Ngày 31/12/2023 đánh dấu mốc 1.000 ngày của Chính phủ đương nhiệm. Trong nửa nhiệm kỳ đầu tiên, Chính phủ phải đối diện với hoàn cảnh chưa từng có trong lịch sử, bao gồm cả những bất ngờ lớn về địa chính trị quốc tế, đại dịch Covid-19 cũng như biến động khó lường của tình hình kinh tế trong nước.
Trong giai đoạn Covid-19, điểm đáng chú ý nhất về mặt chính sách giúp xoay chuyển tình thế khó khăn của kinh tế Việt Nam là gì, theo ông?
Cú xoay chuyển tình thế đầu tiên chúng ta thấy được ngay trong đại dịch Covid-19. Đó là thay đổi tư duy và hành động chống dịch, chuyển từ kiểm soát dịch bệnh theo kiểu “truy bắt và cách ly” sang chiến lược phủ rộng vaccine. Giai đoạn đầu của đại dịch, Việt Nam đã trở thành ngôi sao sáng toàn cầu trong việc chống dịch, chúng ta khoanh vùng, phong tỏa tập trung, truy vết dập dịch. Lối hành động này giống như đánh du kích, rất hiệu quả khi dịch chưa lan rộng.
Nhưng khi dịch lan ra diện rộng, tình thế thay đổi, chống dịch khó khăn hơn rất nhiều. Số ca nhiễm và số người tử vong do dịch tăng mạnh. Tiếp tục chống dịch theo cách cũ sẽ gây thảm họa khôn lường. Nhận thức rõ tình hình mới, chúng ta đã chuyển hướng, kiên quyết thực hiện chiến lược tiêm vaccine toàn dân.
Thời điểm đó, có nhanh vaccine là chuyện sống còn, song việc tìm kiếm nguồn vaccine gặp nhiều khó khăn. Thế giới đang khan hiếm vaccine. Việt Nam lại đang được coi là “hình mẫu chống dịch thành công với chiến lược truy vết – cách ly” nên không được ưu tiên cấp vaccine. Nhưng tình huống thực tế đòi hỏi Việt Nam bằng mọi cách phải có vaccine, có nhanh và nhiều. Phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong một dịp tổng kết về ngoại giao phản ánh rõ điều này: “Chúng ta đã vận động tích cực để các nước, đối tác nhượng lại, mua, vay… Nói chung là làm tất cả biện pháp để có vaccine. Không được phép e ngại, “sĩ diện” gì hết, miễn có vaccine”.
Thực tế cho thấy, các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, đi ngoại giao ở đâu có nguồn vaccine cũng cố gắng tiếp cận, để xin cho và xin mua. Cả nước huy động mọi nguồn lực từ bộ máy, doanh nghiệp, các tổ chức dân sự… để tiếp cận nguồn vaccine và sau đó triển khai tiêm thật nhanh. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chỉ trong một thời gian ngắn, Việt Nam trở thành hình mẫu tiêm chủng vaccine Covid, giúp đẩy lùi đại dịch, đưa nền kinh tế nhanh chóng trở lại bình thường.
Đó thực sự là một cú “xoay chuyển tình thế” ngoạn mục, cứu đất nước khỏi thảm họa mà nó đang lâm vào, đưa nền kinh tế vượt qua tình trạng đứt chuỗi, đứt mạch cung ứng đang kéo cả thế giới vào tình trạng bất ổn và suy thoái nghiêm trọng. Nó bộc lộ rõ năng lực và bản lĩnh quản trị, điều hành của Chính phủ chính trong hoàn cảnh khó khăn và thách thức gay gắt bậc nhất.
Nhưng trong 1.000 ngày vừa qua, đất nước còn trải qua không ít biến cố kiểu như vậy - đều là những biến cố thách thức Chính phủ thể hiện năng lực và bản lĩnh vượt qua.
Sau sự cố dịch covid, có thể kể đến tình thế đặc biệt gay go của một nền kinh tế đi sau, còn nhiều yếu kém nhưng lại mở cửa – hội nhập sâu rộng, lâm vào – tình trạng đứt chuỗi cung ứng toàn cầu. Hay nhiệm vụ sớm phục hồi nền kinh tế, giải thoát nhanh các doanh nghiệp Việt khỏi tình trạng “khát vốn” cực độ nhưng khả năng hấp thụ vốn lại đang suy kiệt. Rồi thách thức đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, có sứ mệnh “bơm máu” cứu nền kinh tế trong khi cơ chế giải ngân vẫn là thứ trì trệ lâu năm chưa được đổi mới.
Toàn những nhiệm vụ “thoát cũ” đặt ra từ lâu, nhưng chưa giải quyết được, đang tích nén, cộng hưởng với nhau thành một tổ hợp thách thức đầy tính “bất khả thi”.
Ở góc nhìn hướng tới tương lai, trong quãng thời gian 1.000 ngày qua, Chính phủ cũng xác định nhiều nhiệm vụ khác thường. Đó là cam kết mục tiêu phát triển đạt “zero carbon năm 2050”, phát triển nền kinh tế xanh, thay đổi căn bản cấu trúc năng lượng, theo hướng phát triển mạnh năng lượng tái tạo, năng lượng hydrogen, … - những cam kết được tuyên bố rõ ràng, với cả xã hội và thế giới. Định hướng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển mạnh kinh tế số, trở thành quốc gia sản xuất chip bán dẫn tầm cỡ… cũng được Chính phủ ráo riết thúc đẩy với tư cách là những nhiệm vụ chiến lược ưu tiên.
Tương lai đang được định hình mang tính thách thức rất cao, và rất khó hình dung mức độ khả thị. Thủ tướng nói đó là những thách thức vượt tầm. Kinh nghiêm “xoay chuyển tình thế” 1.000 ngày qua cùng những bài học rút ra từ đó cho thấy những thách thức mới thực sự đáng để nỗ lực, để Chính phủ có cơ hội phát huy năng lực và thể hiện bản lĩnh.
Thực tế 1.000 ngày qua, Chính phủ đã thực sự đương đầu với những thách thức đó, với nỗ lực vượt qua chúng. Kết quả đạt được ở những mức độ khác nhau, thậm chí có những thách thức còn gia tăng.
Điểm khác biệt tạo lòng tin vào Chính phủ, vào triển vọng thay đổi cục diện phát triển là ở cách tiếp cận hành động mới, với tầm nhìn phù hợp xu thế thời đại và tính quyết liệt cao mà Chính phủ vẫn đang kiên định triển khai.
Ngoài nỗ lực thông thương hàng hoá, dịch vụ ngay trong đại dịch, vấn đề khơi thông dòng chảy của tiền giúp cho các hoạt động kinh tế vận hành thông suốt thì sao?
Bản chất của nền kinh tế thị trường là “thông hàng” và “thông tiền”. Không thông hai món này thì nền kinh tế thị trường “chết”. Đó là nguyên lý sơ đẳng, vì thế, là tối cao.
Khi đại dịch diễn ra, nhiều hoạt động kinh tế bị ngưng trệ. Hàng hóa không lưu thông, không bán được, doanh nghiệp sẽ không có tiền để trả nợ ngân hàng. Khi mắc vào Covid, nền kinh tế bị “ngăn sông, cấm chợ”. Các trạm thu phí hầu như ngưng hoạt động, do xe chạy rất ít. Doanh nghiệp làm đường lấy tiền đâu để trả cho ngân hàng trong khi quy mô nợ vay làm đường là rất lớn? Bất động sản, đặc biệt là bất động sản du lịch, cũng bất động… Nhưng ở chiều ngược lại là lo ngại lạm phát. Người ta vẫn lo ngại rủi ro của việc bơm tiền ra ngay cả khi các mạch tiền bị nghẽn. Tắc nghẽn toàn tập!
Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp vùng vẫy, tìm đến kênh trái phiếu để thông dòng tiền. Nhưng khi kênh gọi vốn này “bùng” dậy, xuất hiện nguy cơ thiếu kiểm soát và đổ bể. Chính phủ buộc phải “siết” lại.
Vấn đề còn khó hơn nhiều khi đồng thời xảy ra các vụ án lớn liên quan đến trái phiếu và tài chính ngân hàng như vụ Tân Hoàng Minh, FLC và gần đây, Vạn Thịnh Phát, … Chúng nhân bội lên tình trạng tắc nghẽn trong lưu thông tiền và vốn.
Trong hoàn cảnh đó, khó khăn của việc ra quyết định chính sách nằm ở tình thế lưỡng nan: “bơm tiền” ra để cứu các doanh nghiệp (Việt) hay tiếp tục “siết chặt” các dòng tiền để giữ mức lạm phát thấp, bảo đảm ổn định vĩ mô đo qua CPI truyền thống – theo xu hướng chung của thế giới, như khuyến cáo của nhiều tổ chức kinh tế – tài chính và chuyên gia quốc tế?
Chính đó là bài toán “đánh đổi”, thách thức năng lực và bản lĩnh của Chính phủ.
Trong tình hình đó, một số chuyên gia đề xuất mở rộng nội hàm khái niệm “ổn định vĩ mô” – không chỉ tập trung ở “chỉ số CPI” mà còn là “sức khoẻ của doanh nghiệp”. Nếu doanh nghiệp tiếp tục chết hàng loạt thì nợ xấu sẽ tiếp tục tăng và cục máu đông của nền kinh tế sẽ ngày càng lớn.
Chính phủ đã lắng nghe và cân nhắc. Đến cuối năm 2022, Chính phủ đã quyết định theo cách tiếp cận: “tình thế bất thường, giải pháp phải khác thường” – không nên quá sợ lạm phát mà phải mạnh dạn bơm tiền ra để cứu khu vực kinh tế bản địa đang kiệt sức. Một quyết định thực sự can đảm, vượt qua những giáo điều lý luận đầy sức mạnh.
Đi kèm, Chính phủ ban hành Nghị định 08 sửa đổi, bổ sung cho Nghị định về trái phiếu doanh nghiệp vừa ban hành trước đó 3 tháng, để gỡ thế kẹt cho thị trường trái phiếu. Hành động này là “bất thuờng”, động cơ cứu doanh nghiệp và nền kinh tế vượt lên trên ý thức “sĩ diện” thông thường về “uy tín bộ máy”.
Cách hành động đó đã tạo cú huých cho dòng chảy của tiền, giúp thị trường tài chính thông suốt hơn. Tuy nhiên, hiệu quả phục hồi, cũng như chớp thời cơ trỗi dậy của nền kinh tế chưa đạt được như mong đợi có lẽ do sự chậm trễ của quá trình thực thi và tác động chính sách hoặc cũng có thể giải pháp cần được đưa ra sớm hơn.
Nỗ lực giải ngân đầu tư công của Chính phủ trong thời gian qua cũng cần được lý giải theo tinh thần và với động cơ như vậy – nghĩa là “chưa từng thấy”. Có lẽ chưa bao giờ Chính phủ lại quán triệt sâu sắc, đúng lúc, đúng chỗ một nguyên lý cơ bản của Kinh tế học – nguyên lý “chi tiêu ngân sách nghịch chu kỳ” - để “cứu” doanh nghiệp, cứu nền kinh tế thị trường như lần này.
Ông có thể giải thích cụ thể hơn: vì sao những giải pháp mang tính xoay chuyển tình thế lại không thể có tác động mạnh hơn?
Việc bơm tiền ra về mặt chủ trương có rồi nhưng doanh nghiệp có thể hấp thụ ở mức nào lại là một vấn đề khác. Khi doanh nghiệp trong nước đã kiệt sức, rủi ro cũng tăng lên nên khả năng hấp thụ cũng giảm. Ở phía kia, ngân hàng cũng sợ rủi ro, chỉ bơm tiền ra khi các khoản vay có đủ điều kiện “an toàn”. Mỗi bên đều có lý do riêng để e ngại. Và không dễ gì cải thiện dòng tiền trong tình thế đó. Nhưng nếu ai cũng giữ lý riêng của mình thì mỗi bên đều trở thành “bị hại”, người lao động và nền kinh tế sẽ bị tổn hại.
Còn với đầu tư công hay nhiều dự án đầu tư khác, nỗi sợ cũng là một yếu tố khiến việc giải ngân hoặc thực hiện dự án khó đẩy nhanh và mạnh. Bên cạnh đó, khi các thủ tục bị chậm, chi phí nguyên vật liệu, đền bù giải phóng mặt bằng tăng… làm phá vỡ phương án tài chính khiến cho việc đẩy nhanh giải ngân cũng khó, bộ máy cũng ngại, ít ai dám làm.
Nhưng phải khẳng định rằng mặc dù tác động của các biện pháp nói trên chưa được như mong muốn, nhưng chúng đã khơi dậy và củng cố niềm tin về nỗ lực hành động vì doanh nghiệp, vì nền kinh tế của Chính phủ. Chính phủ cũng không quan niệm ổn định vĩ mô “cứng nhắc”, chỉ chăm chăm vào chỉ số CPI thấp mà đã nhìn sức khoẻ doanh nghiệp Việt như một yếu tố nền tảng để ổn định vĩ mô.
Vậy làm thế nào để khiến cho những biện pháp xoay chuyển tình thế hiệu quả nhanh và mạnh hơn?
Tôi khẳng định lại: muốn xoay chuyển tình thế thực sự thì cần “tam thông”: thông suốt, thông thoáng và thông minh. Thông suốt về nguồn lực - nguyên vật liệu đầu vào và tiền bạc. Thứ hai, thông thoáng về cơ chế, chính sách. Thứ ba - thông minh của bộ máy điều hành, trong đó, các cá nhân phải có năng lực tự chịu trách nhiệm, quyết đoán và có quyền, có lực hành động. Và thông – đồng bộ từ trên xuống dưới.
Theo ông, có điểm gì chung phía sau những biện pháp xoay chuyển tình thế đó?
Phía sau những cú xoay chuyển tình thế đó toàn là rủi ro, rủi ro kinh khủng: rủi ro điều kiện khách quan, rủi ro thiếu nguồn lực, rủi ro tắc nghẽn cơ chế, rủi ro chính sách… Cho đến tận bây giờ, rủi ro của việc xoay chuyển tình thế vẫn còn.
Với những tình thế không bình thường phải có giải pháp khác thường. Nhưng để có tư duy mới và thực hiện những giải pháp khác thường, động cơ phải đủ mạnh và trong sáng mới làm được. Còn khi làm mà lại có chút “lăn tăn”, dễ phải trả giá đắt.
Tất nhiên, nói “đạo đức” và “đạo lý” thì dễ. Cần phải nhìn sự vật một cách khách quan tổng thể, phải chú ý đến hoàn cảnh và cấu trúc động cơ của mỗi người. Trong những vụ việc phát sinh liên quan đến đại dịch Covid, nhiều người phải “ký”, phải hành động “bất quy tắc”, thậm chí “trái quy tắc” là do tình thế cấp bách, do thấy cần phải làm như vậy để cứu nguy chứ không hoàn toàn do động cơ cá nhân, bị lòng tham tiền bạc chi phối.
Theo đánh giá của ông, tác động tổng thể của những biện pháp xoay chuyển tình thế đó đến nền kinh tế đang ra sao?
Điều thấy rõ nhất với năm 2023 là tốc độ tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước và có bước nhảy tốt (quý I là 3,32%; quý II là 4,14%; quý III là 5,33%). Điều thứ hai là khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn còn rất khó khăn nhưng đã có những điểm sáng rõ rệt, như lĩnh vực nông nghiệp. Cùng với đó, Việt Nam cố gắng giữ cho chỉ số công nghiệp, việc làm ở mức ổn định.
Cùng với việc tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, lạm phát vẫn được kiểm soát tốt (CPI bình quân 11 tháng chỉ tăng 3,22%). Điều này hàm ý nền kinh tế vẫn thiếu vốn, vì thế, cần và có thể chấp nhận một mức lạm phát cao hơn, để bơm nhiều tiền hơn ra thị trường. Nên có cách tiếp cận “khác thường” để khu vực doanh nghiệp nội địa phục hồi mạnh hơn.
Vậy với những biện pháp xoay chuyển tình thế đã thực hiện trong năm 2023, có thể kỳ vọng gì về kinh tế Việt Nam năm 2024?
Có những yếu tố khó đoán định do hoàn cảnh khách quan. Còn về nỗ lực Chính phủ, cách hành động và định hướng chính sách, tôi thấy cơ bản là ổn: tính thị trường ngày càng cao, xu thế trao quyền, trao nguồn lực cho các chủ thể bên dưới, cho địa phương, doanh nghiệp, kể cả khu vực tư nhân rõ hơn. Xu thế cơ chế, chính sách để đưa doanh nghiệp tư nhân vào cuộc, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế cũng mạch lạc, rõ nét hơn. Đây là yếu tố then chốt.
Về phát triển thị trường, những thị trường nền tảng đang được cải cách đúng hướng, như thị trường vốn, năng lượng, lao động. Luật Đất đai sửa đổi chưa được Quốc hội thông qua nhưng có thể coi là một tín hiệu tốt theo nghĩa Quốc hội đang hướng tới những thay đổi căn bản, giải quyết tận gốc vấn đề thị trường đất đai chứ không phải là những sửa đổi nhất thời, cục bộ, rồi lại dẫn tới tắc nghẽn trong tương lai.
Bây giờ là thời đại kinh tế mới, phát triển với thuộc tính “xanh” chi phối và trên nền tảng số – trí tuệ nhân tạo. Năng lực tham gia chuỗi chế tạo chip bán dẫn cao cấp là yếu tố quyết định vị thế quốc gia trong cục diện cạnh tranh toàn cầu. Theo đó, nhiều động lực mới đang được định hình. Năm 2024, chúng ta không nên chỉ trông đợi hay dốc “toàn lực” cho tốc độ tăng trưởng cao mà nên nhìn vào những động lực phát triển mới được hình thành. Thay đổi cấu trúc - đó là hiệu lệnh tối cao, xuyên suốt.
Trong năm 2023, Chính phủ đã định hướng nỗ lực chủ yếu theo hướng này. Thủ tướng đã cam kết “nền kinh tế zero carbon năm 2050”, đã tiếp xúc, mời gọi các Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Tín hiệu đáp ứng là nhanh, mạnh không ngờ. Động thái mới đã được xác lập. Thách thức thực sự bắt đầu phát sinh – những thách thức quốc gia xứng tầm!
Chính phủ cần nỗ lực biến những thách thức quốc gia đó thành cơ hội cho doanh nghiệp và cho cả xã hội, tạo điều kiện để mọi năng lực phát triển, mọi lợi thế tiềm năng đều được chuyển hóa thành lợi thế cạnh tranh, thành động lực phát triển thực tế.
Biến thách thức quốc gia thành cơ hội cho doanh nghiệp chính là thách thức quan trọng nhất đặt ra cho Chính phủ trong giai đoạn tới. Kinh nghiệm 1000 ngày đưa ra nhiều luận cứ để củng cố lòng tin vào năng lực và bản lĩnh vượt qua thách thức đó của Chính phủ.
Nhịp sống thị trường