Xuất khẩu châu Á khởi sắc nhờ Trung Quốc
Chuối của Philippines, bông của Ấn Độ và thịt cừu New Zealand có ít nhất một điểm chung: nhu cầu từ Trung Quốc đối với những mặt hàng này đã tăng đột biến.
- 30-03-2017Bức tranh ngân hàng đầu tư châu Á: Ngân hàng Mỹ áp đảo, châu Âu bết bát
- 23-03-2017Bloomberg: Việt Nam dẫn đầu trong cuộc đua cơ sở hạ tầng ở châu Á
- 10-03-2017Căng thẳng Trung - Hàn có thể ảnh hưởng đến tất cả các đồng tiền trong thị trường mới nổi châu Á
Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chuẩn bị có cuộc gặp cấp cao với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thương mại là một trong những chủ đề quan trọng sẽ được đem ra thảo luận, sức mạnh tiêu dùng của Trung Quốc đang giúp “hồi sinh” cỗ máy xuất khẩu của châu Á, đem lại những hiệu ứng tích cực cho những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Xét cả về giá trị và khối lượng, xuất khẩu đến Trung Quốc từ tất cả các nước trong khu vực đã tăng vọt. Theo chuyên gia kinh tế của ngân hàng ANZ, cái gọi là 2 năm hoạt động thương mại suy giảm của châu Á đang đi đến hồi kết.
Giá tăng giúp kim ngạch xuất khẩu của những nước như Indonesia và Malaysia tăng trưởng, trong khi Singapore và Ấn Độ hưởng lợi từ giá dầu. Sự kiện điện thoại Galaxy S8 của Samsung và iPhone 8 của Apple sắp ra mắt đẩy tăng nhu cầu về chip và các linh kiện điện tử khác mà Hàn Quốc và Đài Loan cung cấp.
“Các nhà xuất khẩu châu Á đang hồi phục mạnh mẽ”, Rajiv Biswas – chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương của IHS Global Insight – nói.
Ở Nhật Bản, các công ty xuất khẩu đang hồi phục nhẹ. Lượng hàng xuất sang Trung Quốc (vốn là khách hàng lớn nhất) đã tăng 28% trong tháng 2. Xuất khẩu của Hàn Quốc cũng tăng trưởng mạnh nhất trong 5 năm mà nguyên nhân chủ yếu là nhờ thị trường Trung Quốc với mức tăng hơn 30% so với năm ngoái.
Tháng 12 năm ngoái, xuất khẩu của Ấn Độ sang Trung Quốc cũng tăng gần một nửa dù tổng kim ngạch giảm 5%. Các mặt hàng chủ yếu là bông, quặng sắt và kẽm.
Trong 3 tháng kết thúc vào tháng 2 vừa qua, lượng hàng New Zealand xuất khẩu sang Trung Quốc tăng trưởng 12%. Người Trung Quốc rất chuộng thịt bò, thịt cừu và sữa bột của New Zealand. Hơn nữa tương lai quan hệ thương mại giữa hai nước là khá hứa hẹn. New Zealand muốn nâng cấp một thỏa thuận sẵn có với Trung Quốc và nước láng giềng Australia cũng vừa ký 1 thỏa thuận xuất khẩu thịt bò với Trung Quốc.
Tại Đông Nam Á, trong tháng 1 xuất khẩu của Thái Lan và Malaysia sang Trung Quốc tăng trưởng gần 1/3 so với năm trước. Xuất khẩu của Indonesia và Singapore tăng trưởng lần lượt 44% và 65%.
Theo IMF, đà hồi phục xuất khẩu mà Trung Quốc tạo ra là một phần nguyên nhân giúp kinh tế châu Á có thể tăng trưởng hơn 5% trong 2 năm 2017 và 2018, so với mức 3,5% của thế giới.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rủi ro có thể đảo ngược xu hướng hồi phục. Dù khối lượng tăng nhưng phần lớn là do giá tăng và có cả tác động từ những yếu tố mùa vụ. Bắc Kinh đang phải đối mặt với vấn đề nợ và đang cố gắng chuyển hướng nền kinh tế, tất cả đều có thể ảnh hưởng đến lực cầu.
Bên cạnh đó là nguy cơ từ chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump. Mặc dù đã hạ giọng khi nói về nguy cơ chiến tranh thương mại với Trung Quốc, nội các của tân Tổng thống đang thể hiện nỗ lực xóa bỏ tình trạng thâm hụt thương mại thông qua đánh thuế hoặc các biện pháp trừng phạt. Tác động từ sự căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể lan ra toàn châu Á do bao trùm khu vực này là chuỗi cung ứng và Mỹ hiện là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới.
Nếu các công ty lưỡng lự không muốn đầu tư và mức nợ tăng lên, triển vọng kinh tế toàn cầu hồi phục nhờ xuất khẩu và các hoạt động thương mại khởi sắc có thể bị đe dọa.