MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ án tại DongABank giai đoạn 2: Không còn khả năng thu hồi hơn 1.690 tỷ đồng từ nhóm Đồng Tiến

06-03-2020 - 08:07 AM | Tài chính - ngân hàng

Lãnh đạo, nhân viên DAB đã cho vay tín chấp không đúng đối tượng dẫn đến các khoản vay đến nay đã quá hạn, không còn khả năng thu hồi được.

Như BizLIVE đề cập, cáo trạng vụ án DongABank giai đoạn 2 truy tố ông Trần Phương Bình , nguyên là Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank - DAB) và 11 bị can thực hiện hành vi gây thiệt hại cho DAB hơn 8.827 tỷ đồng.

Trong đó hành vi Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, cho 4 nhóm khách hàng (gồm M&C, Đồng Tiến, Hiệp Phú Gia, Tân Vạn Hưng) gây thiệt số tiền hơn 8.751 tỷ đồng; hành vi Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt số tiền hơn 75 tỷ đồng.

Ở các bài trước đã đề cập sai phạm cho vay với nhóm M&C, bài này xin nêu hành vi của ông Trần Phương Bình và đồng phạm Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng liên quan đến nhóm khách hàng Đồng Tiến (gồm Công ty TNHH Thép Đồng Tiến và Công ty TNHH Tư vấn đầu tư TBTP).

Công ty TNHH Thép Đồng Tiến (sau đổi tên là Công ty TNHH Đồng Tiến Việt Nhật Osaka) được thành lập từ tháng 4/2007. Ngành nghề kinh doanh: sản xuất sắt, thép, gang; luyện phôi thép, thép xây dựng; sản xuất, mua bán tôn tráng kẽm, tôn mạ màu. Người đại diện pháp luật là ông Trần Quang Khải, Giám đốc.

Công ty TNHH Tư vấn đầu tư TBTP thành lập tháng 4/2011. Công ty kinh doanh bán buôn phế liệu, phế thải kim loại, phi kim loại, bán buôn sắt thép. Người đại diện pháp luật là ông Bùi Văn Dội, Giám đốc. Thực tế công ty này là của ông Trần Quang Khải với tỷ lệ nắm 99,9% cổ phần.

Từ năm 2008 đến năm 2015, Công ty Đồng Tiến và Công ty TBTP đã ký tổng cộng 329 hợp đồng tín dụng để vay DAB tổng số tiền hơn 4.375 tỷ đồng. Đến ngày 24/12/2018 (thời điểm khởi tố vụ án), 58 hồ sơ vay của 2 công ty còn dư nợ hơn 1.690 tỷ đồng  gồm gốc và lãi.

Cụ thể, từ ngày 25/5/2013 đến 13/9/2013, các công ty thuộc nhóm khách hàng Đồng Tiến ký 10 hợp đồng vay tín chấp tại DAB Sở giao dịch không có tài sản bảo đảm, mục đích vay để thanh toán LC và bổ sung vốn lưu động (7 hợp đồng của Công ty Đồng Tiến và 3 hợp đồng của Công ty TBTP), giải ngân cho vay số tiền 265 tỷ đồng. Tính đến ngày 24/12/2018, 10 hợp đồng cho vay tín chấp còn dư nợ gần 400 tỷ đồng gồm gốc và lãi.

Từ ngày 26/9/2013 đến 21/7/2015, DAB Sở giao dịch và các công ty thuộc nhóm khách hàng Đồng Tiến ký 21 hợp đồng (3 hợp đồng của Công ty Đồng Tiến và 18 hợp đồng của Công ty TBTP) số tiền giải ngân cho vay 334 tỷ đồng, mục đích vay để thanh toán LC và bổ sung vốn lưu động; hình thức đảm bảo tiền vay là thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai là sắt thép phế liệu. Tính đến ngày 24/12/2018, 21 hợp đồng còn dư nợ với tổng số hơn 483 tỷ đồng gồm gốc và lãi.

Từ ngày 29/6/2012 đến 7/4/2015, DAB Sở giao dịch và Công ty Đồng Tiến ký 27 hợp đồng tín dụng, giải ngân cho vay số tiền 556 tỷ đồng, mục đích vay để đầu tư máy móc thiết bị, thanh toán LC, bổ sung vốn lưu động. Hình thức đảm bảo tiền vay là thế chấp bằng 18 nhóm tài sản gồm 16 bất động sản tại TP.HCM và quyền sử dụng đất, nhà máy thép, máy móc thiết bị, phương tiện vận chuyển tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tính đến ngày 24/12/2018, 27 hợp đồng còn dư nợ với tổng số hơn 812 tỷ đồng gồm gốc và lãi.

Kết quả điều tra xác định: Quá trình cấp tín dụng cho các công ty thuộc nhóm khách hàng Đồng Tiến, khi cho vay lãnh đạo, nhân viên DAB đã có những sai phạm trong việc thẩm định, xét duyệt hồ sơ cấp tín dụng, như cho vay tín chấp không đúng đối tượng cho vay dẫn đến các khoản vay đến nay đã quá hạn thanh toán, không còn khả năng thu hồi được nợ vay, các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, không có tài sản bảo đảm để xử lý nợ vay, gây thất thoát, thiệt hại tài sản cho DAB. Trong đó, kết quả điều tra xác định có 10 khoản vay tín chấp, cho vay sai đối tượng, không có tài sản đảm bảo tiền vay.

Theo Huyền Trâm

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên