MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phạm Thị Mỹ Lệ: Nữ doanh nhân không ngại “đại gia” nước ngoài

19-10-2012 - 17:14 PM |

Chuyện về một nữ doanh nhân dám chấp nhận cạnh tranh trong lĩnh vực cung ứng nhân lực cao cấp với các “đại gia” nước ngoài tại thị trường Việt Nam.

Với phương châm phát huy tối đa nội lực của nhân viên bằng việc xây dựng cơ chế phân quyền sâu rộng cho đội ngũ lãnh đạo trẻ, gắn sự phát triển của công ty với việc phát triển nghề nghiệp của mỗi thành viên, chị Phạm Thị Mỹ Lệ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Le & Associates (L&A) đã thành công trong việc bản địa hoá các giải pháp nhân lực tiên tiến của thế giới.

Chấp nhận thử thách

Sinh ra và lớn lên tại Huế, tốt nghiệp thủ khoa tiếng Anh, Đại học Sư phạm Huế, nhưng thay vì an phận như nhiều cô gái Huế khác, chị quyết tâm “thử thách bản thân” tại TP.HCM. “Tôi rời Huế vì cảm thấy cuộc sống ở đó quá tĩnh tại, trong khi mình luôn sôi nổi, xốc vác. Bạn bè và người thân bảo tôi lập dị, mà tôi cũng thấy thế. Thời còn đi học, tôi như con trai vậy, đi giày bốt, mặc quần jean, có khi còn đội nón bê-rê đỏ…”, chị nhớ lại.

Chính cá tính quyết đoán và mạnh bạo đã giúp chị dám đương đầu với thử thách khi đối mặt với các công ty nước ngoài sừng sỏ trong lĩnh vực cung ứng nhân lực cao cấp, để khẳng định vị trí như ngày nay. Tính cương quyết đã theo chị trong suốt quá trình điều hành kinh doanh và giúp chị chèo lái Công ty vượt qua các giai đoạn khó khăn.

Trong thời điểm khởi nghiệp L&A đầu năm 2001, chị Lệ cũng đã xác định phải cạnh tranh dịch vụ “ở chiếu trên” trong phân khúc cung ứng nhân sự cao cấp với các công ty nước ngoài. Lúc đó, ở TP.HCM, có khoảng 1.200 công ty hoạt động trong lĩnh vực cung ứng nhân lực, nhưng L&A là công ty trong nước đầu tiên cung ứng nhân lực cao cấp, trực tiếp cạnh tranh với các “đại gia” nước ngoài như KPMG, PwC, Enst & Young…

“Mọi người cho là điều này quá khó khăn, nhưng tôi xác định mình phải cung ứng dịch vụ đẳng cấp như vậy thì mới có thể tồn tại và phát triển lâu dài”, chị Lệ chia sẻ và cho biết, chị từng “thay máu” cả một bộ phận trong Công ty để theo đuổi mục tiêu tìm kiếm các phân khúc có giá trị cao. Đó là thời điểm năm 2008-2009, khi khủng hoảng kinh tế tác động sâu rộng đến toàn bộ thị trường Việt Nam, khiến nhu cầu tuyển dụng quản trị viên (một trong 5 dịch vụ chiến lược của L&A) giảm mạnh.

Để vực dậy bộ phận này, chị đã thay Trưởng bộ phận mới mạnh mẽ, quyết đoán, chuyên nghiệp hơn, đồng thời xây dựng một cơ chế để nhân viên cam kết cung cấp các chất lượng dịch vụ cao hơn và đem lại giá trị cao hơn. Với áp lực cộng dồn của khủng hoảng, nhiều nhân viên đã chùn bước và không chần chừ, chị quyết tâm “thay máu” cả bộ phận để rồi Công ty đạt được sự phát triển vượt bậc ở phân khúc này.

Tuy nhiên, chị thừa nhận, để có được thành công từ sự quyết đoán của mình, chị phải tự kiềm chế bản thân để tránh rơi vào bẫy độc đoán. “Với tôi, việc gì đã có phương án thì quyết nhanh, làm nhanh, còn việc gì còn mù mờ, thì tôi sẵn sàng thu nhận thông tin, sẵn sàng nghe nhân viên trình bày ý kiến và trong trường hợp cần thiết, sẽ lắng nghe người thứ ba để có quyết định khách quan”, chị nói.

 “Cò lao động” đàng hoàng

Chữ tâm luôn gắn liền với chiến lược kinh doanh của nữ doanh nhân này. Các hoạt động của L&A và sau này có thêm KingBee Media, cung ứng dịch vụ tiếp thị online, đều hướng tới mục đích hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho công ty khách hàng và tìm kiếm giá trị trong các phân khúc cao hơn.

Khi L&A mới thành lập, nhiều người, đặc biệt là người lớn tuổi, cho rằng, đây là dạng công ty “cò lao động”. Không ngại với định kiến này, chị quyết tâm phải làm “cò” đàng hoàng và không lấy tiền của người lao động, mà lấy tiền từ các công ty sử dụng dịch vụ cung ứng nhân sự.

Nâng cao chất lượng dịch vụ luôn là yếu tố hàng đầu mà L&A quan tâm. Xác định không thể kinh doanh theo kiểu “ăn xổi”, vì thị trường rồi cũng bão hoà và khách hàng sẽ ngày càng thông minh hơn, L&A luôn phải cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ và sự nhanh nhẹn của mình. Vấn đề cốt lõi trong cung ứng nguồn nhân lực là phải có hệ thống CV (hồ sơ tuyển dụng của ứng viên) tốt, thiết lập quan hệ, xây dựng dữ liệu, nhưng quan trọng hơn hết là nắm bắt được nhu cầu, nguyện vọng của nhân sự và khách hàng để có sự gắn kết phù hợp. “Đó là trách nhiệm của người mai mối”, chị Lệ nói.

Để có được hệ thống dữ liệu CV cùng các ứng viên phong phú và chi tiết, L&A đã dày công phát triển hệ thống quan hệ cá nhân thông qua các cộng tác viên tư vấn của mình. Đồng thời, Công ty tiến hành kiểm tra, làm việc rất kỹ với các ứng viên trước khi cung cấp cho khách hàng. “Chính nhờ cách làm tỉ mỉ như vậy, ngay trong lần tiếp cận đầu tiên, ứng viên do L&A giới thiệu đã được khách hàng Unilever chấp nhận”, chị vui vẻ thông báo.

Hiện nay, các dịch vụ cung ứng nhân sự của L&A đã trở thành một dịch vụ không thể thiếu với nhiều công ty trong nước và nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Để cập nhật thông tin, chị đã sáng tạo nhiều hình thức trao đổi thông tin, tạo điều kiện cho các ứng viên gặp gỡ, học hỏi các kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết để nâng cao tay nghề và hoàn thiện nghề nghiệp của mình. Rất nhiều thành viên đánh giá cao tính hữu ích do L&A hướng dẫn. Vì vậy, lúc cao trào, khi thiết lập hệ thống cung ứng dịch vụ qua Internet, website của Công ty đã quy tụ hơn 30.000 thành viên thường xuyên và hơn 300.000 người tham gia hoạt động.

Chú trọng phát triển nội lực

Mặc dù phải cạnh tranh trong một phân khúc dịch vụ cao cấp với các đối thủ nước ngoài, L&A vẫn duy trì mức tăng trưởng trung bình 150%/năm. Trong sự thành công đó, một trong những niềm tự hào của chị Phạm Thị Mỹ Lệ là duy trì được một đội ngũ nhân viên nhiệt huyết và gắn bó, trong đó hàng ngũ lãnh đạo của L&A đều là những người gắn bó với công ty từ 3 năm trở lên. Từ chỗ chỉ có 5 nhân viên lúc khởi nghiệp, sau gần 12 năm hoạt động trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ nhân lực, L&A đã có gần 6.000 người, trong đó khoảng 90 nhân viên tại văn phòng chính ở TP.HCM, số còn lại rải đều từ Bắc chí Nam.

“Các hoạt động của Công ty đều xoay quanh vấn đề nhân lực, nên tôi luôn đặt nặng yếu tố con người và chất xám”, chị Lệ nói và cho biết, để giữ chân nhân viên, L&A tạo cơ hội để nhân viên phát triển sự nghiệp gắn liền với sự phát triển của Công ty và hưởng phúc lợi xứng đáng từ đóng góp của họ.

Từ năm 2011, L&A mới áp dụng các biện pháp chia cổ phần cho nhân viên, nhưng để có được đội ngũ nhân lực như hôm nay, nữ doanh nhân này đã xây dựng L&A có sức hút với đội ngũ lao động trẻ, nhiệt huyết và chuyên nghiệp. Họ nhìn thấy cơ hội phát triển của mình trong định hướng phát triển của Công ty và yêu thích văn hoá doanh nghiệp của L&A.

Hiện tại, L&A hoạt động giống mô hình một tập đoàn có nhiều công ty con, với sự phân quyền rất mạnh cho các trưởng bộ phận và có cơ chế học hỏi nội bộ để lãnh đạo doanh nghiệp, cũng như nhân viên thu nhận được các kiến thức và thông tin cần thiết.

Sau hai năm áp dụng BSC (Balanced ScoreCard), qua năm 2013, L&A chú trọng phát triển nội lực bằng mô hình profit centre - phân quyền nhiều hơn cho nhân viên, nhằm tối ưu hoá việc quản trị và phát triển nội lực. Đó cũng là nền tảng cho phương châm luôn luôn sáng tạo, luôn luôn đổi mới, nâng tầm độ sâu về dịch vụ và độ sâu của kiến thức, mà nữ doanh nhân áp dụng cho bản thân cũng như L&A.

Theo Bảo Giang - Hải Long

baodautu.vn

kyanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên