Xây dựng Đề án chuyển đổi số quốc gia để đưa Việt Nam bắt kịp cách mạng 4.0
Phát biểu tại Ngày CNTT Nhật Bản 2018, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cho biết, Bộ TT&TT đang xây dựng Đề án chuyển đổi số quốc gia, sẽ trình phê duyệt và thực hiện trong thời gian tới để Việt Nam bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Sáng nay, ngày 29/8, tại Hà Nội sự kiện Ngày CNTT Nhật Bản 2018 (Japan ICT Day) lần thứ 12 đã chính thức được khai mạc.
Là hoạt động thường niên do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) và Câu lạc bộ Hợp tác CNTT Việt Nam – Nhật Bản (VJC) phối hợp tổ chức, Japan ICT Day 2018 chủ đề “Hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” diễn ra trong 4 ngày từ 28 – 31/8/2018 tại Hà Nội và Đà Nẵng. Đây là một trong chuỗi các sự kiện chính thức kỷ niệm 45 năm quan hệ hợp tác ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973 - 2018).
Cũng trong phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng nhận định, trong lĩnh vực TT&TT, mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đã liên tục được thúc đẩy cả ở cấp độ cơ quan quản lý cũng như cấp độ doanh nghiệp với vai trò cầu nối tích cực của các Hội/Hiệp hội CNTT hai quốc gia.
Theo Thứ trưởng, Bộ TT&TT Việt Nam và Bộ Nội vụ & Truyền thông Nhật Bản đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác toàn diện, trong đó có thể kể đến các thỏa thuận hợp tác về quản lý tần số vô tuyến điện, an toàn thông tin, bưu chính và đào tạo nguồn nhân lực CNTT-TT. Đồng thời, hai bên cũng đang đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp điện tử trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Năm 2017, nhóm công tác chung về CNTT đã được hai Bộ trưởng thành lập nhằm triển khai các nội dung đã được thống nhất trên tinh thần hợp tác, phát triển, đôi bên cùng có lợi.
Trong lĩnh vực phần mềm, hiện nay Nhật Bản vẫn là thị trường lớn của các doanh nghiệp Việt Nam. Hầu hết các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đều có doanh thu tăng mạnh khi tham gia vào các hoạt động gia công, xuất khẩu phần mềm sang thị trường Nhật Bản. Việt Nam đã đứng trong nhóm 10 nước hấp dẫn nhất về gia công phần mềm; doanh thu xuất khẩu phần mềm tăng trung bình 15%/năm; trong đó xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản chiếm tỉ trọng lớn.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng nhận định, sự kiện Ngày CNTT Nhật Bản 2018 là cơ hội tốt để cộng đồng CNTT của Việt Nam và Nhật Bản trao đổi, thảo luận về phương thức phối hợp trong tình hình mới (Ảnh: Minh Quyết) |
Đánh giá cao việc VINASA và VJC phối hợp tổ chức Ngày CNTT Nhật Bản 2018 với chủ đề "Thực tiễn hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản trong các dự án công mới", Thứ trưởng cho rằng đây là cơ hội tốt để cộng đồng CNTT hai quốc gia trao đổi, thảo luận về phương thức phối hợp trong tình hình mới. Nhấn mạnh Nhật Bản là một quốc gia đi đầu với nhiều thành tựu to lớn trong phát triển, ứng dụng CNTT trên mọi lĩnh vực, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới Việt Nam và Nhật Bản tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ biên bản ghi nhớ đã được thống nhất giữa 2 Bộ; hiện thực hóa các hoạt động của nhóm công tác chung, tập trung vào các nội dung xây dựng chính phủ điện tử, thành phố thông minh, bảo đảm an toàn thông tin...; tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư CNTT-TT để mở ra nhiều hơn nữa các cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản. Thứ trưởng mong rằng các doanh nghiệp CNTT sẽ tham gia và đồng hành cùng Chính phủ, Bộ TT&TT trong việc xây dựng thành công Chính phủ điện tử tại Việt Nam. "Mới đây, Chính phủ đã ban hành Quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn Ủy ban quốc gia về ứng dụng CNTT do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Phó Chủ tịch Ủy ban và nhiều Bộ trưởng các Bộ là Ủy viên Ủy ban quan trọng này. Bộ TT&TT cũng đang xây dựng đề án chuyển đổi số quốc gia, sẽ trình phê duyệt và thực hiện trong thời gian tới để Việt Nam bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra trên thế giới", Thứ trưởng cho hay. Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cũng chia sẻ thêm, quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel, cũng đang tập trung chỉ đạo Bộ TT&TT phát triển mạnh mẽ lĩnh vực công nghiệp CNTT, trong đó có cả công nghiệp phần mềm - lĩnh vực Việt Nam có rất nhiều tiềm năng nhưng chưa khai thác, tận dụng được hết trong thời gian qua. Trong thông tin chia sẻ tại phiên khai mạc Japan Day 2018, đại diện VINASA cho hay, trong hơn 1 năm trở lại đây, hợp tác giữa các doanh nghiệp CNTT Việt Nam và Nhật Bản có sự chuyển dịch mạnh mẽ: từ những công việc ủy thác phát triển những dịch vụ CNTT đơn thuần, rất nhiều các dự án nghiên cứu và phát triển trên những nền tảng công nghệ mới như Big Data, VR, Robot, IoT, Blockchain và đặc biệt là Trí tuệ nhân tạo đang được doanh nghiệp hai nước hợp tác triển khai. Những sản phẩm này được triển khai rộng rãi tới thị trường Nhật Bản từ nhà hàng, siêu thị tới các lĩnh vực phức tạp hơn như y tế, giao thông, công nghiệp, giải trí... Theo kế hoạch của Ban tổ chức, trong 3 ngày diễn ra sự kiện, với các hoạt động gồm hội thảo, tọa đàm, giao thương hợp tác, hội thảo hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản tại Đà Nẵng, thăm các doanh nghiệp tại Đà Nẵng..., sự kiện Ngày CNTT Nhật Bản 2018 cung cấp tới các đại biểu những thông tin cập nhật về: "thực trạng hợp tác CNTT Việt Nam – Nhật Bản"; "Tổng quan ngành CNTT Nhật Bản"; "Quốc gia số: Các cơ hội và bài học kinh nghiệm từ và cho Nhật Bản và Việt Nam"; hay "Dự án thành phố thông minh tại Hà Nội"... cùng những kinh nghiệm hợp tác được chia sẻ từ đại diện các doanh nghiệp uy tín như FPT, Luvina, Harvey Nash, JAMS… |
ICTnews