MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu rau quả tăng trưởng ngoạn mục

17-04-2017 - 17:02 PM | Thị trường

Ngay cả Thái Lan là 1 trong 4 nước có diện tích cây ăn quả lớn nhất khu vực thì xuất khẩu rau quả Việt Nam sang đây cũng vẫn tăng trưởng mạnh.

Có thể nói, 10 năm lại đây, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng nhanh chóng. Nếu như năm 2005, rau quả Việt Nam xuất khẩu sang 36 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu đạt 235 triệu USD, thì năm 2015, rau quả Việt Nam đã có mặt tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu đã tăng hơn 7 lần, đạt 1,8 tỷ USD.

Đặc biệt, năm 2016, mặt hàng rau quả đã đạt kim ngạch 2,4 tỷ USD, tăng 31,2% so với năm 2015, lần đầu vượt qua kim ngạch xuất khẩu lúa gạo (2,2 tỷ USD). Đáng chú ý, xuất khẩu rau quả có mức tăng trưởng ngang bằng với cà phê (tăng 33,6% về khối lượng và tăng 25,6% về giá trị), vượt xa các ngành hàng chủ lực khác như: cao su (tăng 10,6% về khối lượng và tăng 9% về giá trị), chè (tăng 7,3% về khối lượng và tăng 4,9% về giá trị), hạt điều (tăng 5,6% về khối lượng và tăng 18,4% về giá trị), bên cạnh đó xuất khẩu gạo còn giảm 25,8% về khối lượng và giảm 21,2% về giá trị.

Sang năm 2017, ngay trong Quý đầu năm, xuất khẩu hàng rau quả đã tăng 29,8% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 700,6 triệu USD, ngược lại nhập khẩu 230,4 triệu USD, tăng 47,3%. Như vậy, hàng rau quả đã xuất siêu 470,1 triệu USD.

Dự kiến, năm 2017 xuất khẩu rau quả đạt 3 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2016. Rau quả Việt Nam đã có mặt trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong TOP 10 thị trường, Trung Quốc là thị trường chủ lực, chiếm tỷ trọng 73,1% , đứng thứ hai là Hoa Kỳ 3,54%, Nhật Bản 3,01%, Hàn Quốc 2,99%....

Đáng chú ý, xuất khẩu sang Thái Lan (là một trong 4 nước có diện tích cây ăn quả lớn của vùng Đông Nam Á), nhưng kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang Thái đạt khá, đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng kim ngạch 14,7 triệu USD, tăng 34% so với cùng kỳ 2016.

Để có được thành tựu trên, trong năm qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tập trung phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương đẩy mạnh đàm phán, tháo gỡ rào cản thương mại, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường để đảm bảo tiêu thụ kịp thời, hiệu quả hàng hóa cho nông dân, hợp tác xã, các doanh nghiệp. Đồng thời, triển khai mạnh công tác quản lý vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm để đảm bảo hàng hóa nông sản xuất khẩu đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp sạch. Hầu hết, các loại nông sản đều được tiêu thụ kịp thời, cơ bản không xảy ra tình trạng ứ đọng, dư thừa.

Nhờ vậy, xuất khẩu rau quả đã tăng trưởng ngoạn mục, thanh long xuất đi thị trường Mỹ tăng 2 lần, nhãn tăng 5,25 lần; xoài xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng 2 lần. Đài Loan đã chính thức mở cửa trở lại cho thanh long Việt Nam và đến nay đã xuất khẩu hơn 100 tấn. Bên cạnh đó, Việt Nam đã đàm phán và dỡ bỏ được hàng rào kỹ thuật cho các mặt hàng rau quả xuất khẩu gồm: xoài xuất khẩu sang Australia; thanh long xuất khẩu sang Đài Loan; nhãn và vải xuất khẩu sang Thái Lan... Năm 2017, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh đàm phán để vú sữa, xoài xuất khẩu sang Mỹ; thanh long ruột đỏ sang Nhật và vú sữa, nhãn, vải, chôm chôm sang Hàn Quốc.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), đây là tín hiệu tích cực để toàn ngành tiến tới mục tiêu 3 tỷ USD trong năm 2017. Song theo các chuyên gia, để đạt được mục tiêu này ngành rau quả còn nhiều việc phải làm. Theo phản ánh của một số doanh nghiệp hiện ngành rau quả đang có 3 vấn đề lớn:

Thứ nhất: nông dân đang thiếu cây giống sạch, đảm bảo chất lượng và năng suất. Bà con đang nhập khẩu cây giống từ các nước, về lâu dài Việt Nam phải có các trung tâm nghiên cứu và phát triển cây giống để cung cấp cho nông dân.

Thứ hai: ngành nông nghiệp cần tăng cường đào tạo, quản lý quy trình sản xuất rau quả an toàn cho người nông dân, hiện tại phần lớn bà con sản xuất theo truyền thống hoặc tự mày mò.

Thứ ba: để nâng cao chuỗi giá trị rau quả thì cần khuyến khích đầu tư vào khâu thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch. Đặc thù của rau quả là tính thời vụ ngắn, nếu sau thu hoạch không bảo quản tốt thì có để tiêu thụ trong nước.

Tuy nhiên, năm 2017 có 2 yếu tố thuận lợi cho nông sản nói chung và ngành rau quả nói riêng. Đó là:

Thị trường tiêu thụ hàng nông sản được mở rộng do Việt Nam đã ký 12 Hiệp định thương mại tự do, đang đàm phán 5 Hiệp định mới với trên 50 quốc gia và nền kinh tế.

Giá lương thực, thực phẩm có xu hướng tăng. Theo Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn từ 2017 - 2020, ngành rau quả có hai mặt hàng chủ lực là: xoài và thanh long. Vì các mặt hàng này đáp ứng được các yêu cầu sản xuất trên quy mô lớn, cơ giới hóa cao, có khối lượng và giá trị tiêu thụ lớn, chất lượng đồng đều, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, để phát huy tối đa giá trị của rau quả, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, ngoài trái cây tươi, các doanh nghiệp có thể tham gia chế biến sâu, sấy khô rau quả, đa dạng hóa sản phẩm để xuất khẩu. Như vậy, còn tạo ra nhiều giá trị thặng dư hơn cho ngành rau quả.

Nhu cầu rau quả trên thị trường xuất khẩu là rất lớn, tiềm năng của ngành rau quả cũng không hề nhỏ. Nếu được chú trọng đúng mức và có chiến lược đầu tư bài bản, cụ thể thì giá trị xuất khẩu rau quả mang về sẽ không thua kém, thậm chí vượt lên trên những sản phẩm khác trong ngành nông nghiệp.

Thùy Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên