Xuất khẩu cao su mang về hơn 800 triệu USD trong 6 tháng đầu năm
Nửa đầu năm 2018, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam với khối lượng đạt 363,28 nghìn tấn, trị giá 519,88 triệu USD.
- 16-07-2018Đa số người Việt sẵn sàng đổi thông tin cá nhân lấy quà
- 16-07-2018Đi vớt rong biển mỗi ngày người dân bỏ túi 300.000 đồng
- 16-07-2018Ngành thép nỗ lực vượt qua khó khăn để về đích
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, đầu tháng 7/2018, giá mủ cao su nguyên liệu tại các tỉnh Bình Phước, Bình Dương và Tây Ninh có xu hướng giảm nhẹ so với cuối tháng 6/2018.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 6/2018 tăng 12,3% về lượng và tăng 10,3% về trị giá so với tháng 5/2018, đạt 122,26 nghìn tấn, trị giá 173,48 triệu USD, tăng 0,3% về lượng, nhưng giảm 7,3% về trị giá so với tháng 6/2017.
Tính đến hết tháng 6/2018, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 564,54 nghìn tấn, trị giá 820,55 triệu USD, tăng 17,1% về lượng, nhưng giảm 8,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Giá xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 6/2018 trung bình ở mức 1.419 USD/tấn, giảm 1,8% so với tháng 5/2018 và giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Nhìn chung, trong tháng 6/2018, lượng cao su xuất khẩu sang hầu hết các thị trường lớn đều giảm so với cùng kỳ năm trước, trừ thị trường Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Ban Nha.
Trong tháng 6/2018, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam với khối lượng đạt 87,77 nghìn tấn, trị giá 123,17 triệu USD, giảm 2,5% về lượng, nhưng tăng 8,4% về trị giá so với tháng 5/2018; tăng 22% về lượng và tăng 14,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 363,28 nghìn tấn, trị giá 519,88 triệu USD, tăng 24,2% về lượng, nhưng giảm 3,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Giá xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt bình quân 1.403 USD/tấn, giảm 1,8% so với tháng 5/2018 và giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Nhịp sống kinh tế