MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

WB khuyến cáo Việt Nam cần cải cách ngân hàng quyết liệt hơn nữa

05-10-2016 - 14:15 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo WB, Việt Nam cần tái cơ cấu, cải cách tài khoá và ngân hàng quyết liệt hơn mới khắc phục được yếu kém vĩ mô và tăng cường tăng trưởng trung hạn.

Việt Nam sẽ tăng trưởng trở lại mức 6,3% năm 2017

Sáng 5/10, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam công bố báo cáo cập nhật Kinh tế Đông Á – Thái Bình Dương, trong đó đánh giá: Trong khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại Việt Nam vẫn chứng tỏ khả năng chống chịu của mình. Trong 3 quý đầu năm 2016 tăng trưởng kinh tế giảm nhẹ do nông nghiệp bị hạn hán nặng nề và tăng trưởng công nghiệp sụt giảm. Nhưng ổn định kinh tế vĩ mô vẫn được duy trì và sức ép lạm phát không đáng kể.

WB còn đánh giá tỉ lệ giảm nghèo của Việt Nam vẫn tiếp tục giảm xuống nhưng sản xuất nông nghiệp sụt giảm đã đem lại một số rủi ro trong ngắn hạn. Sinh kế các hộ gia đình dựa vào nông nghiệp đặc biệt bị ảnh hưởng. Viễn cảnh trung hạn vẫn tích cực, nhưng cần phải thực hiện tái cơ cấu, cải cách tài khoá và cải cách ngân hàng quyết liệt hơn nữa thì mới có thể khắc phục được các yếu kém vĩ mô và tăng cường tăng trưởng trong trung hạn.

Về chỉ số tăng trưởng, WB cho biết, tăng trưởng của Việt Nam sẽ bị suy giảm trong năm nay do bị hạn nặng nhưng sẽ tăng trở lại mức 6,3% năm 2017. Trong khi đó, Philippines được đánh giá có viễn cảnh sáng sủa nhất, tăng trưởng dự kiến sẽ tăng lên mức 6,4% trong năm nay.

“Dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay khoảng 6% là dựa vào số liệu cập nhật đến tháng 7/2016, nhưng chất lượng tăng trưởng mới là quan trọng thay vì chỉ chú trọng vào con số và đưa ra các biện pháp kích thích ngắn hạn. Chúng tôi không nhìn vào biến động GDP mà còn nhìn vào sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa chủ yếu vào đầu tư và con người. Triển vọng trung hạn của Việt Nam trong 10-20 năm nữa là vẫn tốt.”- Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của WB.

Còn Indonesia thì tốc độ tăng trưởng sẽ tăng dần từ 4,5% năm 2015 lên 5,5% năm 2018 nhờ tăng đầu tư công và thành công trong quá trình cải thiện môi trường đầu tư và tăng thu nhập. Nhưng Malaysia sẽ giảm mức tăng trưởng xuống còn 4,2% trong năm 2016 từ mức 5,0% năm ngoái do mức cầu về dầu lửa và hàng chế tạo giảm trên qui mô toàn cầu.

Trung Quốc sẽ tiếp tục quá trình chuyển đổi dần sang mô hình tăng trưởng chậm hơn nhưng bền vững hơn, từ 6,7% năm nay xuống còn 6,5% năm 2017 và 6,3% năm 2018. Các nước khác trong khu vực dự kiến sẽ duy trì tăng trưởng ổn định ở mức 4,8% năm nay, 5,0% năm 2017 và 5,1% năm 2018.

Nhìn chung, WB cho rằng, tăng trưởng của các nước đang phát triển khu vực Đông Á Thái Bình Dương dự kiến vẫn duy trì tốt trong 3 năm tới. Các nước đang phát triển trong khu vực sẽ đạt mức tăng trưởng 5,8% năm 2016 và 5,7% giai đoạn 2017-2018. Nhưng các nước vẫn đối mặt với rủi ro tăng trưởng đáng kể và cần phải thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu yếu kém về tài chính và tài khoá.

WB khuyến nghị các nước tập trung giải quyết các tồn tại nhằm duy trì tăng trưởng bền vững và hòa nhập trong trung hạn, ví dụ giảm yếu kém hạ tầng, giảm tình trạng suy dinh dưỡng và thúc đẩy hòa nhập tài chính.

Nhiều rủi ro…

Theo bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á Thái Bình Dương, viễn cảnh tăng trưởng các nước đang phát triển khu vực Đông Á Thái Bình Dương vẫn tích cực mặc dù tăng trưởng toàn cầu suy giảm nhưng được bù lại bởi tiêu dùng và đầu tư trong nước tăng mạnh. Thách thức dài hạn là làm sao duy trì được tăng trưởng, làm cho nó trở nên thiết thực với nhiều người hơn, ví dụ thông qua thu hẹp khoảng cách về thu nhập và tiếp cận dịch vụ công, nhất là tại Trung Quốc; cải thiện cơ sở hạ tầng tại các nước khác trong khu vực; giảm bớt tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em triền miên; và tận dụng công nghệ để thúc đẩy hòa nhập tài chính.

WB dự đoán cầu nội địa trong toàn khu vực vẫn mạnh. Giá nguyên vật liệu vẫn duy trì ở mức thấp sẽ có lợi cho các nước nhập khẩu và giúp lạm phát kiềm chế ở mức thấp tại hầu hết các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, ông Sudhir Shetty, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Khu vực Đông Á Thái Bình Dương của WB cho rằng, dù viễn cảnh khả quan nhưng các nước trong khu vực vẫn phải đối mặt với các rủi ro đáng kể. Thắt chặt đột ngột thị trường tài chính toàn cầu, tăng trưởng thế giới tiếp tục suy giảm, hoặc tăng trưởng Trung Quốc giảm tốc nhanh hơn dự đoán sẽ đều đặt các nước trong khu vực trước thử thách. Những yếu tố bất định này càng làm cho các nhà hoạch định chính sách phải quan tâm hơn đến thu hẹp tình trạng mất cân đối tài chính và tài khoá đã tích tụ một số năm qua.

Theo Xuân Thân

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên