MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Zoom - Hành trình từ "kẻ vô danh" tới "người hùng" tại hàng loạt quốc gia đang phong toả vì Covid-19

02-04-2020 - 12:29 PM | Tài chính quốc tế

Giá cổ phiếu Zoom tăng vọt trong bối cảnh thị trường lao dốc và hàng loạt cổ phiếu khác đỏ lửa vì những tác động tiêu cực của dịch bệnh.

Số lượng người dùng ứng dụng Zoom đã tăng chóng mặt tại hàng trăm quốc gia khi dịch bệnh bùng phát trong vài tuần qua.

Zoom vẫn là ứng dụng học tập, họp hành trực tuyến phổ biến nhất thế giới dù phải cạnh tranh với nhiều "ông lớn" đã có tên tuổi lâu năm trên thị trường như GoToMeeting, Skype, Google Hangouts hay Microsoft Teams.

Giá cổ phiếu Zoom tăng vọt trong bối cảnh thị trường lao dốc và hàng loạt cổ phiếu khác đỏ lửa vì những tác động tiêu cực của dịch bệnh.

"Người hùng" ở thung lũng Silicon

Trước tình hình lây lan của dịch bệnh, người dân các nước mặc kẹt trong nhà bởi các lệnh phong toả và cách ly xã hội, họ bắt đầu tìm đến các ứng dụng online để kết nối với bạn bè, gia đình, đồng nghiệp, thậm chí khách hàng. Mặc dù có rất nhiều ứng dụng kết nối online miễn phí hiện nay, Zoom lại trở thành "người hùng" được lựa chọn nhiều nhất.

Theo dữ liệu của công ty phân tích App Annie, Zoom nằm trong bảng xếp hạng ứng dụng miễn phí được tải về (download) nhiều nhất trên Apple Store. Các nhà đầu tư yêu thích ứng dụng này, ít nhất ở thời điểm hiện tại. Thị giá cổ phiếu của Zoom tăng gấp 58 lần; trong khi thị giá cổ phiếu của "ông lớn" như Microsoft mới chỉ tăng 8 lần.

Cổ phiếu này cũng tăng 26% kể từ phiên giao dịch ngày 19/02 khi chỉ số S&P 500 ghi nhận mức sụt giảm kỷ lục 32%.

Zoom - Hành trình từ kẻ vô danh tới người hùng tại hàng loạt quốc gia đang phong toả vì Covid-19 - Ảnh 1.

Eric Yuan – nhà sáng lập kiêm CEO của Zoom Video Communication Inc cùng các nhân viên.

"Thật kỳ diệu khi Zoom bỗng trở thành "người hùng" ở thung lũng Silicon chỉ qua một đêm", Jonathan Heiliger – đối tác chiến lược của Vertex Ventures có trụ sở chính đặt tại San Francisco và Palo Alto, California chia sẻ trên CNBC. Đồng thời Jonathan cũng tiết lộ Zoom là kênh kết nối giữa ông và các đồng nghiệp hàng ngày.

Thậm chí hiện nay nhiều người còn lựa chọn tổ chức đám cưới, đám hỏi, tiệc tùng, hay các khoá học thiền qua ứng dụng Zoom. Giáo viên, nhà soạn nhạc, huấn luyện viên yoga... đều đang sử dụng nó. Các trường đại học dùng Zoom nhưng một chương trình giảng dạy trực tuyến từ xa kể từ khi Covid-19 gây ra cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Đáng tin cậy và dễ sử dụng

Câu hỏi đặt ra ở đây là: Tại sao Zoom được lựa chọn?

Ứng dụng Zoom được biết đến với độ tin cậy cao, không bị mất kết nối quá lâu khiến người dùng phải đăng nhập lại và không bị giật (lag) khi có những cuộc hội thoại kéo dài.

Không giống với ứng dụng Face Time của Apple chỉ dành riêng cho hệ điều hành iOS, Zoom có thể cài trên bất cứ thiết bị nào từ hệ điều hành Android đến máy tính xách tay. Ứng dụng này cũng được thiết kế với những tính năng công nghệ vượt trội, người dùng có thể bắt đầu cuộc trò chuyện video miễn phí bất cứ khi nào trong khoảng thời gian 40 phút và dưới 100 người tham dự.

Bên cạnh đó, Zoom còn được thiết kế một số tính năng giải trí hấp dẫn. Khi sử dụng Zoom, bạn có thể đăng ảnh hoặc video làm hình nền đại diện. Thậm chí, Zoom còn phổ biến đến mức Microsoft đã bổ sung thêm một ứng dụng tương tự vào dịch vụ Teams Service của mình.

Eric Yuan – nhà sáng lập kiêm CEO của Zoom đã dành được không ít lời khen ngợi vì những nỗ lực trong việc hỗ trợ các trường học và nhiều tổ chức khác vượt qua giai đoạn khủng hoảng trầm trọng vì dịch bệnh. Từ ngày 13/03, Zoom chính thức dỡ bỏ giới hạn cuộc gọi 40 phút cho tất cả các tài khoản miễn phí tại hàng nghìn trường học trên khắp nước Mỹ và thế giới.

Zoom - Hành trình từ kẻ vô danh tới người hùng tại hàng loạt quốc gia đang phong toả vì Covid-19 - Ảnh 2.

"Tiện dụng và đáng tin cậy là những yếu tố khiến Zoom trở thành ứng dụng được ưa chuộng trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, sự hào phóng và sẵn sàng chia sẻ tới các trường học của Eric cũng góp phần không nhỏ vào thành công của Zoom", Kelly Steckelberg – Giám đốc tài chính của Zoom chia sẻ trên CNBC.

Eric và Steckelberg trước đây làm việc cùng nhau tại Webex – công ty phần mềm cung cấp các cuộc gọi video trực tiếp, sau đó được tập đoàn Cisco mua lại vào năm 2007. Mặc dù số lượng người dùng tìm đến ứng dụng Webex cũng tăng kỷ lục trong tuần qua, nhưng Zoom vẫn là người dẫn đầu, thậm chí còn vượt qua cả những đối thủ lớn như GoToMeeting, Skype, Google Hangouts và Microsoft Teams.

Lợi thế lớn nhất của Zoom là công ty này chỉ tập trung phát triển các ứng dụng gọi video và tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu của người dùng.

"Mọi người thích trải nghiệm với Zoom và giới thiệu nó tới những người khác", Christoph Janz – đồng sáng lập kiêm Giám đốc quản lý quỹ đầu tư Point Nine Capital chia sẻ trên CNBC.

Theo đó, quỹ đầu tư có trụ sở chính tại thủ đô Berline của Đức ban đầu sử dụng Skype cho các cuộc họp, nhưng đã dần chuyển sang Zoom trong vài năm trở lại đây. "Zoom cung cấp chất lượng video tốt hơn, ít bị gián đoạn hay ngắt quãng; do đó mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng" - Janz nói, đồng thời tiết lộ ông dành khoảng 5 tiếng mỗi ngày làm việc thông qua ứng dụng Zoom.

"Sự tăng trưởng có phần "điên rồ" bởi lo ngại dịch bệnh và chính sách cách ly y tế tại hều hết các quốc gia khiến nhu cầu của người dùng tăng cao. Nhưng tôi tin về lâu dài, Zoom vẫn sẽ có chỗ đứng vững chắc ở thung lũng Silicon khi nền kinh tế toàn cầu hồi phục sau dịch bệnh", Janz nhấn mạnh.

Zoom - Hành trình từ kẻ vô danh tới người hùng tại hàng loạt quốc gia đang phong toả vì Covid-19 - Ảnh 4.

Hà My

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên