MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ phú 'săn' siêu phi cơ: Một 'cú' lãi 5 - 7 triệu đô là thường!

25-11-2013 - 20:00 PM |

Đầu cơ nhà đã quá "xưa", các đại gia nay lại có chiêu mới để kiếm bộn tiền trong nháy mắt từ siêu phi cơ: bán lại nhanh - thu lời gấp.

Nội dung nổi bật:

- Các đại gia lại có chiêu kiếm tiền mới từ siêu phi cơ: bán lại nhanh - thu lời gấp.

- Dòng máy bay cá nhân khoang rộng đang cực "hot" trong giới tỷ phú. Khổ nỗi chúng hiếm đến mức ký hợp đồng từ năm 2013 thì phải đến năm 2017 mới có hàng. Do đó, không ít đại gia sẵn sàng rút ví mua lại để khỏi phải đợi lâu.

- Chỉ thiệt cho nhà sản xuất vì máy bay chưa chính thức đến tay khách hàng thì đã bị bán lại.


Đầu cơ nhà đã quá "xưa", các đại gia nay lại có chiêu mới để kiếm bộn tiền trong nháy mắt từ siêu phi cơ: bán lại nhanh - thu lời gấp.

Lượng cầu dòng máy bay G650 - loại phản lực đắt tiền nhất của hãng Gulfstream - tăng mạnh đến nỗi các chủ sở hữu quyết định bán lại cho người khác với giá cao hơn để lấy lời, đôi khi lãi dao động từ 5 - 7 triệu USD/chiếc.

Nhà tỷ phú Bernie Ecclestone, ông trùm giải đua Công Thức I, vừa bán lại chiếc G650 cho một doanh nhân châu Á với giá 72 triệu USD, cao hơn ít nhất 6 triệu USD so với giá mua gốc. Cuộc giao dịch diễn ra ngay sau khi Ecclestone nhận được máy bay chuyển từ Gulfstream có vài tuần.

Trong bức email gửi cho báo CNBC, nhà tỷ phú viết: "Tôi rất lấy làm tiếc khi đã bán mất chiếc G650, đó là một chiếc phi cơ tuyệt vời trên mọi phương diện. Thêm nữa, đáng ra tôi nên chuyển sân bay đi chỗ khác" (ám chỉ chiếc máy bay bị quá khổ so với một số sân bay yêu thích của ông).

Đến tỷ phú còn phải xếp hàng mới có

Dân tư vấn và môi giới máy bay cho biết mới đây có ít nhất hai nhân vật vừa bán lại chiếc G650 với giá 70 triệu USD và hai hợp đồng đang được tiến hành thương thảo. Một trong số đó là đại gia người Mỹ với bên mua là khách hàng châu Á. Các hợp đồng còn lại đều đến từ các tỷ phú người Nga, Mỹ La Tinh và Trung Đông.

Các vụ mua bán kể trên cho thấy dòng chuyên cơ khoang rộng - loại máy bay to nhất, đắt nhất hiện nay - đang cực kỳ hút khách, trong khi thị trường máy bay cá nhân còn lại khá ảm đạm. Lượng máy bay doanh nhân xuất xưởng giảm hơn 30% so với đỉnh điểm năm 2008. Giá bán một số loại còn đang rớt hẳn một nửa.

Mặc dù vậy, máy bay khoang rộng vẫn là thứ được các tỷ phú và tập đoàn quốc tế cực kỳ ưa chuộng. Với tầm bay xa, nội thất rộng rãi, chúng có thể chở được nhiều hành khách hơn, đi xa hơn mà vẫn đảm bảo tiện nghi. Chiếc G650 có giá cơ bản 64,5 triệu USD, được mệnh danh là vua của phi cơ tư nhân khoang rộng, tầm bay trên 7000 dặm và vận tốc cực đại Mach 0.925 hay 982km/giờ.

G650 được mệnh danh là vua của phi cơ tư nhân khoang rộng.

G650 được xếp vào hàng hiếm. Từ khi ra mắt vào cuối năm ngoái cho đến nay, mới chỉ có 30 đến 35 chiếc được xuất xưởng, ấy vậy mà tỷ phú nào cũng muốn sở hữu cho bằng được. Nhà thiết kế lừng danh Ralph Lauren và nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey cũng phải xếp hàng chờ mua một cái. Lượng cầu quá mạnh đến nỗi người mua phải ký hợp đồng từ bây giờ thì đến quý 3 năm 2017 mới có hàng. Đó là lý do tại sao nhiều đại gia sẵn sàng rút 70 triệu USD để có "ngay và luôn" chiếc phi cơ trong tay.

"Các tỷ phú rất chịu chi để khỏi phải đợi lâu", Philip Rushton, nhà sáng lập công ty tư vấn và môi giới hàng không Aviatrade cho biết.

Mua đi bán lại, ai thiệt nhất?

Đành rằng các vụ mua bán cho nhà sản xuất thấy giá trị và lượng cầu của chiếc máy bay ngất ngưởng đến thế nào, nhưng công ty cũng phải chứng kiến khách hàng đang kiếm bộn từ chính sản phẩm mình làm ra ra sao, một con dao hai lưỡi! Gulfstream không tiết lộ thêm chi tiết bất cứ vụ bán lại nào nhưng vẫn nói: "Nếu khách hàng thực sự trả giá cao hơn, đây chính là minh chứng cho đẳng cấp của G650".

Vấn đề là khách hàng chưa nhận máy bay về đã tìm cách bán đi luôn. Guflstream cho biết: "Họ không thể bán lại khi cái máy bay thật sự còn chưa về với tay mình được! Thế này còn đi trước cả đầu cơ, không tốt cho thị trường chút nào!"

Công ty bèn bổ sung điều khoản "không thể chuyển nhượng" trong hợp đồng, tức sau khi đã đặt bút ký thì quyền sở hữu không thể tiếp tục chuyển giao.

Một số khách hàng lại "lách luật" bằng cách mua máy bay dưới danh nghĩa một công ty hàng không mới thành lập. Sau đó họ sẽ bán công ty cho người mua mới, và thế là lại chuyển giao quyền sở hữu máy bay thông qua công ty một cách đường hoàng. Dân môi giới cho biết Gulfstream đã "bắt quả tang" được mánh này nên giờ lại yêu cầu người ký phải đi theo hợp đồng cho đến khi máy bay chính thức được chuyển giao. Lần này không rõ các đại gia còn chiêu nào để "lách" tiếp không?

>> Siêu máy bay 40 triệu USD cực sang trọng của tay golf trứ danh nước Mỹ

Thùy An

kyanh

CNBC

Trở lên trên