Tại Việt Nam, bên cạnh các sản phẩm nước giải khát quen thuộc như Coca Cola, Pepsi,…thì các sản phẩm mang thương hiệu Wonderfarm, Kirin (trà bí đao, nước cốt dừa, trà sữa, nước giải khát...) của Công ty Cổ phần Thực phẩm Interfood (mã IFS) cũng khá quen thuộc với người dân. Thậm chí, sản phẩm nước bí đao Wonderfarm còn thường xuất hiện trong các dịp Tết, đám cưới ở nông thôn.
Hành trình của thương hiệu Wonderfarm bắt đầu từ cuối những năm 1991, khi Interfood được thành lập với lĩnh vực hoạt động chính là chế biến nông sản, thuỷ sản thành các sản phẩm đóng hộp để xuất khẩu.
Tới năm 2005, Interfood ký hợp đồng với Wonderfarm Biscuits and Confectionery để thuê thương hiệu Wonderfarm cho các sản phẩm của công ty. Thương hiệu trà bí đao Wonderfarm nhanh chóng làm mưa làm gió, đem về thị phần lớn cho công ty.
Được đà tiến lên, tháng 8/2005, IFS được chuyển thành công ty cổ phần và cuối năm 2006, cổ phiếu IFS lên sàn chứng khoán, thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư.
Cổ phiếu "đi để trở về", trên đà tăng bốc phá đỉnh lịch sử
Đang trên đà kinh doanh khởi sắc, biến cố lớn đã xảy ra với Interfood vào năm 2008 khi một số sản phẩm bánh của công ty có hàm lượng chất melamine vượt quá mức độ cho phép. Cũng trong năm 2008, công ty báo lỗ 267 tỷ đồng và kéo dài chuỗi thua lỗ sau đó.
Năm 2010, nợ phải trả của IFS lên tới hơn 600 tỷ đồng, gần bằng tổng tài sản. Cổ phiếu IFS theo đó cũng buộc phải chủ sở hữu vào cuối năm 2012.
Trong bối cảnh khó khăn, năm 2011, cổ đông chính Malaysia đã nhượng lại toàn bộ cổ phần Interfood cho Kirin (Tập đoàn sản xuất thực phẩm lớn tại Nhật Bản). Ngay từ khi tiếp quản, Kirin đã có rất nhiều biện phát cải thiện cơ cấu nợ của IFS, đồng thời phát triển nghiên cứu các sản phẩm, thị trường tiêu thụ mới cho công ty. Sau khi trải qua giai đoạn khủng hoảng trầm trọng từ 2008-2015, với 7/8 năm thua lỗ, Interfood dưới bàn tay tái cấu trúc của tập đoàn Kirin bắt đầu có lãi từ năm 2016.
Cổ phiếu IFS trở lại sàn chứng khoán vào đầu tháng 11/2016 khi đăng ký giao dịch trên UPCoM, sau gần 3 năm hủy niêm yết. Tính tới hiện tại, thị giá IFS đạt 35.000 đồng/cp, mức giá cao nhất kể từ khi chào sàn UPCoM, tăng hơn 16% từ đầu năm 2024.
Kết quả kinh doanh thoát "vũng lầy" thua lỗ, đem hết lợi nhuận chia sạch cho cổ đông.
Nền tảng của sự bùng nổ giá cổ phiếu tới từ kết quả kinh doanh hồi phục tốt. Hiện ngoài sản phẩm chủ lực Trà bí đao Wonderfarm, IFS còn một số sản phẩm khác như nước Yến Ngân Nhĩ, nước cốt dừa hay các sản phẩm bánh, và các loại nước uống đến từ thương hiệu KIRIN Nhật Bản như Nước vị hoa quả Ice+, Latte, Tea Break,...
Riêng trong năm 2023, doanh thu thuần của công ty lập đỉnh lịch sử với 1.868 tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước. Trong đó doanh thu từ nước giải khát gần 1.648 tỷ, chiếm đến 88% tỷ trọng tổng doanh thu, còn lại tới từ thực phẩm đống hộp (342 tỷ) và bán phế liệu (5,5 tỷ). Kết quả, IFS lãi sau thuế 209 tỷ đồng trong năm 2023, tăng 34%.
Tại thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của Interfood đạt 1.464 tỷ đồng, tăng 19 tỷ so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền ghi nhận 965 tỷ đồng chiếm 66% tổng tài sản, Interfood duy trì khoản tiền gửi ngắn hạn 700 tỷ đồng.
Về phần nguồn vốn, vốn chủ sở hữu đạt 1.256 tỷ đồng chiếm tới 86% tổng nguồn vốn. Đáng chú ý, doanh nghiệp không ghi nhận nợ vay tài chính.
Đặc biệt sau khi lỗ lũy kế được xóa hết từ năm 2021, Interfood đã lập tức chia hết lợi nhuận thành cổ tức cho cổ đông. Đơn cử như năm 2022, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối ghi nhận gần 156 tỷ đồng vào cuối năm. IFS sau đó đã thống nhất chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 17,8% , tương ứng chi ra hơn 155 tỷ đồng để trả cổ tức. LNST sau khi phân phối còn lại chưa đầy 600 triệu đồng.
Phần lớn cổ tức sẽ chảy về túi cổ đông nước ngoài là Kirin Holdings Singapore Pte. Ltd khi tổ chức này đang nắm đến gần 96% cổ phần của IFS.
Phương Linh
Nhịp Sống Thị Trường