Xuất khẩu gạo hứa hẹn khởi sắc
Sau những khởi đầu không mấy thuận lợi trong quý I, thời gian tới, xuất khẩu gạo được dự báo sẽ khởi sắc hơn nhờ tháo gỡ phần nào khó khăn từ thị trường Trung Quốc cũng như tích cực mở cửa, tận dụng cơ hội từ các thị trường XK khác.
- 30-03-2019Tiêu thụ lúa gạo bền vững ở ĐBSCL: Day dứt sau những lần “giải cứu”
- 21-03-2019Ai Cập mời thầu quốc tế nhập khẩu 20.000 tấn gạo
- 05-03-2019Triển khai mua dự trữ lúa gạo quốc gia
Giá trị XK giảm hơn 20%
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT): Tính tới hết quý I, khối lượng XK gạo ước đạt 1,43 triệu tấn và 593 triệu USD, giảm 3,5% về khối lượng và giảm tới 20,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường XK gạo của Việt Nam với 40,2% thị phần. Giá gạo XK bình quân 2 tháng đầu năm chỉ đạt 404 USD/tấn, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm 2018. Về chủng loại gạo XK, giá trị XK gạo trắng chiếm 60% tổng kim ngạch; gạo Jasmine và gạo thơm chiếm 29%; gạo nếp chiếm 8% và gạo Japonica, gạo giống Nhật chiếm 3%.
Trong suốt những tháng đầu năm, điểm dễ thấy là sản xuất, XK lúa gạo đối mặt nhiều khó khăn khi giá xuống thấp. Thậm chí, Thủ tướng Chính phủ đã phải họp với đại diện các bộ, ngành để bàn về việc tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ lúa gạo.
Đề cập tới nguyên nhân khiến cho việc XK lúa gạo gặp khó, ông Lê Thành Hòa – Phó Cục trưởng Cục chế và Phát triển thị trường nông sản đánh giá: Quý I có kỳ nghỉ tết Nguyên đán nên đơn hàng chưa được triển khai. Ngoài ra, điểm đáng chú ý là những DN được phép XK gạo vào Trung Quốc đang đối mặt nhiều lo ngại. "Vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật đã có báo cáo đánh giá năng lực của các DN XK gạo gửi cho phía Hải quan Trung Quốc, cũng như xem xét lại việc giám sát với 3 DN đã bị phía Trung Quốc cấm XK gạo do gạo XK có lẫn hạt cỏ. Thời điểm này, phía Việt Nam vẫn chờ Hải quan Trung Quốc thông qua danh sách các DN được XK gạo trở lại vào thị trường này. Năm nay sẽ là năm khó khăn khi XK sang Trung Quốc bởi dù dự kiến NK tới 5,3 triệu tấn gạo, song Trung Quốc sẽ xả kho dự trữ gạo", ông Hòa nói.
Một số chuyên gia nhận định: Bên cạnh thị trường Trung Quốc, việc các thị trường khác như Indonesia, Malaysia, Philippines… đang tăng cường đầu tư sản xuất lúa để giảm NK hay các nước châu Phi (chiếm gần 1/3 tổng XK gạo của Việt Nam) đang quyết liệt triển khai các chương trình đảm bảo tự cung lương thực… cũng là những yếu tố quan trọng làm ảnh hưởng tới XK gạo.
Sản xuất phải gắn với đầu ra
Theo đại diện Bộ Công Thương: Một trong những yếu tố gây khó khăn cho gạo Việt còn là bởi Việt Nam chưa có thương hiệu gạo quốc gia. Điều đó khiến hạt gạo Việt phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với các nhà XK lớn như Thái Lan, Ấn Độ, thậm chí với cả một số nước mới nổi như Campuchia, Myanmar, Pakistan…
Về tình hình XK gạo thời gian tới, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đưa ra dự báo: Sang quý II/2019 sẽ có nhiều hợp đồng mới do giá gạo của Việt Nam đang ở mức giá cạnh tranh với các nước XK khác. Hiện, một số DN đã tiếp cận được thị trường và tiến đến thỏa thuận ký hợp đồng. Ngoài ra, việc Ai Cập vừa mở thông báo mời thầu gạo trắng hạt ngắn/hạt trung bình, mở cho tất cả nhà thầu quan tâm cả trong nước và nước ngoài với hạn nộp hồ sơ thầu đến ngày 30/4 cũng là một cơ hội với các nhà XK gạo của Việt Nam.
Xung quanh vấn đề này, ông Hòa phân tích rõ hơn: Dù có khó khăn, song XK gạo chất lượng cao của Việt Nam vào Trung Quốc vẫn tiếp tục kỳ vọng sẽ tăng trở lại sau khi Trung Quốc công bố 22 DN được phép XK gạo vào thị trường này. Khi đó, XK toàn ngành gạo sẽ tăng trưởng và ổn định. "Ngoài ra, sắp tới, Bộ Công Thương sẽ đàm phán hạn ngạch XK gạo vào Hàn Quốc. Cùng với đó, thị trường Indonesia đã công bố có lượng gạo dự trữ sẽ hết tháng 6. Điều này đặt ra hy vọng, trong quý III, IV thị trường này sẽ tăng NK gạo…", ông Hòa nói.
Xung quanh câu chuyện sản xuất, XK lúa gạo, phát biểu tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ đầu tháng 3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu quan điểm: Về vấn đề tình hình giá lúa gạo thấp là bởi nguồn cung lúa gạo tăng trong khi cầu không có biến động lớn. Việc thu mua tạm trữ lúa gạo chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu dài, sản xuất phải gắn với đầu ra. Để làm được điều này cần có sự chỉ đạo chung của Chính phủ, sự đồng hành của Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành liên quan.
Một số chuyên gia cho rằng: Muốn gạo Việt được người tiêu dùng quốc tế biết đến, trước hết cần xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo hàng hoá có chất lượng. Các vùng này sản xuất theo quy trình sạnh, đồng bộ. Đặc biệt, khâu xây dựng uy tín, thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới phải được nhấn mạnh, coi trọng hơn nữa. Nói như ông Huỳnh Văn Thòn-Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời thì: Muốn gạo Việt có thương hiệu, cạnh tranh được trên thị trường quốc tế, điều quan trọng là phải áp dụng phương thức sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững. Khi đó, DN và người dân cùng nhau quy hoạch, tập trung nguyên liệu, sản xuất theo loại hình cánh đồng mẫu lớn. Thời gian tới, DN rất cần sự hỗ trợ hơn nữa của Nhà nước để có thể phối hợp chặt chẽ với người nông dân cũng như các nhà nghiên cứu khoa học nhằm tạo ra vùng sản xuất rộng lớn.
Hải quan