Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của 27 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên sàn chứng khoán
Ngân hàng MSB vừa công bố báo cáo tài chính III/2021 với nhiều chỉ tiêu hoàn thành và vượt mục tiêu đề ra cho cả năm.
Theo đó, tính đến hết tháng 9, tổng thu nhập thuần hợp nhất của ngân hàng đạt hơn 7.669 tỷ đồng, tăng hơn 59% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi thuần (NII) vẫn là động lực chính cho sự tăng trưởng với kết quả đạt hơn 4.523 tỷ đồng, tăng hơn 37% so với cùng kỳ năm trước với biên lãi thuần (NIM) đạt 3,86% nhờ lãi suất đầu vào vẫn ở mức thấp.
Với kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt ở hầu hết các mảng chính, lũy kế 9 tháng MSB đạt hơn 4.128 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất trước thuế, gấp gần 2,5 lần với cùng kỳ, vượt kế hoạch lợi nhuận của năm 2021 (3.280 tỷ đồng).
Tổng tài sản của hợp nhất MSB tính đến 30/9/2021 đạt hơn 195,5 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 10% so với đầu năm, vượt kế hoạch 190.000 tỷ đồng tổng tài sản của năm 2021 đặt ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên.
Tăng trưởng cho vay khách hàng của MSB hết quý III/2021 đạt hơn 23,5% so với đầu năm với dư nợ đạt 97.996 tỷ đồng, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước. Nợ xấu tính riêng của ngân hàng ở thời điểm 30/9/2021 kiểm soát tốt ở mức 1,31%, giảm so với quý 2 (1,6%).
Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam - BIDV (mã BID ) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 3/2021.
Theo đó, tổng thu nhập hoạt động trong quý 3 của BIDV ở mức 15.247 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ trong khi tổng chi phí hoạt động tăng 29% khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ còn tăng 20,3% so với cùng kỳ, đạt 10.176 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của BIDV tăng 52%, ở mức 10.733 tỷ đồng. Với kết quả này, ngân hàng đã hoàn thành 82,6% kế hoạch lợi nhuận cho năm nay (13.000 tỷ đồng).
Tại ngày 30/9/2020, tổng tài sản của BIDV tăng 11,2% lên hơn 1,68 triệu tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng tăng 9,4%, lên gần 1,33 triệu tỷ đồng. Huy động tiền gửi tăng 6,8%, đạt 1,3 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ cho vay/tiền gửi của ngân hàng vẫn ở mức cao với 100%.
Về chất lượng cho vay, tính đến cuối tháng 9/2021, BIDV đang có tổng cộng 21.433 tỷ đồng nợ xấu, gần như không đổi so với đầu năm. Do tăng trưởng tín dụng ở mức khá tốt nên đến cuối tháng 9, tỷ lệ nợ xấu/cho vay giảm xuống còn 1,61%, so với mức 1,76% hồi đầu năm.
Báo cáo tài chính vừa công bố của Vietcombank (VCB) cho thấy, lợi nhuận trước thuế quý 3/2021 của ngân hàng đạt 5.738 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ . Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận của ngân hàng đạt 19.311 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái với sự tăng trưởng tích cực ở hầu hết các mảng kinh doanh.
Như vậy trong cả quý 3 và 9 tháng, Vietcombank đều giữ vững ngôi vị quán quân về lợi nhuận, không thấp hơn Techcombank như dự báo.
Tại ngày 30/9/2021, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 1,38 triệu tỷ đồng, tăng 4,4% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 11,5% đạt 936.343 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 7,4% đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh lên 1,16% trên tổng dư nợ.
Theo báo cáo tài chính của VPBank vừa công bố, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng hợp nhất trong quý 3/2021 đạt 2.698 tỷ đồng, giảm 4,1% so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng, lợi nhuận của ngân hàng đạt 11.736 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, tỷ lệ đóng góp lợi nhuận của ngân hàng mẹ vào ngân hàng hợp nhất chiếm đến 92%, tăng so với mức 88% của 6 tháng đầu năm.
Tại ngày 30/9/2021, tổng tài sản của VPBank hợp nhất đạt 479.432 tỷ đồng, tăng 14,4% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 9,1% đạt 317.290 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng 2,5% đạt 239.357 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế quý 3/2021 của Sacombank sụt giảm so với cùng kỳ khi ghi nhận lãi từ hoạt động dịch vụ giảm mạnh.
Cụ thể, lãi từ hoạt động dịch vụ trong quý 3/2021 giảm tới 53% so với cùng kỳ, chỉ đạt 589 tỷ đồng. Lãi từ kinh doanh ngoại hối cũng kém khả quan hơn, chỉ đạt 150 tỷ, giảm 6% so với cùng kỳ. Lãi từ hoạt động khác giảm 89% xuống còn 39 tỷ. Thu nhập lãi thuần quý 3 đạt 3.313 tỷ, tăng 9,1%. Lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán đạt 68 tỷ, tăng 11 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đó, tổng thu nhập hoạt động trong kỳ của Sacombank đạt 4.198 tỷ đồng, giảm 12,7%. Ngân hàng cũng kiểm soát chi phí hoạt động, giảm 7,7% xuống 2.424 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 3.249 tỷ, tăng 39,7%. Lãi sau thuế đạt 2.553 tỷ đồng, tăng 38,4%.
Tại ngày 30/9/2021, tổng tài sản của Sacombank đạt 494.295 tỷ đồng, tăng 0,4% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 4,8% đạt 356.440 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng giảm 2,1% xuống 418.839 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay giảm từ 1,7% xuống 1,56%.
Tác động của dịch Covid-19 bắt đầu tác động lên hoạt động của ngành ngân hàng quý 3. Không ít các ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm hoặc tăng thấp do phải tăng trích lập dự phòng rủi ro. Nợ xấu cũng đã tăng cao hơn trong 3 tháng vừa rồi.
Ví dụ, báo cáo tài chính quý 3/2021 của VietBank, ngân hàng ghi nhận nợ xấu tăng thêm 40% trong quý 3 vừa rồi so với cùng kỳ năm trước, lên 1.243 tỷ đồng, và so với đầu năm đã tăng gần 60%. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng mạnh lần lượt 275% và 159% trong 9 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) cũng tăng 9% lên 653 tỷ đồng.
Tại Techcombank, sau diễn biến rất tích cực trong nửa đầu năm, nợ xấu trong quý 3/2021 của nhà băng này cũng bất ngờ tăng thêm hơn 710 tỷ đồng, tương đương tăng 63,5% lên 1.819 tỷ đồng. Dù rằng tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này vẫn ở mức thấp nhất toàn ngành, chỉ 0,6%, nhưng đã cao hơn đáng kể so với mức 0,4% vào cuối quý 2.
Tương tự tại MB, sau khi giảm mạnh trong nửa đầu năm, nợ xấu có dấu hiệu tăng trở lại trong quý 3. Tại ngày 30/9/2021, nợ xấu của MB ở mức 3.186 tỷ đồng, tăng 26% so với 3 tháng trước đó. Nợ xấu tăng trở lại trong quý 3 của MB đến từ nợ nhóm 5 và nợ nhóm 4, lần lượt tăng 51,3% và 37,2%. Tuy nhiên, nhờ diễn biến tích cực 2 quý trước, nợ xấu của ngân hàng cuối tháng 9 vẫn thấp hơn 1,9% so với đầu năm. Đồng thời, nhờ tổng dư nợ cho vay tăng mạnh 12,8% nên tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đã giảm từ 1,09% (đầu năm) xuống còn 0,95% (cuối tháng 9).
ACB cũng ghi nhận nợ xấu tiếp tục tăng trong quý 3. Tại ngày 30/9/2021, nợ xấu của ngân hàng là 2.822 tỷ đồng, tăng 21,2% so với cuối quý 2 và tăng 53% so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng mạnh nhất, lần lượt tăng 201% và 76% trong 9 tháng đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ACB tăng từ 0,6% lên 0,85%.
Trước đó, báo cáo trước Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cũng khẳng định, nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm nay dự kiến sẽ ở mức từ 7,1% - 7,7% lên xấp xỉ 8%. NHNN đánh giá độ trễ sẽ còn tác động cả sang năm 2022 nên ngành ngân hàng sẽ vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Báo cáo tài chính hợp nhất của HDBank (HDB) vừa công bố cho thấy, lợi nhuận của ngân hàng quý 3/2021 đạt 1.891 tỷ đồng, tăng 31,6% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt 6.084 tỷ đồng, tăng 38,9% so với cùng kỳ và hoàn thành 84% kế hoạch cả năm.
Lợi nhuận tăng nhờ tất cả các mảng kinh doanh trọng yếu đều tăng tốt với tổng thu nhập từ hoạt động 9 tháng tăng 23,6% đạt gần 12.130 tỷ đồng, trong đó riêng mảng dịch vụ tăng 88,6%.
Tại ngày 30/9/2021, tổng tài sản của ngân hàng đạt 346.355 tỷ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước. Dư nợ cho vay tăng 16,1% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng riêng lẻ chưa đến 1%, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng hợp nhất ở mức 1,4%, đều thấp hơn cùng kỳ năm trước.
An toàn vốn, thanh khoản được đảm bảo. Vốn chủ sở hữu đạt 29.270 tỷ, tăng 22,5% so với cùng kỳ, giúp hệ số an toàn vốn CAR (chuẩn Basel II) tăng mạnh lên 13,5%. Các tỷ lệ an toàn thành khoản khác đều tốt hơn mức quy định của NHNN.
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - CTG) công bố kết quả kinh doanh quý 3/2021 cho thấy lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 3.060 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước và cũng là quý cho kết quả thấp nhất trong 3 quý. Tuy nhiên nhờ quý 1 lãi cao nên lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế của VietinBank đạt 13.910 tỷ đồng, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, hai mảng kinh doanh quan trọng nhất đều tăng trưởng tốt. Thu nhập lãi thuần quý 3 đạt 9.872 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu nhập hoạt động (lũy kế tại 30/9/2021 chiếm 80%) và tăng 24% so với cùng kỳ năm trước nhờ ngân hàng tiếp tục kiểm soát tốt chi phí vốn. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ quý 3 đạt 1.154 tỷ đồng và lũy kế 9 tháng đạt 3.794 tỷ tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2021, dư nợ cho vay khách hàng tại VietinBank đạt 1,084 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 6,8% so với đầu năm. Tiền gửi của khách hàng đạt 1,073 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so với đầu năm. Tổng tài sản đạt tăng xấp xỉ 8% đạt gần 1,448 triệu tỷ đồng.
Lợi nhuận của VietinBank từ quý 3/2018 tới nay (đồ hoạ: KAL)
Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 11.884 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, lợi nhuận trước thuế của quý 3 là 3.898 tỷ đồng, tăng 29,3%.
Các mảng kinh doanh của MB đều tăng trưởng mạnh. Trong đó, thu nhập lãi thuần 9 tháng đầu năm 2021 đạt 19.029 tỷ đồng, tăng 31,4%. Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 21,6% đạt 3.021 tỷ đồng; lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 76,6% đạt 518 tỷ đồng; lãi từ mua bán chứng khoán tăng 64% đạt 1.427 tỷ, lãi từ hoạt động khác tăng tới 95% đạt 2.346 tỷ đồng.
Nhờ vậy, tổng thu nhập hoạt động 9 tháng của ngân hàng đạt 26.817 tỷ, tăng 36,5%. Chi phí hoạt động tăng 21,8% lên 8.914 tỷ đồng.
Ngân hàng đẩy mạnh trích lập dự phòng trong quý 3, tăng 101,2% so với cùng kỳ lên 1.778 tỷ. Theo đó, lũy kết chi phí dự phòng rủi ro 9 tháng đầu năm là 6.018 tỷ đồng, tăng 43,5% so với cùng kỳ.
Tại ngày 30/9/2021, tổng tài sản của Mb đạt 555.595 tỷ đồng, tăng 12,2% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 12,8% lên 336.426 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 10,6% đạt 343.949 tỷ đồng.
Nợ xấu của MB giảm nhẹ 1,9% trong 9 tháng đầu năm xuống 3.186 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay theo đó giảm từ 1,09% xuống còn 0,95%.
Theo BCTC quý 3 của ACB, ngân hàng đạt thu nhập lãi thuần 4.520 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Lãi từ hoạt động dịch vụ cũng tăng 29%, đạt gần 636 tỷ đồng. Lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh tăng gần 10 lần, lên 183 tỷ đồng, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư gấp 2,4 lần, đạt 92 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động trong quý 3 tăng 30% lên 2.254 tỷ đồng, đồng thời ngân hàng cũng tăng mạnh trích lập dự phòng gấp 4 lần cùng kỳ do đề phòng viễn cảnh nợ xấu, kết quả là lợi nhuận trước thuế gần như không thay đổi so với quý 3 năm ngoái, giữ quanh 2.102 tỷ đồng.
Tuy nhiên nhờ kết quả tốt trong 6 tháng đầu năm nên lũy kế 9 tháng đầu năm, ACB lãi trước thuế tăng 40% so với cùng kỳ, đạt 8.968 tỷ đồng.
Đến cuối tháng 9, tổng tài sản tăng 8% so với đầu năm, lên mức 479.309 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 8% ở mức 336.491 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 0,6% đầu năm lên 0,85%.
Về nguồn vốn, tiền gửi khách hàng tăng 4% so với đầu năm, ghi nhận 365.770 tỷ đồng. Tiền vay các TCTD khác giảm 46%, còn 4.733 tỷ đồng. Phát hành giấy tờ có giá tăng mạnh 47%, lên mức 32.469 tỷ đồng, chủ yếu là trái phiếu kỳ hạn 3 năm tăng mạnh.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank – SGB) công bố báo cáo tài chính quý III/2021. Theo đó, 9 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 194 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể, 3 quý đầu năm, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 453 tỷ đồng, tăng 1,6% so với cùng kỳ. Lãi từ hoạt động dịch vụ giảm 19,8% xuống 21 tỷ. Trong khi đó, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng mạnh 42% lên 32,6 tỷ. Lãi từ hoạt động khác tăng 36,9% lên 90,2 tỷ đồng.
Tổng thu nhập hoạt động trong kỳ đạt 597 tỷ, tăng 6,4%. Chi phí hoạt động tăng nhẹ 0,9% lên 360 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 15,9% đạt 237 tỷ đồng.
Chi phí dự phòng rủi ro của ngân hàng trong 9 tháng là 42,6 tỷ, tăng mạnh 57% so với cùng kỳ. Theo đó, lợi nhuận trước thuế đạt 194 tỷ, lãi sau thuế đạt 161 tỷ đồng.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên, Saigonbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 135 tỷ đồng. Như vậy sau 9 tháng, ngân hàng đã về đích sớm, hoàn thành 144% kế hoạch.
Cuối tháng 9, tổng tài sản của ngân hàng đạt 22.678 tỷ đồng, giảm 5,3% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng giảm 2,5% xuống 15.448 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng giảm 1,2% xuống 18.004 tỷ đồng.
Nợ xấu của Saigonbank cuối tháng 9 là 309 tỷ, tăng 38% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu theo đó tăng từ 1,44% lên 2,05%.
Theo BCTC quý III, PG Bank (UPCoM: PGB) ghi nhận thu nhập lãi thuần giảm 18% xuống 203 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 11% lên 5,7 tỷ đồng, trong khi các nguồn thu ngoài lãi khác như lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 35%, lãi từ hoạt động khác giảm 57%. Chi phí hoạt động trong kỳ giảm 7% xuống 141 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 41% so với cùng kỳ, còn hơn 95 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ được hoàn nhập dự phòng hơn 1,7 tỷ đồng, ngân hàng báo lãi trước thuế 97 tỷ đồng, gấp 4,6 lần cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, chi phí dự phòng giảm 64% xuống 93 tỷ đồng, giúp PGBank lãi trước thuế gấp đôi cùng kỳ, đạt 272 tỷ đồng, tương đương 88% kế hoạch.
Đến 30/9, tổng tài sản PGB tăng 2% so với đầu năm, lên 36.793 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm 10%, còn 570 tỷ đồng, tiền gửi tại tổ chức tín dụng (TCTD) khác tăng 12%, 6.574 tỷ đồng. Cho vay khách hàng đi ngang 25.695 tỷ đồng. Tuy nhiên nợ xấu tăng 13% so với đầu năm, lên 708 tỷ đồng nợ xấu, nâng tỷ trong trong cơ cấu dư nợ từ 2,44% lên 2,75%. Về nguồn vốn kinh doanh, tiền gửi khách hàng giảm 7%, xuống 26.803 tỷ đồng, tiền gửi của các TCTD khác tăng 49% lên 4.224 tỷ đồng.
Techcombank ( HoSE: TCB ) công bố lãi trước thuế quý 3 năm nay đạt 5.562 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận 9 tháng đạt 17.098 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2020, tương đương 86% kế hoạch cả năm.
Đến 30/9, tổng tài sản ở mức 541.635 tỷ đồng, tăng 23% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng hơn 321.042 tỷ đồng, tăng 16%. Nợ xấu tăng 41% so với đầu năm lên 1.828 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nâng từ 0,47% lên 0,57%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng 170% cuối năm trước lên 184%.
Tiền gửi của khách hàng đạt 316.376 tỷ đồng, tăng 14%. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ở mức 120.464 tỷ đồng, chiếm 49% tổng tiền gửi, tăng so với mức 44% đầu năm.
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, SSB) báo lãi trước thuế 974 tỷ đồng, tăng 110% trong quý 3 và lũy kế 9 tháng đạt 2.530 tỷ đồng, tăng 123% so với cùng kỳ 2020. So với kế hoạch năm, lợi nhuận của SeABank vượt 5%.
Đến cuối tháng 9, SeABank đạt tổng tài sản hơn 197.000 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Tiền gửi và cho vay liên ngân hàng tăng 24% đạt 31.940 tỷ đồng, chứng khoán kinh doanh tăng gấp hơn 5 lần lên 13.883 tỷ đồng, tài sản có khác tăng gần gấp rưỡi lên trên 9.000 tỷ đồng.Cho vay khách tăng 3% so với đầu năm lên 111.000 tỷ đồng. Nợ xấu giảm 3% xuống 1.896 tỷ đồng, nhờ đó tỷ trọng trong dư nợ hạ từ 1,85% xuống 1,68%.
Tiền gửi khách hàng ở mức 110.440 tỷ đồng, giảm 3% so với đầu năm. Ngân hàng có 2.020 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, bên cạnh quỹ tín dụng 456 tỷ đồng.
Nhịp sống kinh tế