MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp cung cấp sơn cho Hòa Phát, Hoa Sen đặt mục tiêu lãi trăm tỷ, chia cổ tức tiền mặt đều đặn 30% mỗi năm

Doanh nghiệp cung cấp sơn cho Hòa Phát, Hoa Sen đặt mục tiêu lãi trăm tỷ, chia cổ tức tiền mặt đều đặn 30% mỗi năm

Bên cạnh tình hình kinh doanh ổn định, HPP được biết đến là doanh nghiệp chi trả cổ tức bằng tiền rất cao, duy trì mức 30% trong nhiều năm nay. Trong năm 2022, doanh nghiệp dự kiến tiếp tục chia cổ tức ở mức 30%.

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến những đợt rung lắc mạnh trong thời gian gần đây. Trong bối cảnh thị trường gặp nhiều biến động, cổ phiếu của doanh nghiệp có yếu tố nội tại tốt với mức cổ tức đều đặn luôn nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư. Cổ phiếu HPP của CTCP Sơn Hải Phòng là một trong những cái tên gây chú ý với mức chi trả cổ tức bằng tiền cao trên thị trường.

Song hành cùng đà thăng hoa của thị trường chung trong năm vừa qua, cổ phiếu này cũng tăng mạnh lên mức giá đỉnh lịch sử 83.300 đồng/cp (cuối tháng 9/2021), tăng gấp hơn 2 lần so với mức giá hồi đầu năm. Sang đến năm 2022, thị trường chung biến động khiến giá cổ phiếu HPP không tránh khỏi đà sụt giảm. Hiện, cổ phiếu đang giao dịch tại vùng giá 62.500 đồng/cp, giảm 25% so với mức đỉnh cũ.

Doanh nghiệp cung cấp sơn cho Hòa Phát, Hoa Sen đặt mục tiêu lãi trăm tỷ, chia cổ tức tiền mặt đều đặn 30% mỗi năm - Ảnh 1.

Kinh doanh ổn định, tỷ lệ chi trả cổ tức cao

Theo tìm hiểu, Sơn Hải Phòng (mã chứng khoán HPP) tiền thân là Xí nghiệp hóa chất sơn dầu, chính thức đi vào hoạt động theo mô hình CTCP vào năm 2004 với số vốn điều lệ là 20 tỷ đồng. Năm 2010, doanh nghiệp tiến hành đăng ký giao dịch trên sàn Upcom.

Về lĩnh vực hoạt động, Sơn Hải Phòng chủ yếu sản xuất và kinh doanh sơn các loại như sơn tàu biển, sơn công nghiệp, sơn chống cháy… cùng với kinh doanh vật tư, thiết bị, hóa chất thông thường.

Đáng chú ý, HPP là đơn vị cung cấp sản phẩm sơn tấm lợp cho nhiều "ông lớn" trong ngành thép như Hoa Sen, Hòa Phát, CTCP Tôn mạ VNSTEEL Thăng Long – Hà Nội, CTCP Tôn Vikor.

Trong giai đoạn 2017-2020, HPP đưa ra thị trường các sản phẩm mới như sơn sàn công nghiệp, sơn chống cháy (năm 2017), sơn Economy (năm 2018) và sơn thép mạ kẽm (năm 2019). Xét về tình hình kinh doanh của HPP tăng trưởng khá đều đặn, lợi nhuận trước thuế từ 55 tỷ đồng năm 2017 lên 111 tỷ đồng trong năm 2020. Sang đến năm 2021, tác động nặng nề từ dịch Covid và giá nguyên vật liệu leo thang khiến biên lợi nhuận giảm mạnh từ 26% xuống còn 17%. Khấu trừ chi phí, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 71 tỷ đồng, giảm 32% so với mức thực hiện năm trước.

Ban lãnh doanh nghiệp cho biết kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh do doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn do giá nguyên liệu tăng đột biến. Các nguyên liệu chính dùng cho sản xuất tăng rất mạnh, cá biệt có loại tăng đến 200%. Điển hình là giá dầu đỗ tăng giá từ 18.000 đồng/kg tăng lên 38.300 đồng/kg; Nhựa Epoxy tăng từ 1,55 USD/kg tăng lên 5,2 USD/kg; Titan tăng từ 1,8 USD/kg tăng lên 3 USD/kg... Giá nguyên liệu tăng vọt làm giá vốn tăng cao cộng thêm việc sản lượng tiêu thụ sụt giảm khiến cho lợi nhuận không đạt theo kế hoạch đề ra.

Doanh nghiệp cung cấp sơn cho Hòa Phát, Hoa Sen đặt mục tiêu lãi trăm tỷ, chia cổ tức tiền mặt đều đặn 30% mỗi năm - Ảnh 2.

Trong năm 2022, doanh nghiệp đánh giá khả năng phục hồi tăng trưởng kinh tế của các quốc gia tùy thuộc vào chính sách kiểm soát dịch bệnh và quy mô các gói phục hồi kinh tế. Doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu đạt 909 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tăng 32% lên mức 100 tỷ đồng trong năm nay. Về sản lượng sơn và nhựa Alkyd tiêu thụ dự kiến đạt 14.000 tấn.

Về kế hoạch đầu tư trong năm 2022, doanh nghiệp dự kiến chi khoảng 150 tỷ đồng. Theo đó, HPP xác định một trong những mục tiêu quan trọng trong hạng mục đầu tư của năm nay là chuẩn bị quỹ đất cho việc xây dựng nhà máy mới, công suất từ 15.000 đến 20.000 tấn/năm. Đến nay, doanh nghiệp đã đàm phán xong về giá cả và vị trí của thửa đất tại khu công nghiệp Nam Đình Vũ.

Bên cạnh tình hình kinh doanh ổn định, HPP cũng là doanh nghiệp chi trả cổ tức bằng tiền rất cao, duy trì mức 30% trong nhiều năm nay. Trong năm 2022, doanh nghiệp dự kiến tiếp tục chia cổ tức ở mức 30%.

Động lực tăng trưởng trong dài hạn

Trong báo cáo phân tích của Chứng khoán KBSV đưa ra ba động lực tăng trưởng chính của HPP trong những năm tới bao gồm (1) mảng sơn tàu biển, (2) mảng sơn công nghiệp (3) định giá hấp dẫn trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng ổn định 2 chữ số duy trì trong nhiều năm.

Doanh nghiệp cung cấp sơn cho Hòa Phát, Hoa Sen đặt mục tiêu lãi trăm tỷ, chia cổ tức tiền mặt đều đặn 30% mỗi năm - Ảnh 3.

Nguồn: Chứng khoán KBSV

Thứ nhất, cùng với sự phục hồi của ngành vận tải biển và thủy sản, chuyên gia phân tích KBSV cho rằng tiêu thụ sơn tàu biển của HPP được nhận định sẽ tăng trưởng tích cực trong năm 2022. Cụ thể, tác động tích cực của việc nới lỏng giãn cách cùng các đội tàu khai thác thuỷ sản, vận tải đường sông và ven biển hoạt động trở lại từ cuối năm 2021 sẽ giúp tăng trưởng cả năm đạt lần lượt 12% và 16.8% đồng thời tạo tiền đề tăng trưởng cho năm 2022.

Bên cạnh đó, tiêu thụ sơn công nghiệp của HPP sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ gói đầu tư công quy mô 150 nghìn tỷ đồng nhờ vào kinh nghiệm cung cấp sơn cho các dự án đường bộ lớn trong nước như Ga Cát Linh - Hà Đông, cầu vượt Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Cửa Lục 1,… và sơn phủ cho các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu lớn như Hoà Phát, Tôn Hoa Sen, VNSteel,…

Đồng thời sản lượng tiêu thụ ngành sơn nói chung và HPP dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng 14% trong 10 năm tới nhờ vào vào việc đẩy mạnh quá trình đô thị hóa cùng đầu tư cơ sở hạ tầng (theo báo cáo của hiệp hội Sơn và Mực in Việt Nam (VPIA. Đội ngũ phân tích KBSV cho rằng với mức tăng trưởng EPS trung bình 5 năm là 12% và tỷ lệ chi trả cổ tức hàng năm 3.000 đồng/cp, HPP là cổ phiếu giá trị thích hợp cho việc nắm giữ trong trung và dài hạn.

https://cafef.vn/doanh-nghiep-cung-cap-son-cho-hoa-phat-hoa-sen-dat-muc-tieu-lai-tram-ty-chia-co-tuc-tien-mat-deu-dan-30-moi-nam-2022052610021183.chn

Thanh Thanh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên