số, giá cả lên xuống thông qua hoạt động giao dịch xuất nhập khẩu. Ngành thuế phải công khai, minh bạch, không có chuyện “tiếp tay cho người trốn thuế”. “Mặc dù ngành thuế có nhiều tiến bộ trong thời gian gần đây nhưng nhưng hệ thống quản lý thuế cần cải cách hơn nữa để đạt chuẩn mực quốc tế trong hạch toán về thuế. Như vậy mới có thể chống chuyển giá, chống thất thu thuế” - ông Mại nói.
Giới chuyên gia cũng nhận định, cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều thông điệp trong thu hút nguồn vốn FDI thời gian tới, đây sẽ là những đòn bẩy quan trọng, sẽ thúc đẩy, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của nhà đầu tư với lợi ích nhà nước và nhân dân trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng:
Thu hút có chọn lọc
Việc xây dựng, thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có thu hút FDI là một bộ phận trong chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam. Trong 35 năm qua, đầu tư nước ngoài đã khẳng định được vai trò là khu vực kinh tế năng động, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.
Với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2030 với mục tiêu: Nâng cao hiệu quả, chất lượng toàn diện trong công tác thu hút, sử dụng vốn FDI; Thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; Xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm tài chính đạt tầm cỡ khu vực và quốc tế tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn tới.
Ông Nguyễn Xuân Thành - đại học Fulbright Việt Nam:
Không thu hút FDI bằng mọi giá
Chính phủ đã xác định không thu hút FDI bằng mọi giá. Do vậy, vấn đề không phải là số lượng đăng ký hay giải ngân, mà là các doanh nghiệp FDI đóng góp được bao nhiêu cho nền kinh tế. Vì thế, chúng ta cần xây dựng các chỉ tiêu để đánh giá, ví như lao động sử dụng bao nhiêu, xả thải môi trường thế nào, đóng góp cho ngân sách ra sao... Các chỉ tiêu này sẽ hình thành cơ chế khuyến khích FDI theo đúng định hướng đặt ra.
Đại đoàn kết