MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ Asanzo là làm giả nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm?

25-06-2019 - 12:41 PM | Thị trường

Việc thiếu quy định cụ thể về hàng hóa Made in Vietnam có thể gây tổn hại đến uy tín quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam tham gia CPTPP.

Theo Nghị định 31/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa là căn cứ để xác định “hàng hóa có xuất xứ Việt Nam”, được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa của Việt Nam nhằm hưởng ưu đãi thuế quan hoặc phi thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường mà Việt Nam có cam kết quốc tế.

Trong trường hợp sản phẩm có xuất xứ không thuần túy, sản phẩm được coi là “Made in Vietnam” khi phần trăm nguyên liệu không có xuất xứ từ Việt Nam chiếm 30% hàng hóa được sản xuất ra.Khái niệm “hàng hóa Việt Nam” hay hàng “Made in Vietnam” có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau như: Hàng hóa có xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết hội nhập kinh tế quốc tế hoặc; Hàng hóa có công đoạn sản xuất tại Việt Nam hoặc; Hàng hóa có thương hiệu của Việt Nam.

Theo ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, quy định phần trăm nguyên liệu để coi là sản phẩm Made in Vietnam hiện nay chưa rõ ràng.

“Khái niệm phần trăm ở đây rất mù mờ. Là phần trăm trọng lượng, phần trăm số lượng hay phần trăm cái gì? Ví như một con chip rất nhỏ bé trong cả kết cấu sản phẩm, tuy nhiên nó lại đóng vai trò quyết định giá trị của cả sản phẩm.”, ông Lâm nêu ý kiến.

Vụ Asanzo là làm giả nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm? - Ảnh 1.

Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.

“Đó là dấu hiệu của việc che đậy, làm giả nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm”, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ khẳng định.

“Hiện có rất nhiều sản phẩm cũng như thiết bị công nghệ tương tự đang được gia công, lắp ráp tại Việt Nam như ngành sản xuất ô tô. Chúng ta nói không có nội địa hóa là do không có thiết bị gì ở trong nước mà chỉ được lắp ráp tại Việt Nam nên nó được gắn mác lắp ráp tại Việt Nam hay Assembled in Vietnam”, ông Lâm cho hay.

Theo ông Lâm, việc xác định rõ ràng sản phẩm lắp ráp tại Việt Nam (Assembled in Vietnam) hay sản xuất tại Việt Nam (Made in Vietnam) đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay khi chúng ta đã tham gia vào CPTPP cũng như hàng loạt các FTA thế hệ mới.

Nếu làm không đúng, Việt Nam sẽ bị đánh giá là để cho các doanh nghiệp lạm dụng nguồn gốc của quốc gia trong khi nguồn gốc Việt Nam đang được hưởng ưu đãi thuế trong nội khối CPTPP.

Khi thị trường Việt Nam bị đánh giá là “có vấn đề” thì bất cứ một lô hàng nào xuất đi sẽ đều bị kiểm soát hay đi vào luồng đỏ. Điều này không chỉ tổn hại đến doanh nghiệp mà còn tổn hại đến uy tín quốc gia.

“Vấn đề thực chất là thuế. Doanh nghiệp chỉ đơn giản nghĩ “ngắn” là trốn thuế được, lợi nhuận càng cao càng tốt mà không nghĩ đến hậu quả cực lớn đối với cả một ngành công nghiệp điện tử gia dụng, các doanh nghiệp sản xuất thiết bị, công nghệ Việt và cả uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”, ông Lê Ngọc Lâm nhấn mạnh.

“Ngoài ra, khi bị phát hiện gian dối về xuất xứ sản phẩm, quốc gia nhập khẩu có thể truy thu ngược lại các ưu đãi thuế, thậm chí phạt theo quy định quốc tế. Kết cục là vừa mất tiền, vừa mất uy tín và ảnh hưởng đến cả ngành hàng, quốc gia”, ông Lâm cho biết thêm.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc phân công lao động ngày càng trở nên chuyên biệt. Mỗi quốc gia, doanh nghiệp sẽ mạnh một phần, do đó để sản xuất ra một sản phẩm phải nhập nguyên liệu từ nhiều nhà sản xuất khác nhau, tuy nhiên việc này cần minh bạch, rõ ràng với người tiêu dùng. Việc nhập nhèm nguồn gốc, xuất xứ là không thể chấp nhận.

Giới chuyên gia trong nước và nước ngoài đã cảnh báo Việt Nam có thể trung chuyển của hàng nước ngoài “đội lốt” hàng Việt Nam xuất đi các nước. Nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang căng thẳng như hiện nay, việc hàng loạt các ngành sản xuất tăng mạnh về số lượng cũng như giá trị xuất khẩu chưa hẳn đáng vui mừng./. 

Theo Vân Anh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên