Trao đổi với chúng tôi, Đại sứ Phạm Quang Vinh – Chủ tịch Hội Việt - Mỹ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nói: "Trong bối cảnh xảy ra nhiều cuộc khủng hoảng trên thế giới, Việt Nam đã thực hiện tốt chiến lược đối ngoại với các trụ cột: Độc lập, tự chủ, đa dạng hóa và hội nhập. Nhờ đó, chúng ta đã tăng cường quan hệ chặt chẽ với Mỹ, củng cố với Trung Quốc, nâng mối quan hệ với Nhật thêm 1 bước… mà không bị rơi vào cái bẫy cạnh tranh nước lớn, tạo ra nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, cơ hội và thách thức lớn luôn đan xen".
Nhiệm kỳ của Chính phủ hiện nay trải qua rất nhiều biến động về địa chính trị thế giới như đại dịch Covid, chiến sự Nga - Ukraine, Israel - Hamas… Trong bối cảnh như vậy, chiến lược ngoại giao của Việt Nam có gì thay đổi?
Nhìn lại ba năm, có hai câu chuyện, một là triển khai Đại hội XIII của Đảng, hai là thích ứng với tình hình mới, nhất là đại dịch bùng phát.
Trước hết, chúng ta cần bắt nguồn từ định hướng của Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra định hướng về phát triển đất nước đến 2030-2045, trong đó có đường lối về đối ngoại. Theo đó, chiến lược ngoại giao được chuyển đổi sang phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Để phục vụ mục tiêu này, chính sách đối ngoại cần làm được 3 việc.
Thứ nhất, phải giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định để tập trung cho phát triển kinh tế đất nước. Thứ hai, phải tranh thủ hội nhập và hợp tác kinh tế để tạo thêm nguồn lực cho phát triển nhưng chất lượng cao hơn và bền vững hơn. Thứ ba, khi tham gia vào hội nhập quốc tế phải phát huy được những thế mạnh của Việt Nam mức độ cao nhất.
Điểm thay đổi là với những việc cần làm đó nhưng khi đại dịch Covid xảy ra, rồi đi kèm với những bất ngờ của địa chính trị thế giới, chúng ta bắt buộc phải điều chỉnh để thích ứng với tình hình mới.
Thực tế, chính sách đối ngoại của Việt Nam trong nhiệm kỳ này còn chịu tác động của bối cảnh trước năm 2021 (giai đoạn 2020-2021) khi đại dịch Covid mới bắt đầu. Đại dịch đã tạo ra một bức tranh của thế giới rất khác và kéo theo nhiều thay đổi.
Cái khác lớn nhất là tất cả quốc gia trên thế giới cùng một lúc đều chịu tác động của dịch bệnh. Tiếp đến, để ngăn ngừa Covid, tất cả các quốc gia đều đề phòng, và phải đóng cửa biên giới. Sau đó, muốn vượt qua đại dịch, các nước không chỉ cần kiểm soát bằng những biện pháp y tế thông thường mà cần vaccine.
Trong bối cảnh ấy, nhiệm vụ cốt yếu nhất của Việt Nam trong 2020 - 2021 là làm sao kiểm soát được đại dịch và chính sách đối ngoại cũng là tập trung phòng, chống dịch.
Ông thấy đâu là những điểm nhấn trong những thay đổi chính sách đối ngoại của Việt Nam?
Câu chuyện nổi bật nhất của năm 2023 là sự chủ động chiến lược về đối ngoại, trong bối cảnh thế giới và khu vực chuyển biến sâu sắc, phức tạp, khó lường, bao gồm cạnh tranh nước lớn, xung đột, khủng hoảng, đến dịch bệnh, đứt gãy các chuỗi cung ứng.
Thứ nhất, đó là chủ động chiến lược trong quan hệ với các đối tác chủ chốt bao gồm nước lớn và các nước khu vực, đặc biệt là việc nâng tầm và làm sâu sắc quan hệ với hai đối tác hàng đầu là Trung Quốc và Mỹ, qua hai chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng trong năm 2023.
Thứ hai là chủ động tranh thủ cao độ nguồn lực cho phát triển, bắt kịp các xu hướng mới về chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu, tham gia các chuỗi cung ứng bền vững, chất lượng cao.
Thứ ba là chủ động, tích cực đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có vai trò trung tâm của ASEAN. Theo đó, Việt Nam đang có môi trường chiến lược, vị thế chiến lược và thời cơ chiến lược mới rất to lớn, thuận lợi cho tăng cường an ninh, phát triển và vị thế của Việt Nam.
Nhiệm vụ của thời gian tới là phải tiếp tục củng cố, làm sâu sắc và phát huy thế chiến lược mới đó của Việt Nam, trong đó có việc triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã đạt được với các đối tác. Đồng thời, từ tầm chiến lược mới, chúng ta cũng cần nghiên cứu, chủ động tham gia, khai thác các sáng kiến của các nước lớn, các đối tác chủ chốt về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm cả của Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và ASEAN, qua đó vừa thể hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá, vừa khai thác các mặt phù hợp và có lợi cho phát triển và an ninh của Việt Nam.
Năm 2023, câu chuyện về quan hệ đối ngoại của Việt Nam rất sôi động với chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam – quan hệ 2 nước nâng lên tầm đối tác chiến lược toàn diện, rồi chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình… Theo ông, điểm đột phá trong chiến lược đối ngoại của Việt Nam là gì?
Câu chuyện nổi bật nhất của quan hệ đối ngoại thể hiện trong năm 2023 là chủ động chiến lược. Thứ nhất là chủ động chiến lược trong quan hệ với các đối tác chủ chốt bao gồm nước lớn và các nước khu vực. Thứ hai là chủ động, sẵn sàng tham gia vào các sáng kiến ở Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương của các nước lớn và đối tác chủ chốt trong khu vực dù lợi ích giữa họ rất khác nhau và thậm chí cạnh tranh nhau. Đó là câu chuyện về Cộng đồng chia sẻ tương lai, sáng kiến Vành đai Con đường, kinh tế Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, rồi sáng kiến hướng Nam hay hướng Đông của Hàn Quốc, Ấn Độ…
Trước đây, chúng ta giữ quan điểm độc lập tự chủ, không chọn bên để tránh bị kẹt vào bẫy cạnh tranh nước lớn. Giờ đây, Việt Nam đã củng cố được quan hệ, nâng lên tầm chiến lược với những đối tác chủ chốt, bao gồm cả những nước lớn có cạnh tranh nhau, nhưng đã có thể chủ động khai thác những mảng thuận lợi nhất cho mình, phục vụ phát triển kinh tế đất nước.
Theo ông, điểm đột phá trong chiến lược ngoại giao tác động như thế nào đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sau hơn nửa nhiệm kỳ?
Hiện nay, chưa có những nghiên cứu cụ thể về tác động của những thay đổi trong chiến lược đối ngoại với tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, có thể nhìn thấy một bức tranh như thế này qua các con số sau.
Nền kinh tế Việt Nam có độ mở khoảng gần 200%. Trong năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam là khoảng 735 tỷ USD, GDP đạt khoản 409 tỷ USD, như vậy, thương mại quốc tế lớn gần gấp đôi GDP, chứng tỏ rằng thương mại đóng góp vào tăng trưởng GDP khá lớn.
Do đó, chúng ta luôn cố gắng giữ được quan hệ ngoại giao tốt với nhiều nước để giữ được động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, Việt Nam đã trở thành một mắt xích rất quan trọng trong chuỗi cung ứng và thương mại với Mỹ. Năm 2022, Việt Nam thặng dư thương mại gần 90 tỷ USD với Mỹ.
Không chỉ giữ được quan hệ thương mại với Mỹ, Việt nam còn giữ được mối quan hệ tốt với 3 trung tâm kinh tế rất lớn là châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu và Bắc Mỹ. Với quyết tâm của Chính phủ, tôi tin rằng Việt Nam sẽ có nhiều chuyển biến mới nhưng chuyển biến được đến đâu thì cần thêm thời gian.
Năm 2023, trong sự phát triển của mối quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ và Trung Quốc, ông nhận thấy điều gì thú vị?
Sự phát triển của quan hệ ngoại giao với Mỹ - Trung cho thấy rõ hơn về điểm nhấn chủ động chiến lược trong bức tranh đối ngoại chung của đất nước. Chúng ta không chỉ chỉ nhìn vào mối quan hệ Mỹ Trung là cạnh tranh nước lớn mà còn thấy rằng lợi ích quốc gia gắn rất nhiều với môi trường chiến lược và vị thế chiến lược. Khi Việt Nam hài hòa được 2 mối quan hệ này - mối quan hệ có tác động tiềm ẩn lớn nhất đối với thế giới và khu vực, môi trường chiến lược, vị trí chiến lược sẽ tạo ra các cơ hội giúp phát triển mạnh kinh tế đất nước.
Thực tế, khi xử lý tốt mối quan hệ nước lớn, chúng ta có vị thế để có quan hệ ngoại giao với các nước châu Á (Nhật, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ…) tốt, mà châu Âu, Nga hay Nam Thái Bình Dương cũng ổn. Nhờ đó, Việt Nam không chỉ đa dạng hóa về quan hệ đối ngoại, mà anh còn đa dạng hóa cả về kinh tế.
Để nói về câu chuyện thú vị, tôi thấy có 2 điều. Đầu tiên là một tổng thống Mỹ có thể sắp xếp lại tất cả lịch trình đối nội, đối ngoại của mình để đến thăm Việt Nam và chuyến thăm đó chỉ đến Việt Nam rồi về nước là điều rất lạ. Khi tổng thống Joe Biden đến Việt Nam, tất cả những nghi lễ ban bệ đều được diễn ra để nâng lên 2 cấp về đối tác chiến lược toàn diện, điều này chưa từng có tiền lệ.
Câu chuyện thứ hai cũng là một trường hợp hiếm. Đó là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng chỉ đến thăm Việt Nam rồi về nước. Điều này cho thấy giá trị của Việt Nam trong quan hệ với từng nước, cũng như cục diện của khu vực và thế giới đã khác nhiều so với trước.
Sự thay đổi tích cực về thích ứng và chủ động chiến lược trong quan hệ đối ngoại đã và sẽ mang đến những cơ hội và thách thức gì trong phát triển kinh tế Việt Nam?
Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về ngoại giao trong những năm qua, đặc biệt năm 2023, ngoại giao đã mang mang đến một môi trường thuận lợi giúp chúng ta tranh thủ được những cơ hội mới. Tuy nhiên, cơ hội luôn luôn đan xen với thách thức và vượt qua được thách thức thì mới tranh thủ được cơ hội.
Đầu tiên là câu chuyện tranh thủ quốc tế. Hiện nay, các nước lớn đều nhắm Việt Nam là nơi lý tưởng để đầu tư, chúng ta cần nắm bắt cơ hội này ngay.
Sau đó, chúng ta đã có nhiều cơ hội để phát triển công nghệ cao, công nghệ lõi điển hình như chip, bán dẫn. Tuy nhiên, trong đó cũng có những thách thức nhất định. Trên thế giới, công nghệ lõi đang có xu hướng phân tách giữa Trung Quốc, Mỹ và phương Tây, vậy chúng ta nên chọn hệ sinh thái nào để phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia.
Không chỉ công nghệ lõi mà bất kỳ công nghệ nào, chúng ta nên nhìn về lâu dài, có thể công nghệ này chọn Mỹ, công nghệ kia chọn Trung Quốc, công nghệ khác chọn châu Âu… Đó là một thách thức lớn.
Chúng ta cũng cần nhìn rõ, nhà đầu tư sẵn sàng rót vốn thì nhân lực, hạ tầng của mình cũng phải đáp ứng được. Đã là đầu tư thì họ cần nhất hai thứ, một là đầu tư an toàn và hai là đầu tư có lợi. Chúng ta nên tạo hành lang và cú hích bằng chính sách đầu tư và chính sách thuế để nhà đầu tư thấy được lợi ích và công nghệ, quyền lợi của họ được bảo đảm.
Có thể thấy, trước đây, nước Mỹ chưa bao giờ nói sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghệ liên quan đến bán dẫn. Năm 2023, lần đầu tiên Mỹ tuyên bố sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghệ bán dẫn. Đây thực sự là cơ hội chưa từng có, phải tranh thủ ngay để nhận được sự ủng hộ của cả doanh nghiệp và chính quyền đương nhiệm.
Tóm lại, hiện nay Việt Nam đang có vị thế và môi trường chiến lược mới, rất thuận lợi cho cả an ninh và phát triển của đất nước. Tuy vậy, để tranh thủ được thời cơ này, chắc chắn chúng ta còn cần phải tiếp tục làm nhiều hơn nữa, bao gồm cả nhất quán triển khai đường lối đối ngoại, hiện thực hóa các thỏa thuận, cũng như tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực của nền kinh tế, với ba khâu then chốt là khung chính sách, hạ tầng và nguồn nhân lực.
Nhịp sống thị trường