MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

10 ngân hàng chi gần 33.000 tỷ trả cổ tức tiền mặt trong năm 2024

13-06-2024 - 11:25 AM | Tài chính - ngân hàng

Trong năm 2024, có 10 ngân hàng đã thực hiện kế hoạch hoặc công bố chủ trương trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông là VIB, ACB, HDBank, MB, VPBank, Techcombank, Eximbank, SHB, TPBank và MSB.

10 ngân hàng chi gần 33.000 tỷ trả cổ tức tiền mặt trong năm 2024- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Sau nhiều năm tập trung nguồn lực để tăng cường sức khỏe tài chính và hỗ trợ khách hàng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng đã triển khai lại hoạt động trả cổ tức bằng tiền mặt từ năm 2023. Bước sang năm 2024, xu hướng trả cổ tức tiền mặt tiếp tục lan rộng với có 10 ngân hàng đã thực hiện kế hoạch hoặc công bố chủ trương này, gồm có: VIB, ACB, HDBank, MB, VPBank, Techcombank, Eximbank, SHB, TPBank và MSB.

Tổng số tiền các ngân hàng dùng để trả cổ tức tiền mặt trong năm nay ước tính vào khoảng 33.000 tỷ đồng. Con số này cao hơn hẳn so với năm 2023 về cả số lượng ngân hàng và quy mô chi trả (6 ngân hàng trả 23.000 tỷ đồng cổ tức tiền mặt).

Trong đó, VIB đã hoàn tất việc trả cổ tức 12,5% bằng tiền mặt cho cổ đông với tổng số tiền sử dụng để chi trả là 3.171 tỷ đồng. Techcombank, VPBank và MB cũng đã chốt danh sách cổ đông nhận quyền hưởng cổ tức tiền mặt vào trung tuần tháng 5 với tổng số tiền chi trả là gần 16.000 tỷ đồng.

Cổ đông ACB cũng chuẩn bị được thanh toán cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 10% (1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng) vào ngày 13/6. Số tiền mà ACB dùng để chia cổ tức tiền mặt là 3.884 tỷ đồng.

Như vậy, tính đến hiện tại, đã có 5 ngân hàng hoàn tất việc chốt quyền hoặc chi trả cổ tức tiền mặt trong năm 2024. Và hiện còn 5 ngân hàng chưa chốt danh sách cổ đông hưởng quyền là TPBank, Eximbank, HDBank, SHB và MSB.

Hội đồng quản trị TPBank mới đây đã thông qua việc triển khai phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2024. Tỷ lệ thực hiện là 5%, tức 1 cổ phiếu được nhận 500 đồng. Ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền cho cổ đông hiện hữu để chi trả cổ tức bằng tiền mặt là 21/6 và ngày thanh toán dự kiến vào 11/7.

TPBank hiện có hơn 2,2 tỷ cổ phiếu đang lưu hành. Theo đó, nhà băng dự kiến chi hơn 1.100 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt theo kế hoạch trên.

Cuối tháng 5, Hội đồng quản trị Eximbank cũng đã thông qua việc triển khai phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 3% và phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 7%. Cụ thể, với mức chi trả tiền mặt là 300 đồng/cp, Eximbank dự kiến chi ra 552 tỷ đồng để chi trả cho cổ đông. Tuy nhiên, Eximbank chưa công bố chi tiết về thời điểm chốt quyền cũng như ngày chi trả.

Đây là lần đầu tiên Eximbank trả cổ tức bằng tiền mặt sau 10 năm. Lần gần nhất nhà băng này trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông diễn ra vào năm 2014 với tỷ lệ 4%.

Với HDBank, tại kỳ họp Đại hội cổ đông thường niên ngày 26/4, cổ đông ngân hàng đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2023 với tỷ lệ tới 30% gồm 10% tiền mặt và 20% cổ phiếu, dự kiến sẽ thực hiện chi trả vào quý 3 hoặc quý 4 năm 2024. Với hơn 2,9 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính HDBank sẽ chi khoảng 2.900 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông.

Đáng chú ý, tiếp nối truyền thống trả cổ tức đều đặn hàng năm với tỷ lệ cao trong ngành, HDBank đã đặt kế hoạch cổ tức năm tới với tỷ lệ tối đa ở mức 30%, gồm 15% tiền mặt và 15% cổ phiếu.

Tại Đại hội đồng cổ đông diễn ra vào chiều 25/4, dựa trên kết quả kinh doanh năm 2023 và mức lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ là hơn 5.900 tỷ đồng, SHB đã chốt phương án chia cổ tức với tổng tỷ lệ 16% vốn điều lệ (tương ứng 5.859 tỷ đồng), gồm 5% bằng tiền mặt và 11% còn lại bằng cổ phiếu.

Với gần 3,7 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính SHB sẽ chi khoảng 1.830 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt cho cổ dông trong năm nay. Thời gian chốt quyền và thanh toán cổ tức chưa được ban lãnh đạo SHB công bố.

Đại hội đồng cổ đông MSB vừa qua cũng đã phê duyệt chủ trương chia cổ tức với tỷ lệ ≤15% bằng tiền hoặc/và bằng cổ phiếu từ lợi nhuận được tạo ra trong năm 2024 cùng với lợi nhuận để lại sau khi hoàn thành tăng vốn điều lệ. Trong trường hợp MSB chia toàn bộ cổ tức bằng tiền mặt theo chủ trương trên, số tiền mà ngân hàng này cần chi ra là khoảng 3.900 tỷ đồng.

Chia sẻ với người viết tại Đại hội vừa qua, đại diện MSB cho biết nếu được cổ đông thông qua và kết quả kinh doanh đạt kỳ vọng, ngân hàng sẽ thực hiện tạm ứng cổ tức tiền mặt ngay trong quý 4 năm nay.

"Chúng tôi đã có kế hoạch trả cổ tức tiền mặt từ trước, nhưng cần phải xin phê duyệt chủ trương của Đại hội đồng cổ đông với mức tối đa là 15%", vị này nói thêm.

Việc chia cổ tức bằng tiền mặt là thông tin vui cho các cổ đông khi được nhận "tiền tươi thóc thật" từ lợi nhuận mà ngân hàng làm ra. Bên cạnh đó, việc chia cổ tức bằng tiền mặt cũng cho thấy sự tự tin của ban lãnh đạo về nền tảng vốn cũng như dòng tiền của ngân hàng.

Tuy nhiên, số tiền cổ tức của cổ đông sẽ phải chịu thuế thu nhập theo quy định của pháp luật, đồng thời giá cổ phiếu trên thị trường cũng sẽ bị điều chỉnh tương ứng với số cổ tức mà ngân hàng chi trả trên mỗi cổ phiếu.

Quang Hưng

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên