Xuất khẩu gạo giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp bị trả hàng về
Theo Bộ NN và PTNT, xuất khẩu gạo 10 tháng đầu năm nay giảm 21,2% về khối lượng, giảm 16,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
- 15-10-2016Nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi gấp rưỡi xuất khẩu gạo
- 01-10-2016Xuất khẩu gạo của Thái Lan giảm 11% trong tháng 8
- 30-09-2016Xuất khẩu gạo 2016: Hạ mục tiêu vẫn không dễ hoàn thành
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa cho biết, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 10 năm 2016 của nước ta ước đạt 368.000 tấn, với giá trị đạt 164 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 10 tháng đầu năm 2016 ước đạt 4,2 triệu tấn và 1,9 tỷ USD, giảm 21,2% về khối lượng và giảm 16,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam
Số liệu của Bộ NN và PTNT cho thấy, giá gạo xuất khẩu bình quân 9 tháng đầu năm 2016 đạt 449 USD/tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2015. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2016 với 35,4% thị phần. 9 tháng đầu năm 2016 xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 1,35 triệu tấn và 613,8 triệu USD, giảm 23% về khối lượng và giảm 13,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Gana là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2016 với 11% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này 9 tháng đầu năm 2016 đạt 387,7 nghìn tấn và 189,6 triệu USD, tăng 41,8% về khối lượng và tăng 36,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Đáng chú ý là thị trường Indonesia – thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 4 của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2016 với 8,2% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 359,4 nghìn tấn và 142,5 triệu USD, tăng gấp 21,5 lần về khối lượng và gấp 22,5 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Thị trường Angola tăng gấp 4,4 lần về khối lượng và gấp 3,5 lần về giá trị. Các thị trường có giá trị giảm mạnh là Philippines (47,8%), Malaysia (47,4%), Singapore (34,6%), Hoa Kỳ (32%), Bờ Biển Ngà (25,2%) và Hong Kong (11,4%).
Nhiều doanh nghiệp bị trả hàng về
Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương (VITIC) cho biết: 9 tháng qua, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ sụt giảm trên 30% về kim ngạch, do lượng gạo bị trả về quá nhiều vì dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Chỉ trong vòng 9 tháng đầu năm nay, có đến 9 doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang Mỹ bị trả hàng về, do bị phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong gạo vượt mức cho phép. Điều đáng nói là nhiều hoạt chất bảo vệ thực vật dù bị Mỹ cấm cửa nhưng vẫn được cho phép sử dụng tự do tại Việt Nam.
Tình trạng một số doanh nghiệp lớn liên tục bị Mỹ trả hàng về vì dư lượng các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt mức cho phép khiến uy tín của lúa gạo Việt Nam bị ảnh hưởng nặng, thậm chí, có thể dẫn tới việc Mỹ cấm nhập khẩu lâu dài đối với gạo Việt Nam.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dẫn số liệu của Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) cho thấy, từ năm 2013 đến cuối tháng 4/2016, có 15 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gạo vào Mỹ bị trả hàng về, với sản lượng hơn 4.200 tấn (234 container). Nguyên nhân là do bị phát hiện dư lượng các hoạt chất thuốc BVTV vượt mức cho phép của nước nhập khẩu, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho doanh nghiệp Việt Nam.
Tính tới cuối tháng 8/2016, số lượng gạo Việt Nam bị Mỹ trả về đã lên đến 412 container của 16 doanh nghiệp. Các sản phẩm bị Mỹ trả về chủ yếu là gạo thơm Jasmine, gạo trắng hạt dài đã qua chế biến, đánh bóng, đóng gói…
Tình trạng gạo Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ bị trả về đã đến mức “báo động đỏ” khi mới đây, Bộ NN và PTNT vừa phát cảnh báo cho các doanh nghiệp cẩn trọng hơn trong xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ, tránh tình trạng bị phía Mỹ cấm vĩnh viễn. Cảnh báo này lưu ý các doanh nghiệp trước khi xuất khẩu phải kiểm tra, giám định kỹ dư lượng thuốc BVTV trong các lô hàng, tránh để bị nước nhập khẩu trả về. Trường hợp doanh nghiệp tái phạm nhiều lần có thể sẽ bị cấm xuất khẩu sang thị trường này.
Nguyên nhân khiến nhiều lô hàng bị trả về chủ yếu là do một số doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng theo các tiêu chuẩn sản xuất gạo sạch như đã cam kết (VietGAP hoặc GlobalGAP). Hơn nữa, nhiều năm nay gạo Việt xuất khẩu chủ yếu vào các thị trường dễ dãi về chất lượng như Trung Quốc, châu Phi… với số lượng lớn. Điều này khiến nông dân, DN chạy theo số lượng chứ không chú ý nhiều đến chất lượng gạo. Do đó, việc lạm dụng các hoạt chất BVTV đã quá phổ biến. Việc gạo Việt bị phát hiện tồn dư thuốc BVTV bởi các thị trường khó tính như Mỹ là dễ hiểu./.
VOV