Hôm nay (11/4), Bamboo Airways là hãng đầu tiên thông báo rộng rãi sẽ tăng cường các chuyến bay trên chặng Hà Nội – TPHCM từ ngày 16/4 (lên 7 chuyến khứ hồi/ngày). Hãng này khẳng định sẽ nối lại khai thác thêm các đường bay nội địa khác, để tới ngày 20/4 tất cả đường bay nội địa sẽ được khôi phục như trước thời điểm thực hiện cách ly xã hội.
Tương tự, dù chưa đưa ra các thông báo chính thức, nhưng trên hệ thống bán vé của mình Vietjet Air cũng mở bán vé một số đường bay nội địa, với mỗi đường bay 1 chuyến/ngày, kể từ ngày 16/4.
Với Vietnam Airlines, từ ngày 7/4, hãng này đã có kế hoạch nối lại 1 số đường bay nội địa trong giai đoạn từ ngày 16 – 24/4. Tuy nhiên, chủ yếu khai thác đường bay TPHCM – Hải Phòng/Vinh/Nha Trang/Phú Quốc. Còn từ Hà Nội chủ yếu khai thác đường bay đi Đà Nẵng/TPHCM; phải tới ngày 19/4 mới nối lại đường bay Hà Nội – Phú Quốc.
Còn với Jetstar Pacific, hãng chưa có thông báo mới, còn lịch bán vé trên website vẫn tiếp tục trống các chuyến bay nội địa tới hết tháng 5 (trừ một số đường bay trục Hà Nội – Đà Nẵng – TPHCM).
Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho biết vừa đưa ra gói tín dụng đặc biệt trị giá 10.000 tỷ đồng cho khách hàng vay nhằm khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, với lãi suất giảm tới 2%/năm so với mức lãi suất thông thường.
Gói hỗ trợ đặc biệt này được áp dụng cho cả các khoản vay mới và các khoản vay hiện hữu của các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân, áp dụng cho cả các khoản vay ngắn hạn, trung hạn lẫn dài hạn. Chương trình dự kiến được triển khai đến hết ngày 30/09/2020 hoặc hết quy mô gói.
HDBank trong khi đó cũng công bố thêm gói tín dụng 5.000 tỷ đồng dành cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) có nhu cầu bổ sung nguồn vốn và đáp ứng các điều kiện tín dụng chuẩn SME của HDBank. Thời gian áp dụng từ nay đến hết 31/12/2020.
Lãi suất của gói tín dụng này chỉ từ mức 6,5%. Thủ tục xét duyệt hồ sơ đơn giản, chuẩn hoá, giao thẩm quyền đặc biệt về các đơn vị kinh doanh ở kênh phân phối để đẩy nhanh tốc độ xử lý hồ sơ và thông báo kết quả nhanh chóng trong ngày cho doanh nghiệp.
Như vậy tính đến thời điểm này, HDBank đã đưa ra các gói tín dụng tổng cộng 24.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi để giúp "giảm đau kinh tế" do ảnh hưởng bởi Covid-19.
Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 10/4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết NHNN và toàn bộ hệ thống ngân hàng đang triển khai quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp về điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người vay vốn bị thiệt hại bởi dịch bệnh.
Về hoạt động tín dụng, theo Thống đốc, đến ngày 31/3, tín dụng toàn nền kinh tế và hệ thống ngân hàng tăng 1,3% so với đầu năm (với tổng dư nợ vào khoảng hơn 8,3 triệu tỷ đồng). Đây là tín hiệu tương đối khả quan vì tín dụng hầu như không tăng trong hai tháng đầu năm, đến tháng 3 đã có bước tăng trưởng tích cực.
Năm 2020, NHNN dự kiến tín dụng tăng thêm cho nền kinh tế khoảng 900.000 tỷ đồng đến 1,1 triệu tỷ đồng, tức là mức tăng trưởng khoảng 11-14% so với cuối năm 2019.
Xem thêm tại https://cafef.vn/se-bom-them-tren-1-trieu-ty-dong-vao-nen-kinh-te-trong-nam-nay-20200411163107099.chn
Ngày 10-4, Bộ VH-TT&DL có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bổ sung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo đó, đề xuất có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, chủ nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay). Riêng người lao động mất việc làm trong cơ sở lưu trú du lịch đề nghị đưa vào diện được hỗ trợ trong gói 62.000 tỉ đồng giúp người dân gặp khó khăn chống dịch COVID-19.
Đối với chính sách hỗ trợ DN du lịch, cơ sở đào tạo du lịch và người lao động, miễn phí cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, nội địa; thẻ hướng dẫn viên du lịch trong năm 2020. Đầu tư cho các cơ sở đào tạo du lịch có áp dụng chương trình giáo dục trực tuyến đào tạo cấp theo Tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam.
Nhu cầu tăng cao giữa mùa dịch, trong khi tái đàn không kịp và nái giảm khiến giá thịt lợn liên tục "nhảy múa" tại nhiều khu vực do lo ngại khan hàng. Trước diễn biến thất thường của giá thịt lợn, trong khi đây là mặt hàng thiết yếu, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều chỉnh giá. Nhiều chuỗi siêu thị theo đó cũng đưa ra chương trình bình ổn giá, đồng thời tăng khuyến mãi nhằm kích cầu tiêu dùng.
Trong thông báo mới nhất, nhằm chung tay bình ổn giá thịt lợn, chương trình bình ổn giá thịt lợn đang được diễn ra tại Big C từ ngày 9/4/2020. Đặc biệt trong ba ngày cuối tuần hệ thống siêu thị Big C VIệt Nam giảm giá từ 6-25% các mặt hàng thịt lợn.
Gói hỗ trợ này ước có tổng giá trị lên đến 500 tỷ đồng. Đây là một trong những giải pháp về chính sách tài khoá mà Bộ Tài chính chủ động đề xuất với Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh tác động của tình hình dịch Covid-19.
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư điều chỉnh giảm giá 10-50% đối với 9 nhóm dịch vụ và miễn hoàn toàn giá đối với 6 nhóm dịch vụ thuộc lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam. Đồng thời, Bộ Tài chính đang tiếp tục phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát để thực hiện cắt giảm nhiều loại phí, lệ phí cho doanh nghiệp và người dân, nhất là liên quan đến thủ tục khởi sự kinh doanh. Tổng số phí, lệ phí cắt giảm trong thời gian còn lại của năm 2020 khoảng 500 tỷ đồng.
Vietnam Airlines vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 2019 đã được kiểm toán. Các số liệu tài chính không có nhiều thay đổi so với báo cáo tự lập.
Tuy nhiên hãng hàng không này đã nhấn mạnh tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động kinh doanh. Ban giám đốc Vietnam Airlines đánh giá ảnh hưởng tiềm tàng của Covid-19 đối với tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh, kèm theo các kế hoạch thích hợp trong ngắn hạn và dài hạn để kiểm soát sự không chắc chắn. Theo đó, khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ và gia hạn các khoản vay, các khoản phải trả từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng và các nhà cung cấp.
Số liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 10/4 cho thấy các biện pháp hạn chế ngằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã làm xáo trộn nền kinh tế hàng đầu thế giới, khiến khoảng 17 triệu người mất việc làm chỉ sau 3 tuần các doanh nghiệp đóng cửa trên toàn quốc.
Quốc hội Mỹ đã phải can thiệp bằng cách thông qua gói viện trợ trị giá 2,2 nghìn tỷ USD, cung cấp tiền mặt trực tiếp cho người dân Mỹ, trong khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng công bố hàng nghìn tỷ USD trong các chương trình cho vay mới để tăng thanh khoản.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã giảm 0,4% trong tháng 3 vừa qua. Mức sụt giảm này cao hơn một chút so với dự báo của giới chuyên gia, đồng thời đảo ngược tình thế so với những số liệu ghi nhận trong tháng trước đó - thời điểm chỉ số này đã tăng 0,1%.
Sự sụt giảm này là điều có thể lường được trước, đặc biệt trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi những hạn chế của chính phủ nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Cụ thể, giá vé máy bay tại Mỹ đã giảm 12,6%, trong khi giá thuê phòng khách sạn cũng giảm 6,8% và xăng giảm giá 10,5% do các hoạt động kinh tế bị đình trệ và những căng thẳng liên quan giá dầu giữa Nga và Saudi Arabia.
Chỉ số giá cốt lõi cho tất cả các mặt hàng, trừ thực phẩm và năng lượng, giảm 0,1%. Chỉ số thực phẩm chỉ tăng trưởng khiêm tốn 0,3%, trong đó thực phẩm tại nhà là ngành hàng đạt mức tăng trưởng cao nhất với 0,5%. Chỉ số giá cả hàng năm đã tăng 1,5% trong tháng 3 vừa qua, tuy nhiên vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 2,3% ghi nhận trong tháng trước đó.
Bài viết được tham khảo từ Báo Tin Tức. Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây.
Truyền thông sở tại dẫn nguồn Bộ Tài chính Thái Lan cho biết nước này sẽ xem xét các lựa chọn trong nước và nước ngoài cho gói vay trị giá 1.000 tỷ baht (hơn 30 tỷ USD) để triển khai một chương trình kích thích kinh tế lớn.
Khoản vay trên là một phần quan trọng trong gói cứu trợ kinh tế trị giá 1.900 tỷ baht (gần 60 tỷ USD) nhằm hỗ trợ các hộ gia đình thu nhập thấp, nông dân và các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 .
Theo Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT), nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á có lẽ sẽ suy giảm 5,3% trong năm nay.
Chánh văn phòng Quản lý Nợ công Patricia Mongkhonvanit cho biết cơ quan này đang tìm kiếm tất cả các khả năng, nhưng sẽ không vay tất cả 1.000 tỷ baht trong một lần mà sẽ chia ra thành từng giai đoạn theo nhu cầu của lộ trình triển khai gói cứu trợ kinh tế trên.
Bộ Tài chính Thái Lan đang rà soát các công cụ, bao gồm trái phiếu chính phủ , tín phiếu kho bạc, hối phiếu nhận nợ, khoản vay có kỳ hạn và trái phiếu tiết kiệm.
Việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các thị trường nợ nước ngoài cũng là những lựa chọn của nước này.
Tuy nhiên, bà Patricia cho biết trước hết, cơ quan này chủ yếu tập trung vào thị trường trong nước trong bối cảnh nhu cầu và khả năng thanh khoản nội địa đối với các công cụ của Bộ Tài chính đang ở mức cao.
Thâm hụt ngân sách Liên bang của Mỹ trong năm tài khóa 2020 tăng lên tới hơn 743 tỷ USD trong tháng 3, cao hơn 7,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Mức tăng này là do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Dữ liệu của Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 10/04 không phản ánh gói giải cứu kinh tế khẩn cấp trị giá 2.200 tỷ USD mà Tổng thống Donald Trump đã ký thành luật vào ngày 27/3 vừa qua.
Đến nay, Bộ Tài chính Mỹ vẫn dự đoán thâm hụt hàng năm sẽ chỉ dưới 1.100 tỷ USD cho năm tài chính hiện tại kết thúc vào ngày 30/9 tới. Tuy nhiên, các biện pháp ứng phó của Chính quyền Tổng thống Trump đối với đại dịch Covid-19, được dự báo sẽ khiến tăng gấp 3, thậm chí gấp 4 lần thâm hụt ngân sách Liên bang do doanh thu từ thuế giảm mạnh, tăng chi tiêu cho mạng lưới đảm bảo an toàn và các biện pháp khẩn cấp bơm tiền vào nền kinh tế đã bị tàn phá nặng nề.
Một nhóm các nghị sĩ bảo thủ đã kêu gọi Quốc hội Mỹ trì hoãn xem xét dự luật cứu trợ Covid-19. Những nghị sĩ có quan điểm cứng rắn về ngân sách đã cảnh báo rằng việc cho phép thâm hụt ngân sách và nợ liên bang tăng khó kiểm soát có thể khiến việc đối phó với khủng hoảng kinh tế trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết, Hạ viện đang cân nhắc giới thiệu một biện pháp giải cứu khác có thể lên tới 1.000 tỷ USD.
Ông Đặng Hoàng Hải Anh, Giáo sư thỉnh giảng ĐH Indiana, Mỹ nói với Trí Thức Trẻ.
-Có một điểm đáng chú ý trong diễn biến dịch Covid-19 ở Mỹ là số lượng lao động thất nghiệp tăng rất nhanh, hơn tất cả các đợt khủng hoảng đã từng xảy ra. Tại sao thị trường lao động của Mỹ lại dễ tổn thương đến vậy?
Số lượng người thất nghiệp ở Mỹ hiện nay đã lên khoảng 17 triệu người, và được đánh giá là còn có thể vượt hơn cả thời điểm đại suy thoái của nước Mỹ những năm 1930.
Theo tôi có hai nguyên nhân tác động mạnh đến thị trường lao động Mỹ hiện nay. Thứ nhất, dịch Covid-19 đã đánh trúng vào yếu điểm nội tại của nền kinh tế Mỹ, là một nền kinh tế tiêu dùng (consumer economy) dựa trên một thị trường lao động rất đặc thù.
Lệnh phong tỏa để phòng dịch đã đóng băng phần lớn các hoạt động kinh tế. Trong khi đó, thị trường lao động Mỹ lại có các hợp đồng lao động đa phần linh hoạt, ngắn hạn, và không bảo đảm công việc lâu dài như là các nền kinh tế mạnh trong khối G20. Có đến hơn một nửa số lao động làm công ăn lương chỉ được trả lương theo giờ. Nhưng thị trường lao động Mỹ có điểm mạnh là thuế thu nhập thấp hơn và nhiều điều kiện thuận lợi cho các công ty phát triển.
Tổ chức Fitch Ratings (Fitch) vừa thông báo về việc giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB và điều chỉnh triển vọng sang Ổn định. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay, việc Fitch xác nhận giữ nguyên bậc tín nhiệm quốc gia ở mức BB phản ánh nỗ lực chống dịch Covid-19 của Việt Nam tác động tốt đến tín nhiệm quốc gia.
Tổ chức này cũng đánh giá cao việc Việt Nam củng cố tình hình tài khóa và tích lũy dự trữ ngoại hối, góp phần tăng mức đệm dự phòng trước những rủi ro vĩ mô.
Ngay trong tháng vừa qua, Fitch đã có động thái điều chỉnh đánh giá tín nhiệm tiêu cực đối với 19 nước trên toàn cầu, trong đó 12 quốc gia bị hạ bậc tín nhiệm và 7 quốc gia bị hạ triển vọng...
Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng 10/4, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, Bộ đã chủ động đề xuất các giải pháp về chính sách tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Cụ thể là việc trình Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020NĐ-CP về việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Xem Infographic tại đây https://cafef.vn/infographic-n...
Ngày 10/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ sớm công bố các thành viên trong một hội đồng có nhiệm vụ tập trung vào quá trình mở cửa trở lại nền kinh tế của nước này sau khi đại dịch COVID-19 qua đi.
Đây được xem là nhóm chuyên trách thứ hai của Tổng thống Trump trong thời điểm Mỹ đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ tác động của COVID-19.
Phát biểu trong cuộc họp báo, Tổng thống Trump cho biết: "Thông báo về các thành viên trong hội đồng sẽ được công bố vào ngày 13/4. Đây là nhóm chuyên trách thứ hai hoặc cũng có thể gọi là một hội đồng phụ trách việc mở cửa trở lại nền kinh tế. Nhóm này sẽ bao gồm những bác sĩ giàu kinh nghiệm, các doanh nhân, cũng như có thể có thống đốc của các bang."
Một số nguồn tin cho biết hội đồng trên sẽ có Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và cố vấn kinh tế cấp cao của Nhà Trắng Larry Kudlow.
Ngoài ra, nhà kinh tế học Art Laffer cũng đang được cân nhắc cho một vị trí trong hội đồng.
Cũng tại cuộc họp báo, Tổng thống Trump thừa nhận rằng quyết định khi nào mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ sẽ là thời khắc quan trọng nhất đối với ông.
Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết: “Tôi sẽ phải đưa ra quyết định và tôi hy vọng đó sẽ là một quyết định đúng đắn. Mặc dù vậy, đây vẫn sẽ là quyết định lớn nhất mà tôi thực hiện.”
Theo nguồn tin thân cận tiết lộ với CNBC, Boeing hiện đang cân nhắc về một số phương án nhằm cắt giảm khoảng 10% lực lượng lao động. Hiện tại, nhà sản xuất máy bay vẫn chưa đưa ra quyết định, nhưng lựa chọn cuối cùng có thể là cho phép nhân viên tự nguyện nghỉ làm, nghỉ hưu sớm hoặc sa thải bắt buộc.
Boeing hiện có khoảng 160.000 nhân viên trên toàn thế giới, nhưng việc cắt giảm lương có thể sẽ tập trung vào bộ phận máy bay thương mại - vốn đang phải đối mặt với áp lực tài chính lớn. Ở thời điểm hiện tại, Boeing không sản xuất bất kỳ một máy bay thương mại nào do đại dịch Covid-19.
Hôm thứ Hai, công ty cho biết họ sẽ tạm ngừng sản xuất dòng máy bay 787 Dreamliner tại Nam Caroline do ảnh hưởng của đại dịch. Đây là một động thái khiến toàn bộ hoạt động sản xuất máy bay thương mại của hãng bị đình trệ. Thông báo này được đưa ra sau khi Thống đốc bang Nam Caroline Henry McMaster yêu cầu hầu hết người dân ở trong nhà, chỉ ra ngoài khi có việc cần thiết như mua hàng thiết yếu hoặc thăm gia đình.
Trước khi đóng cửa toàn bộ nhà máy do Covid-19 bùng phát, Boeing đã ngừng hoạt động sản xuất tại nhà máy Renton (Washington) - nơi chế tạo 737 Max.
Hôm thứ Tư, công ty đối thủ - Airbus, cũng cho biết sẽ cắt giảm 1/3 sản lượng máy bay thương mại do nhu cầu đối với máy bay mới sụt giảm, khi các hãng hàng không trên thế giới dự kiến sẽ hoãn hoặc huỷ đơn đặt hàng.
Trí Thức Trẻ