Xuất khẩu gạo có thể đạt mục tiêu 5,65 triệu tấn trong năm nay
Từ giữa năm 2016, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã hạ chỉ tiêu xuất khẩu gạo từ 6,5 triệu tấn xuống còn 5,65 triệu tấn. Đây là mức hạ thấp nhất từ trước đến nay và với chỉ tiêu mới, có khả năng xuất khẩu lúa gạo sẽ đạt được mục tiêu nếu tiếp tục mở rộng được thị trường xuất khẩu gạo trong hai tháng cuối năm.
- 29-10-2016[Infographics] Tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam qua các năm
- 28-10-2016Xuất khẩu gạo khó đạt mục tiêu dù đã hạ chỉ tiêu xuống thấp
- 27-10-2016Xuất khẩu gạo giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp bị trả hàng về
Đó là nhận định của ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối qua cuộc trao đổi với chúng tôi.
Cục trưởng Lê Văn Bảnh cho hay, trong năm nay xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, giảm cả về sản lượng cũng như giá trị.
Cụ thể, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khối lượng gạo xuất khẩu tháng Mười ước đạt 368.000 tấn với giá trị đạt 164 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 10 tháng qua ước đạt 4,2 triệu tấn và 1,9 tỷ USD, giảm đến 21,2% về khối lượng và giảm 16,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Lý giải nguyên nhân của việc sụt giảm này, Cục trưởng Lê Văn Bảnh cho rằng, do thị trường gạo thế giới đặc biệt là gạo Thái Lan hiện có trữ lượng rất nhiều, gạo Campuchia cũng tăng trưởng mạnh và có sự cạnh tranh tốt hơn. Trong khi đó, thị trường lớn của Việt Nam là Trung Quốc lại đang có những rào cản, khó khăn.
“Như vậy cả xuất khẩu chính ngạch và tiểu ngạch thị trường lúa gạo Việt Nam đều không có những điều kiện thuận lợi,” Cục trưởng Lê Văn Bảnh nói.
Bên cạnh đó, theo ông Bảnh, các thị trường là khách hàng tiêu thụ gạo truyền thống của Việt Nam ở Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, Philippines cũng từ từ tiến tới việc tự túc lương thực nên lượng nhập ít hơn.
Đặc biệt như Philippines, trước đây thường nhập khoảng vài triệu tấn gạo mỗi năm, nhưng từ đầu năm đến nay Việt Nam chỉ mới xuất sang thị trường này được khoảng 150.000 tấn gạo.
Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn đó, ông Bảnh cũng cho biết, nhu cầu tiêu thụ gạo trong tháng Mười nhìn chung vẫn thấp và chỉ mới cải thiện do Trung Quốc bắt đầu mua gạo trở lại theo con đường tiểu ngạch trong mấy ngày qua.
Song theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, diễn biến giá lúa tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như tại An Giang, lúa tươi tăng 200 đồng/kg, từ 4.200 đồng/kg lên 4.400 đồng/kg; lúa chất lượng cao tăng 100 đồng/kg, từ 4.600 đồng/kg lên 4.700 đồng/kg; tại Bạc Liêu, lúa Thu Đông (giống ngắn ngày) ổn định ở mức 4.200 – 4.300 đồng/kg; lúa chất lượng cao ở mức 4.000 – 4.200 đồng/kg; giá thu mua lúa mới của công ty Lương thực Bạc Liêu tăng 200 đồng/kg…
Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), các doanh nghiệp Philippines đã được Cơ quan Lương thực nước này cho phép nhập khẩu 293.100 tấn gạo từ Việt Nam để đảm bảo nhu cầu lương thực cho mùa giáp hạt năm 2017. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước thúc đẩy tình hình tiêu thụ lúa gạo đang khó khăn hiện nay.
Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA cũng cho hay, căn cứ vào tình hình thị trường hiện nay cũng như hợp đồng đăng ký xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cả năm có thể đạt trên 5 triệu tấn.
Như vậy, so với lần điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu gạo năm 2016 được VFA đưa ra với mức 5,65 triệu tấn thì nhiều khả năng xuất khẩu lúa gạo sẽ đạt được mục tiêu.
“Dự kiến theo VFA, trong vòng hai tháng cuối năm các đơn vị sẽ cố gắng tăng cường tìm cách mở rộng với nhiều thị trường, ngoài các thị trường tập trung cũ thì cần tìm cách mở rộng thêm nhiều thị trường mới và xuất khẩu gạo có thể đạt được mục tiêu nếu mở rộng được thị trường,” Cục trưởng Lê Văn Bảnh nhấn mạnh./.
Vietnnam+