MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu cá ngừ sang EU vẫn gặp khó

19-10-2019 - 07:45 AM | Thị trường

Xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam sang các nước EU từ đầu năm 2019 đến nay phần lớn đều giảm so với cùng kỳ.

Theo Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhập khẩu cá ngừ đóng hộp của các nước EU từ Việt Nam 9 tháng năm 2019 giảm gần 12% so với cùng kỳ năm 2018. Gần một năm xuất khẩu cá ngừ hộp sang EU không khả quan.

Trong số tất cả các nước thành viên EU, Đức tiếp tục là nước nhập khẩu chính cá ngừ đóng hộp của Việt Nam trong khối, với tỷ trọng chiếm 34% tổng xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam sang EU. Nhu cầu đối với cá ngừ đóng hộp của người Đức không cao, thể hiện ở sự sụt giảm trong nhập khẩu cá ngừ đóng hộp của nước này, nhập khẩu cá ngừ đóng hộp của nước này năm 2019 giảm 25% so với cùng kỳ năm 2018. Hiện xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam sang Đức cũng đang giảm.

Hầu hết các sản phẩm cá ngừ đóng hộp nhập khẩu vào Đức năm nay đến từ Philippines thay vì từ Ecuador như năm ngoái. Việt Nam hiện đang là nguồn cung cá ngừ đóng hộp lớn thứ 4 cho thị trường này.

Trái với xu hướng xuất khẩu sang Đức, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam sang Hà Lan tăng mạnh, tăng 74% so với cùng kỳ năm 2018. Hà Lan, nước không có ngành sản xuất cá ngừ nhưng lại là một quốc gia trung chuyển lớn, đang rất hút hàng của Việt Nam. Hiện tại nhập khẩu cá ngừ đóng hộp của Hà Lan cũng đang có xu hướng tăng trưởng, giá trị nhập khẩu cá ngừ đóng hộp của nước này đang tăng 5% so với cùng kỳ năm 2018. Ecuador đang là nguồn cung chính cá ngừ đóng hộp cho thị trường này.

Cùng với Hà Lan, Hy Lạp cũng đang tăng cường nhập khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam. Xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam đang tăng trưởng ấn tượng, tăng 128% so với cùng kỳ năm 2018. Mặc dù là một nước có nền sản xuất cá ngừ, nhưng quy mô sản xuất trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, nên Hy Lạp đang phải tăng cường nhập khẩu từ các nước. Thái Lan đang là nguồn cung cá ngừ lớn nhất ngoài khối EU cho thị trường này, tiếp đến là Philippines và Việt Nam.

Ngoài Hy Lạp, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam sang Phần Lan trong 8 tháng đầu năm nay rất đáng chú ý. Giá trị xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam sang thị trường này tăng trưởng ở mức 4 con số, tăng gần 1873%, đưa nước này từ vị trí thứ 16 lên vị trí thứ 6, đạt hơn 1,4 triệu USD.

Là doanh nghiệp chuyên XK cá ngừ, bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Bình Định (Bidifisco) cho biết, EU là thị trường xuất khẩu chính, chiếm từ 60-70% kim ngạch xuất khẩu hải sản, trong đó chủ yếu là cá ngừ của Bidifisco, nhưng từ khi hải sản Việt Nam bị cảnh báo thẻ vàng IUU, việc xuất khẩu vào EU cực kỳ khó khăn.

Theo bà Lan, nếu như trước đây hải sản xuất vào EU được thông quan tự động thì nay bị chặn lại từ cảng để kiểm tra nguồn gốc khai thác khiến thời gian thông quan kéo dài lên 10 -15 ngày. Điều này không chỉ phát sinh chi phí lưu cảng, chi phí kiểm tra mà còn ảnh hưởng đến thời gian nhận hàng, kế hoạch kinh doanh của nhà nhập khẩu. Sau 2 năm, tỷ trọng xuất khẩu hải sản vào EU của Bidifisco chỉ còn 40% tổng giá trị xuất khẩu, đạt khoảng 30 triệu USD/năm. Với sự sụt giảm này, hiện doanh nghiệp phải tìm kiếm thị trường thay thế và tăng chế biến để giải quyết đầu ra.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP, thẻ vảng EU đã ảnh hưởng đến xuất khẩu hải sản của Việt Nam, trong đó có mặt hàng cá ngừ. EU từ vị trí là thị trường xuất khẩu hải sản lớn thứ 2 của Việt Nam đã tụt xuống vị trí thứ 5, tỷ trọng của thị trường EU cũng sụt giảm từ 18% xuống còn 13%.

Cùng với việc nỗ lực gỡ thẻ vàng, Hiệp hội cá ngừ Việt Nam cho rằng, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) kỳ vọng sẽ mở cửa cho cá ngừ Việt Nam xuất khẩu vào EU.

Theo Hiệp hội cá ngừ Việt Nam, từ tháng 1/2014, các sản phẩm cá ngừ có mức thuế là 20,5%, điều này đã làm giảm đáng kể lượng bán hàng tại thị trường EU.

Tuy nhiên, khi hiệp định EVFTA được phê chuẩn bởi hội đồng EU và Quốc hội Việt Nam sẽ đưa ra một lịch trình cắt giảm thuế quan và gia tăng khả năng thâm nhập các sản phẩm thuỷ sản vào các thị trường EU. Qua đó, sẽ thu hẹp lại những lợi thế cạnh tranh từ các đối thủ trực tiếp khi xuất khẩu sản phẩm cá ngừ sang thị trường EU.

Hiệp hội Cá Ngừ Việt Nam rất mong các doanh nghiệp sẽ có sự chuẩn bị kĩ lưỡng, đưa ra các kế hoạch hành động để tận dụng được những ưu đãi và lợi thế từ hiệp định này để mở rộng XK hải sản, trong đó có cá ngừ sang EU.

Khi EVFTA được chấp thuận và hoàn thành, mức thuế đối với các loại sản phẩm cá ngừ tươi và đông lạnh sẽ nhanh chóng được loại bỏ. Mức thuế cho sản phẩm cá ngừ loin đông lạnh hoặc phi lê sẽ được loại bỏ trong khoảng thời gian 3 năm từ mức 18% về 0%.

Đối với cá ngừ chế biến sử dụng cho cá ngừ đóng hộp – tỉ lệ cơ bản 24% sẽ được giảm trong lịch trình 7 năm.

Đối với cá ngừ đóng hộp và bao gói, mức hạn ngạch sẽ là 11.500 tấn mỗi năm sẽ được miễn thuế. Sau đó, mức thuế như ban đầu 20,5% sẽ được áp dụng, mức thuế này sẽ giảm 3,5% mỗi năm.

Theo Lê Thu

Hải quan

Trở lên trên