MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VNPT sẽ thoái hết vốn đầu tư ngoài ngành vào năm 2015

13-04-2013 - 10:53 AM |

Trong giai đoạn 2012 - 2015, VNPT sẽ sử dụng Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện làm công cụ để thoái vốn cho tập đoàn với các khoản đầu tư ngoài ngành sản xuất kinh doanh chính.

Ngày 12/4/2013, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã có buổi làm việc với Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện. Đây là buổi làm việc để lãnh đạo Bộ TT&TT nắm được tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như mô hình hoạt động của công ty hiện nay phục vụ cho việc tiến hành tái cơ cấu toàn bộ VNPT sắp tới.  

Tại buổi làm việc, ông Trần Duy Hải - Giám đốc Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện đã báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Sau giai đoạn công ty bị lâm vào khủng hoảng vào năm 2007 - 2008, VNPT đã phải tiến hành cơ cấu và sắp xếp lại bộ máy. Hội đồng thành viên Tập đoàn phải miễn nhiệm toàn bộ ban lãnh đạo cũ, bổ nhiệm ban lãnh đạo mới và chuyển công ty sang hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên; sau đó, công ty tinh giảm 50% bộ máy.

Ông Hải cho biết, trong giai đoạn 2012 - 2015, VNPT sẽ sử dụng Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện làm công cụ để thoái vốn cho Tập đoàn với các khoản đầu tư ngoài ngành sản xuất kinh doanh chính. Đối với các khoản đầu tư của công ty, sẽ tiếp tục chờ thị trường chứng khoán hồi phục và tranh thủ những đợt thị trường tăng điểm để thoái vốn tại các danh mục đầu tư của công ty. 

Như vậy, VNPT sẽ hoàn thành thoái vốn các khoản đầu tư ngoài ngành vào năm 2015. "Mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo là công ty sẽ trở thành công cụ quan trọng của VNPT để tiếp cận các thị trường vốn ngắn hạn, dài hạn trong nước và quốc tế; đóng vai trò trung gian huy động vốn, được sử dụng như cầu nối giữa các nhà đầu tư đến với các dự án BCVT - CNTT của VNPT. 

Đồng thời, công ty sẽ đảm nhiệm vai trò tập trung, điều hòa lượng vốn tạm thời nhàn rỗi trong nội bộ VNPT và các đơn vị thành viên theo nguyên tắc thị trường", ông Hải chia sẻ.

Ông Phạm Long Trận - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT cũng thẳng thắn chỉ ra rằng đã có thời kỳ "cơn bão" suy giảm trên thị trường chứng khoán làm cho Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện lâm vào khủng hoảng, thậm chí bị xếp vào danh sách kiểm soát đặc biệt và chính VNPT phải tìm nhiều phương án tháo gỡ.

Phát biểu tại buổi làm việc này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, việc ra đời các công ty tài chính tại các tập đoàn rộ lên suốt một thời gian. Bị cuốn theo hội chứng đám đông, nhiều công ty tài chính cũng đầu tư lớn vào lĩnh vực chứng khoán, trong đó có Công ty Tài chính Bưu điện. 

Vì vậy, các cơ quan chức năng đã cảnh báo và yêu cầu cải tổ lại doanh nghiệp. Sau đó, công ty dần giải quyết những tồn đọng và bắt đầu có lợi nhuận. Nhưng các hoạt động này lại nằm ngoài ngành nghề kinh doanh chính là BCVT- CNTT.

"Hoạt động thoái vốn của công ty đã bắt đầu song mắc ở thị trường chứng khoán và thị trường OTC. Dư âm hậu quả đầu tư vẫn còn, hiệu quả kinh doanh chưa cao. Đầu tư ngoài ngành cũng có lợi nhuận, nhưng không phải kinh doanh chính nên công ty sẽ phải tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của mình. 

Bộ TT&TT sẽ chỉ đạo tiến hành tái cơ cấu VNPT để công ty mẹ tập trung đầu tư theo mô hình quản lý tài chính mà các nước đang làm. Vì vậy, phải tính toán lại mô hình và vai trò của công ty tài chính trong VNPT khi tiến hành tái cơ cấu", Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói.

Đề cập đến mô hình của Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện, ông Phạm Hồng Hải - Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho rằng: "Nếu theo mô hình Tập đoàn đóng vai trò đầu tư tài chính thì vai trò đầu tư tài chính rất quan trọng. Thế nhưng, VNPT đang có đồng thời cả Ban Tài chính Kế toán và Công ty Tài chính Bưu điện thì có bị chồng chéo hay không? 

Vì vậy, trong tương lai VNPT phải tách bạch và xây dựng chiến lược rõ ràng cho sự phát triển của bộ phận này, bởi đầu tư tài chính có tác động rất lớn nhằm tư vấn cho Tập đoàn đầu tư đúng và hiệu quả nhất".

Theo NT

kyanh

ICTnews

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên