MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại phẫu CTCK 2013: Đổi vận hay lặng lẽ 'chết'

Năm 2013 chứng kiến nhiều CTCK đã bằng cách này cách khác lặng lẽ rút khỏi hoặc biến mất trên thị trường như: Cao Su, SME, Hà Nội, Trường Sơn, Thủ Đô, Liên Việt...

TTCK năm 2013 chứng kiến những cuộc phẫu thuật lớn để thay đổi mình của đa số các công ty chứng khoán (CTCK). Nhiều doanh nghiệp đã thay da đổi thịt nhưng cũng không ít đơn vị chưa hề thấy dấu hiệu của sự đổi vận, thậm chí chính thức phải từ bỏ cuộc chơi.

Đổi mới để đổi vận

Sau một năm triển khai đề án tái cấu trúc TTCK, trong đó có CTCK, chiều 9/12/2013, lần đầu tiên Ủy ban Chứng khoán trao giấy phép hợp nhất cho 2 công ty.

Theo đó, cổ phiếu MBS của CTCP Chứng khoán MB (vốn điều lệ 1.200 tỷ) và VITS của CTCP Chứng khoán VIT (46 tỷ) được hoán đổi và hợp nhất thành một CTCK mới, vẫn lấy tên là MBS. CTCK hợp nhất là một thực thể có quy mô vốn nhỏ hơn (so với quy mô hợp nhất của 2 công ty ban đầu) với vốn điều lệ mới là 621,24 tỷ đồng.

Với quyết định hợp nhất nói trên, cái tên chứng khoán VIT sẽ biến mất, trong khi thương hiệu MBS sẽ được giữ lại. Tuy nhiên, đây được coi là một thành công lớn cho cả ba bên: MBS, VIT và cả các cơ quan quản lý thị trường.

Quyết định hợp nhất trên được xem là cách thức để các DN này hợp thức hóa việc xóa lỗ lũy kế, lập ra một đơn vị có tình hình tài chính lành mạnh hơn, thay vì mỗi thực thể cũ có lỗ lũy kế lên tới gần một nửa vốn ban đầu. Thực thể mới thừa kế toàn bộ các điểm mạnh về nhân sự, hệ thống công nghệ, mạng lưới chi nhánh, hệ thống khách hàng, thương hiệu, sản phẩm mà MBS đang có.

VITS tuy mất tên nhưng cổ đông không mất tiền và còn trở thành ông chủ của một trong những CTCK vẫn được đánh giá thuộc tốp giữa và có khả năng bứt phá trở lại vị trí tốp đầu như họ đã từng làm được (MBS trước là CTCK Thăng Long).

Còn với MBS, cái "được" lớn nhất laf lột xác trở thành một DN có tài chính lành mạnh thông qua việc hợp nhất với VITS - tuy nhỏ nhưng rủi ro tài chính thấp hơn so với rất nhiều CTCK khác.

Gần đây, giới đầu tư cũng đã biết đến thông tin SBS xin ý kiến hợp nhất với Chứng khoán Phương Nam (PNS). Trên thực tế SBS từng nổi tiếng hơn rất nhiều PNS. Tuy nhiên, sau nhiều năm thua lỗ và bị hủy niêm yết trên HOSE từ hồi tháng 3 vì âm vốn chủ sở hữu, SBS đã rớt xuống một vị trí rất thấp. PNS trong khi đó vẫn là một CTCK thuộc tầm trung với vốn 340 tỷ đồng. Điều đáng quan tâm có lẽ ở chỗ tình hình tài chính của PNS vẫn khá tốt, có lãi và đòn bẩy vốn thấp.

Mặc dù vậy, phương án hợp nhất SBS với PNS được nhiều người đánh giá cao bởi PNS khỏe mạnh, có quản trị tốt, trong khi SBS dù khó khăn nhưng lại có nền tảng của một CTCK lớn và đang hồi phục trở lại. Nếu hợp nhất thành công, đây sẽ là một bước tiến nữa cho các DN trong quá trình "thay máu" hoạt động kinh doanh.

SBS cũng được biết đến là một trường hợp điển hình nhất về tái cơ cấu CTCK. Cho dù đã bị hủy niêm yết (tháng 3/2013), nhưng với sự thay đổi mạnh mẽ trong đường hướng phát triển và bộ máy lãnh đạo cao cấp, SBS đã gặt hái được không ít quả ngọt. Quý III/2013, công ty mẹ báo lãi sau thuế 94 tỷ đồng, gấp 10 lần cùng kỳ năm ngoái và cao hơn rất nhiều CTCK đang niêm yết trên sàn.

Một số CTCK ở tốp đầu cũng mạnh mẽ thay đổi, tập trung vào mảng môi giới và tư vấn - vốn được xem là mảng sáng trên TTCK thời gian gần đây, để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình, xác định vị trí dẫn đầu của mình.

Trong quý III/2013, CTCK TP.HCM (HSC) tiếp tục duy trì vị trí đứng đầu trên cả hai sàn chứng khoán TP.HCM và Hà Nội. Các CTCK đứng trong tốp đầu về thị phần môi giới như HSC, SSI, ACBS, VNDS, MBS, MBKE, FPTS có tỷ trọng doanh thu ở mảng này trong tổng doanh thu đều gia tăng. Trong đó MBKE có tỷ trọng doanh thu môi giới trên tổng doanh thu từ mức chưa đến 38% trong năm 2012 lên xấp xỉ 48% trong nửa đầu của năm 2013. Hiện khoảng 55-65% thị phần giao dịch trên hai sàn rơi vào tay 10 CTCK hàng đầu, phần còn lại chia cho 90 CTCK khác.

Chứng khoán Bản Việt (VCSC) là một trường hợp nổi bật trong quý III/2013. Trên sàn HOSE, DN này đã nâng thị phần lên trên 8,3% và vượt qua ACBS để đứng vị trí thứ 3 về môi giới.

Tính theo chỉ tiêu lợi nhuận, một số CTCK lãi lớn và vượt chỉ tiêu chỉ trong 9 tháng như: SSI (lợi nhuận sau thuế 350 tỷ), ACBS (186 tỷ), HSC (180 tỷ), VNDS (118 tỷ), KLS (gần 98 tỷ), BVSC (78,6 tỷ), VPBS (68 tỷ)...

BVS, FPTS, VNDS, SSI, HSC, VPBS cũng là những CTCK được Sở chứng khoán Hà Nội (HNX) vinh danh là thành viên tiêu biểu trong năm 2013. Đây cũng là lần đầu tiên HNX lựa chọn và vinh danh các thành viên tiêu biểu trong năm nhằm ghi nhận và khích lệ sự đóng góp của các CTCK.

Bên cạnh các "ông lớn", nhiều CTCK nhỏ hơn cũng đang gồng mình tìm kiếm đất sống ở những thị trường không được các đại gia quan tâm nhiều như UPCOM. Trong quý III/2013, ngoài VNDS vẫn dẫn đầu UPCOM với hơn 18%, các CTCK khác cũng đang khai thác mạnh thị trường này với Chứng khoán Dầu khí (PSI) đứng thứ 2 (hơn 17%); VCBS đứng thứ 3 với gần 13%. KIS và SBS cũng lần đầu tiên xuất hiện trong tốp đầu trên thị trường này.

CTCK Techcombank (TechcomSC), trong khi đó có lãi lớn, gần 100 tỷ trong 9 tháng đầu năm, tăng 58% so với cùng kỳ nhờ mảng tư vấn trái phiếu.

Khó khăn còn dồn ép

Vậy mà phần lớn các CTCK còn lại vẫn đang phải gồng mình gánh khó khăn dồn ép, nhất là với DN nhỏ. Mặc dù nhiều công ty đã có những quyết định bước ngoặt nhằm bảo vệ lợi ích cho cổ đông như giải thể, chia tiền (Chợ Lớn, Âu Việt, Sao Việt... ) nhưng không ít vẫn đang loay hoay, thậm chí còn trông đợi vào sự may mắn.

Tại Chứng khoán Phương Đông (ORS), tình hình dường như đã dịu bớt sau cơn biến mang tên Huyền Như làm đảo lộn mọi hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, hiện tượng cổ đông lớn thoái vốn (Sunimex bán 1,8 triệu cổ phiếu, Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn đăng ký bán 2,4 triệu cổ phiếu) và sự "ra đi" của hàng loạt các nhân sự cao cấp khiến nhiều người lo ngại.

Gần đây nhất là việc ông Nguyễn Trát Minh Phương xin từ nhiệm chức Trưởng ban kiểm soát, ông Trần Xuân Nam rời ghế tổng giám đốc sau 9 tháng tại vị và chuyển sang làm "cấp phó" cho Chứng khoán Phương Nam.

Dù đã rất nỗ lực nhưng kết quả kinh doanh của ORS vẫn khá èo uột. Cả năm công ty lỗ khoảng 1,62 tỷ. Lý do: doanh thu mỏng, quý III đạt chưa tới 2 tỷ đồng, bằng 50% so với cùng kỳ và thấp xa so với mức 130 tỷ đồng trong năm 2011.

Rất nhiều CTCK khác vẫn thua lỗ trong quý III/2013, như: chứng khoán Woori CBV, An Thành, Kenaga, Chứng khoán ngân hàng Đông Á (DASC), Mirae Asset, Sen Vàng, Việt Thành, Rồng Việt, Phương Đông, Hồng Bàng...

Trong số các CTCK thua lỗ, nhiều DN đang ở tình trạng rất khó khăn. Chứng khoán Hồng Bàng (HBSC) hiện vẫn thuộc diện kiểm soát đặc biệt và khó có thể khắc phục được tình trạng này do tiếp tục thua lỗ trong quý III. Cuối 2012, HBSC có tỷ lệ an toàn tài chính là 120% thì tỷ lệ này tụt xuống còn 78% vào cuối quý II/2013.

Điều đáng ngại là doanh thu của HBSC rất thấp, quý III/2013 chỉ đạt 112 triệu đồng.

Các CTCK nhỏ như Woori CBV, An Thành, Kenaga... đều chứng kiến hầu hết các mảng hoạt động giảm mạnh so với cùng kỳ 2012 do khó cạnh tranh với các CTCK lớn hơn. Dù cắt giảm tối đa chi phí nhưng kết quả thua lỗ là khó tránh khỏi.

Bên cạnh các CTCK thua lỗ nhưng còn xoay sở để tồn tại, năm 2013 chứng kiến nhiều CTCK đã bằng cách này cách khác lặng lẽ rút khỏi hoặc biến mất trên thị trường như: Đại Việt, Cao Su, SME, Hà Nội, Trường Sơn, Thủ Đô, Liên Việt, An Phát...

Nhìn vào số liệu thống kê sau hơn một năm đẩy mạnh tái cơ cấu, có thể thấy, các cơ quan chức năng đã có nhiều bước đi khá mạnh mẽ, nhất là trong việc hoàn chỉnh khung pháp lý và giám sát hoạt động của các CTCK.

Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình lột xác của chính các DN trong lĩnh vực này dường như vẫn khá chậm chạp. Số lượng CTCK thực sự có thể "sống được" trên thị trường vẫn đếm trên đầu ngón tay. Số lượng CTCK thua lỗ vẫn rất nhiều (chiếm khoảng 45%).

Trong khi đó, tính tới điểm hiện tại, mới có 3 CTCK mở thủ tục rút giấy phép hoạt động do không khắc phục được tình hình tài chính; 2 CTCK phải tạm dừng hoạt động; trên 15 CTCK không còn thực hiện nghiệp vụ môi giới; 3 CTCK đang làm thủ tục giải thể; và chỉ có 2 CTCK hợp nhất.

Với bước đi hợp nhất đột phá của MBS và VITS và sự cởi mở về chính sách đối với khối ngoại, nhiều NĐT đang kỳ vọng TTCK sẽ chứng kiến sự bùng nổ về mua bán sáp nhập trong khối các CTCK trong năm 2014.

Theo Huấn Tú

phuongmai

VEF

Trở lên trên