WHO cảnh báo lỗ hổng chết người của tham vọng "miễn dịch cộng đồng": Không phải cứ khỏi COVID-19 là xong!
Chuyên gia WHO cho rằng "ngồi đợi" miễn dịch cộng đồng thông qua hình thức cho phép virus tiếp tục lây lan - như một số nhóm phản đối giãn cách xã hội đề xuất - là điều nguy hiểm.
- 30-07-2020Covid-19: Kỷ lục về số ca tử vong ở Mỹ, WHO cảnh báo "miễn dịch cộng đồng"
- 30-07-2020Bất chấp dịch Covid-19, Thái Lan vẫn kiếm được tiền nhờ chương trình du lịch y tế nhắm tới giới siêu giàu Trung Quốc
- 29-07-2020Bill Gates nhắn nhủ Elon Musk không phát ngôn linh tinh về Covid-19
Miễn dịch cộng đồng
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 29/7 đã khuyên các quan chức y tế trên khắp thế giới ngừng theo đuổi chiến lược miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19 thông qua việc cho virus lây lan nhanh chóng trên khắp các khu vực.
Theo các chuyên gia dịch tễ, miễn dịch cộng đồng là điều cần thiết để kiểm soát virus. Trạng thái này thông thường sẽ đạt được một khi có đủ số lượng người dân đã được tiêm vaccine hoặc khỏi bệnh và có kháng thể để đối phó với những đợt lây nhiễm mới. Khi này, virus sẽ không có đủ vật chủ để tiếp tục lây lan.
Ảnh: Sean Gardner | Getty Images
Hầu hết các nhà khoa học cho rằng từ 60% tới 80% dân số trong một cộng đồng cần phải được tiêm vaccine hoặc có đủ kháng thể tự nhiên để đạt được miễn dịch cộng đồng.
Mike Ryan, giám đốc điều hành của chương trình y tế khẩn cấp tại WHO, nói: "Cho dù con số là bao nhiêu đi chăng nữa, thì chúng ta cũng còn lâu mới đạt được mức đó, tức là virus corona sẽ gây ra thiệt hại khủng khiếp đối với con người trước khi chúng ta có được miễn dịch cộng đồng".
Ông Ryan nói thêm, việc "ngồi đợi" miễn dịch cộng đồng thông qua hình thức cho phép virus tiếp tục lây lan - như một số nhóm phản đối giãn cách xã hội đề xuất - là điều nguy hiểm.
"Ý tưởng này đi ngược lại cách kiểm soát dịch thông thường. Ví dụ nếu chúng ta cho virus lây tới 70% số người dân, các bệnh viện sẽ quá tải. Nhiều người sẽ tử vong," ông nói.
Thậm chí kể cả khi người bệnh không tử vong do COVID-19, thì vẫn có những vấn đề lâu dài. "Bất kì bệnh nhân nào từng qua cơn nguy kịch do COVID-19 đều nhận sự tàn phá lớn tới sức khỏe. Căn bệnh gây ra tổn thương tới nhiều nội tạng, hệ tuần hoàn và hệ thần kinh. Chúng ta có thể đoán rằng những người bị bệnh nhẹ hơn cũng sẽ chịu tổn thương nhẹ hơn tới sức khỏe," ông Ryan nhận định.
Theo quan sát, những người trẻ tuổi được xuất viện sau khi khỏi COVID-19 lại có những di chứng khoảng 10 tới 15 tuần sau đó.
"Họ không chạy nổi, không thể tập thể dục, bị khó thở và ho liên tục. Ai muốn như vậy chứ?"
Quá trình chống dịch gian nan
Các chuyên gia bệnh truyền nhiễm và bác sĩ cho biết virus corona gây ra hàng loạt các triệu chứng khác nhau. Một số người có thể không có triệu chứng, những người khác có một số triệu chứng nhẹ trong khi có những người nguy kịch tới mức phải nhập viện và chăm sóc tích cực.
"Chúng ta hiểu rằng COVID có thể gây chết người nhưng nó cũng có thể để lại hậu quả lâu dài cho sức khỏe. Vì vậy, chúng ta phải giải quyết căn bệnh thật nghiêm túc.
Chúng ta phải tự bảo vệ bản thân và bảo vệ người khác. Có thể chúng ta có quyền tự gây hại cho bản thân nhưng không ai có quyền gây hại cho người khác".
Tính tới nay, hơn 16 triệu người trên thế giới đã nhiễm bệnh, khiến ít nhất 660.000 người tử vong. Tuần trước, tiến sĩ Anthony Fauci - chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ - nói virus corona sẽ có khả năng không bao giờ biến mất.
Tuy nhiên, các lãnh đạo thế giới và chuyên gia y tế có thể cố gắng để duy trì sự lây nhiễm của virus corona xuống "mức thấp".
"Tôi nghĩ nếu kết hợp các biện pháp y tế hiệu quả, miễn dịch cộng đồng ở quy mô toàn cầu và vaccine tốt, chúng ta có thể kiểm soát COVID-19, có thể là trong năm nay hoặc năm sau, tôi không dám chắc. Nhưng tôi thực sự không thấy viễn cảnh COVID-19 sẽ biến mất," ông Fauci nói.
Tổ quốc