VPBank đặt tham vọng lãi ròng 8.500 tỷ đồng trong năm tới, ngang với Vietcombank
Một nguồn tin từ VPBank cho biết, nhà băng này đang hoàn tất các tài liệu cuối cùng chuẩn bị cho việc công bố thông tin liên quan đến việc niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE.
- 04-08-2017VCSC: VPBank có thể niêm yết ở mức giá 40.000 đồng/cổ phiếu
- 28-07-2017Fe Credit đã hết thời “gà đẻ trứng vàng” cho VPBank?
- 27-07-2017Sau khi lên sàn, VPBank sẽ xuất hiện hàng loạt tỷ phú có tài sản nghìn tỷ
- 27-07-2017Lãnh đạo VPBank và người nhà đăng ký mua hơn 145 triệu cổ phiếu
Cùng với đó, kế hoạch kinh doanh được lãnh đạo ngân hàng đặt ra cho thời điểm sau niêm yết khá tham vọng.
Cụ thể, VPBank tính toán năm 2017 ngân hàng mẹ sẽ lãi ròng 2.384 tỷ đồng, tăng 17,9% so với năm 2016 (chưa bao gồm phần lợi nhuận hạch toán từ công ty con chuyển về). Còn ngân hàng hợp nhất năm 2017 dự kiến lãi ròng 5.754 tỷ đồng. Như vậy có thể thấy VPBank đang đặt kỳ vọng vào Fe Credit khá lớn, với lợi nhuận tương đương ngân hàng mẹ.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận của VPBank mới đạt 2.600 tỷ đồng, tương đương khoảng 40% kế hoạch của cả năm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng đang kỳ vọng lớn ở 6 tháng còn lại.
Năm 2018, VPBank lên kế hoạch lãi ròng hợp nhất tới 8.500 tỷ đồng, tăng xấp xỉ gấp rưỡi so với năm 2017. Trong đó ngân hàng mẹ dự kiến đạt hơn 4.000 tỷ và phần còn lại là của "con gà đẻ trứng vàng" Fe Credit. Tỷ lệ cổ tức dự kiến trả cho cổ đông là 15%.
Dư nợ tín dụng của VPBank năm 2018 dự kiến tăng 26,4% so với năm nay với dư nợ hơn 230 nghìn tỷ đồng, mức tăng tuyệt đối khoảng 50.000 tỷ.
Các kế hoạch trên cũng cho thấy, có thể trong năm nay và năm tới, VPBank vẫn chưa vội vàng bán đi con gà đẻ trứng vàng là công ty tài chính như từng "úp mở" trước đó.
Nếu VPBank đạt kết quả như kế hoạch đặt ra thì ngân hàng này sẽ có lợi nhuận ngang ngửa với Vietcombank và có thể còn ‘trên cơ” BIDV cũng như VietinBank.
Lưu ý rằng, xét về vốn chủ sở hữu và tổng tài sản thì VPBank "chưa có tuổi" để so với 3 ông lớn ngân hàng do Nhà nước nắm quyền chi phối. Tại thời điểm cuối quý 2 năm nay, BIDV và VietinBank đều có tổng tài sản vượt 1 triệu tỷ đồng trong khi Vietcombank cũng đạt gần 850 nghìn tỷ thì VPBank mới chưa nổi 250 nghìn tỷ. Về vốn chủ sở hữu, VPBank chỉ đạt hơn 19.500 tỷ trong khi của Vietcombank là hơn 50.800 tỷ, của BIDV là hơn 44 nghìn tỷ và VietinBank hơn 58 nghìn tỷ.
Một ngân hàng có vốn chỉ bằng chưa đến một nửa còn tổng tài sản chỉ bằng 1/4 những ngân hàng kia nhưng có thể cho lợi nhuận tương đương chứng tỏ hiệu quả của VPBank là một hiện tượng của ngành. Theo số liệu từ báo cáo kiểm toán của 11 ngân hàng đang niêm yết trên sàn chứng khoán, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE) của VPBank trong năm 2016 đạt 25,7%, cao nhất trong số các NH so sánh. 3 "ông lớn" TMCP Nhà nước là BIDV, Vietinbank, Vietcombank đạt tỷ lệ này lần lượt là 14,2%, 11,8%, 14,7%, "kém" xa so với VPBank.
VPBank dự định niêm yết trên sàn chứng khoán HoSE trong năm nay, mà theo nguồn tin của chúng tôi thì rất có thể là cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 này. Mới đây, công ty chứng khoán Bản Việt đưa ra dự đoán VPBank sẽ niêm yết ở mức giá 40.000 đồng/cổ phiếu chào sàn phiên đầu tiên. Trên sàn OTC hiện nay giá cổ phiếu ngân hàng này quanh vùng 35.000 đồng và trước đó khi chưa bị pha loãng bởi việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu thì giá cổ phiếu lên đến 49.000 đồng.
Trí Thức Trẻ