VPBank tăng tiếp lãi suất huy động từ hôm nay 22/11, cao nhất lên tới 9,4%/năm
Ảnh chụp: Hằng Kim
VPBank vừa triển khai biểu lãi suất huy động tiền gửi mới dành cho khách hàng cá nhân từ ngày 22/11. Như vậy chỉ trong chưa đầy 10 ngày, VPBank đã tăng lãi suất đến 2 lần.
- 22-11-2022Mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm 10%/năm quay trở lại
- 22-11-2022Người dùng thẻ tín dụng chú ý: Lãi suất bắt đầu tăng mạnh
- 20-11-2022Ngân hàng tuần qua: NHNN đẩy mạnh hút thanh khoản, một nhà băng niêm yết lãi suất huy động 9,9%
Trong đó, khác với các biểu lãi suất cũ, lần này VPBank chỉ chia thang tiền gửi thành 2 bậc là dưới 10 tỷ đồng và từ 10 tỷ đồng trở lên, với lãi suất chênh lệch nhau 0,1%/năm tại mỗi kỳ hạn.
Cụ thể, các kỳ hạn 1 – 3 tuần được hưởng mức lãi suất là 0,5%/năm, còn các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng cùng được nhận lãi suất tối đa theo quy định là 6%/năm. Các mức lãi suất này giữ nguyên so với biểu trước đó và được áp dụng cho tất cả các khoản tiền gửi không phân biệt số tiền cũng như hình thức gửi.
Đối với các kỳ hạn từ 6 tháng đến 11 tháng, VPBank áp dụng mức lãi suất 8,7 – 8,8%/năm cho các khoản tiền gửi tại quầy, còn hình thức gửi tiền trực tuyến được hưởng lãi suất 8,8 – 8,9%/năm.
Với các kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 tháng, VPBank huy động tiền gửi với lãi suất 9,1 – 9,3% theo hình thức gửi tiền tại quầy và 9,2 – 9,4% theo hình thức gửi tiền online. Trong đó, mức lãi suất cao nhất 9,4% được ngân hàng áp dụng cho các khoản tiền gửi online tại các kỳ hạn 18 tháng, 24 thàng và 36 tháng, với số tiền gửi tối thiểu là 10 tỷ đồng.
Biểu lãi suất huy động mới nhất tại VPBank - Ảnh: Hằng Kim
Dù gửi tiền online được hưởng lãi suất cao hơn song một số khách hàng vẫn chọn hình thức gửi tại quầy do tâm lý gửi sổ tiết kiệm cho "chắc ăn", đặc biệt là các khách hàng trung niên và cao tuổi.
Chị Hằng – một trong những khách hàng gửi tiền tại VPBank cho biết, chị khá lo lắng sau nhiều vụ gửi online bị hack sim vừa qua nên quyết định gửi tiền, giữ sổ. Dù được nhân viên từ vấn sang hình thức gửi online và phong tỏa tài khoản, với cách này lãi suất có thể cao hơn rất nhiều so với gửi sổ giấy và muốn rút tiền cũng phải ra ngân hàng gỡ phong tỏa mới rút được, song chị vẫn bảo lưu quan điểm "an toàn như sổ, không phải lo hack sim".
Trước đó, VPBank đã thông báo áp dụng biểu lãi suất huy động mới trên toàn hệ thống từ ngày 14/11. Trong đó, lãi suất tiết kiệm cao nhất là 9%/năm, áp dụng cho khách hàng ưu tiên gửi tiết kiệm theo hình thức online, kỳ hạn từ 18 tháng, không phân biệt số tiền gửi. Trong khi với khách hàng thông thường, lãi suất cao nhất là 8,9%/năm.
Như vậy chỉ trong chưa đầy 10 ngày, VPBank đã tăng lãi suất đến 2 lần.
Ngoài VPBank, một số ngân hàng tư nhân lớn khác cũng có lãi suất niêm yết lên tới 9%/năm
Theo thay đổi từ ngày 5/11, khách hàng gửi tiết kiệm online ở SHB kỳ hạn từ 36 tháng sẽ được áp dụng 9%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 8,7%/năm và kỳ hạn 6 tháng là 8,4%/năm.
Trong khi đó, Techcombank cũng áp dụng lãi suất cao nhất lên tới 9%/năm dành cho khách hàng VIP1 tại kỳ hạn 12 tháng với số tiền gửi tối thiểu là 3 tỷ đồng.
Tại các ngân hàng vừa và nhỏ, mức lãi suất niêm yết cao nhất thậm chí đã vượt xa mức 9%/năm.
Theo đó, GPBank hiện đang áp dụng mức lãi suất lên tới 10%/năm cho các khách hàng khi tham gia gửi tiền tại quầy và đáp ứng đủ một số điều kiện về số dư tối thiểu cũng như là khách hàng hạng vàng.
MSB áp dụng lãi suất cao nhất lên đến 9,9%/năm cho khách hàng chưa có sổ tiết kiệm, tiền gửi, chứng chỉ tiền gửi tại ngân hàng và gửi tiết kiệm online tối thiểu từ 1 triệu đồng theo hình thức "Lãi suất đặc biệt", kỳ hạn 24 tháng. Chương trình cũng giới hạn mỗi khách chỉ được mở 1 sổ tiết kiệm 1 lần, và số tiền tối đa mỗi khách hàng có thể tham gia là 5 tỷ đồng
Theo sau là Sacombank với mức lãi suất cao nhất lên đến 9,8%/năm dành cho khách hàng tham gia gói "Tiết kiệm tăng bảo vệ - thêm tích lũy", kỳ hạn 36 tháng. Đối với tiền gửi thông thường, mức lãi suất cao nhất đối với hình thức tại quầy là 9%; online là 9,2%/năm.
VIB cũng đang có mức lãi suất tiết kiệm cao nhất là 9,8%/năm dành cho khoản tiền gửi mới từ 5 tỷ trở lên đối với hình thức iDepo. Với tiền gửi phổ thông tại quầy, nhà băng này đang niêm yết mức lãi suất cao nhất là 7,6%/năm dành cho tiền gửi từ 12-36 tháng.
Tiếp theo là SCB với mức lãi suất cao nhất đang được niêm yết là 9,7%/năm. Bên cạnh đó, nhà băng này cũng đang áp dụng các chính sách ưu đãi như cộng lãi suất tặng thêm quà nhằm thu hút khách gửi tiền.
Trong khi Kienlongbank áp dụng lãi suất 9,6%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 15 tháng theo hình thức tiết kiệm trực tuyến.
Với lãi suất 9,5%/năm OceanBank là nhà băng kế tiếp trong danh sách các ngân hàng có lãi suất cao nhất hiện nay. Theo thông tin từ phía ngân hàng, mức lãi suất này được áp dụng cho các khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy, kỳ hạn từ 18-36 tháng.
Tương tự, SeABank, NCB, BaoVietBank, ABBank cũng đều có lãi suất cao nhất vượt 9%.
Cuộc đua lãi suất tiền gửi giữa các ngân hàng tiếp tục nóng trong bối cảnh thanh khoản hệ thống vẫn chịu nhiều áp lực khi tăng trưởng huy động thấp hơn nhiều so với cho vay.
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 10/2022, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt 11,5% so với cuối năm 2021. Với tốc độ tăng trưởng như trên, tín dụng đã tăng trên 17% so với cùng kỳ năm ngoái và cũng là mức cao so với cùng kỳ nhiều năm trước đây. Trong khi đó, trong cùng khoảng thời gian trên, huy động vốn mới chỉ tăng khoảng 4,6% so với đầu năm, tức là chỉ bằng 1/3 so với tốc độ tăng trưởng của tín dụng. Điều này đặt ra thách thức đối với hệ thống ngân hàng trong việc điều tiết hệ số sử dụng vốn.
Giới phân tích dự báo, lãi suất sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong những tháng cuối năm do áp lực tỷ giá và lạm phát đi cùng yếu tố mùa vụ.
Nhịp sống Thị trường