MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quân đội Nga phá hủy 2 xe bộ binh Ukraine vượt biên giới khiến 5 người thiệt mạng, chứng khoán Nga giảm 13%

21-02-2022 - 22:33 PM | Tài chính quốc tế

Quân đội Nga phá hủy 2 xe bộ binh Ukraine vượt biên giới khiến 5 người thiệt mạng, chứng khoán Nga giảm 13%

Trong diễn biến mới nhất, quân đội Nga lần đầu tiên thừa nhận bắn hạ 2 phương tiện bọc thép chở quân của Ukraine. Trong khi đó, chỉ số MOEX của Nga có lúc mất tới hơn 400 điểm, tương đương khoảng 12% giá trị.

Theo thông tin mới cập nhật, quân đội Nga cho biết họ đã phá hủy hai xe chiến đấu bộ binh Ukraine sau khi chúng xâm phạm lãnh thổ Nga. Vụ việc, khiến 5 người thiệt mạng. Đây là lần đầu tiên Moscow cáo buộc Ukraine tham gia vào các cuộc đụng độ trực tiếp với lực lượng của mình kể từ khi căng thẳng leo thang ở biên giới.

Trong khi đó, sắc đỏ cũng đang bao trùm chứng khoán châu Âu. Vào lúc 22h04, DAX của Đức mất 1,77%. FTSE 100 của Anh cũng giảm 0,29% trong khi CAC 40 của Pháp mất tới 1,91%. IBEX 35 của Tây Ban Nha cũng giảm 1%... Euro Stoxx 50 cũng giảm tới 1,9%.Trong một diễn biến khác, tính tới 22h theo giờ Hà Nội, MOEX của Nga giảm 380 điểm, tương đương 11,20% xuống còn 3.013 điểm. Trước đó, có lúc chỉ số này giảm tới hơn 13% nhưng đã phục hồi trở lại dù mất mát vẫn còn rất lớn.

Chứng khoán Mỹ ngừng giao dịch ngày 21/2 vì nghỉ lễ.

Mỹ cáo buộc Nga lập danh sách tiêu diệt khi tấn công Ukraine

Trước đó, CNBC cho biết trong bức thư gửi tới người đứng đầu Ủy ban Nhân quyền của Liên Hợp Quốc, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Bathsheba Nell Crocker nói rằng Mỹ có "thông tin đáng tin cậy" về việc Nga lập danh sách những người Ukraine sẽ "bị sát hại hoặc đưa đến các trại" sau cuộc tấn công của họ vào quốc gia láng giềng. Nội dung bức thư xuất hiện lần đầu tối 20/2 trên tờ Bưu điện Washington.

"Chúng tôi cũng có thông tin đáng tin cậy rằng các lực lượng Nga có thể sử dụng những biện pháp sát thương để giải tán các cuộc biểu tình ôn hòa", Đại sứ Mỹ cho biết.

Ngay trong ngày 21/2, Điện Kremlin đã bác bỏ cáo buộc của bà Crocker, nói rằng Mỹ đưa ra những thông tin hư cấu. "Các bạn nên biết đây là một sự giả mạo trắng trợn. Đó là sự dối trá", người phát ngôn Điện Kremlin nói với các phóng viên.

Trong khi đó, đích thân Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Alexei Reznikov nói với đài truyền hình ICTV của Ukraine rằng: "Một cuộc xâm lược của Nga khó có thể xảy ra trong ngày mai hay ngày kia vì không có nhóm tấn công nào của Nga tập trung ở biên giới với Ukraine". Tuy nhiên, ông Reznikov nói rằng những nhóm ấy có thể được thành lập trong vòng vài tuần.

Tuyên bố này có vẻ trái ngược với những gì mà Nhà Trắng đã tuyên bố trước đây. Đích thân Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng ông Putin có kế hoạch tấn công toàn diện vào Ukraine "rất sớm". Trong khi dó, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rằng có dấu hiệu cho thấy Nga đang lên kế hoạch cho "cuộc chiến lớn nhất ở châu Âu kể từ năm 1945".

Tuần trước, phía Mỹ vẫn cho rằng Nga có khoảng 169.000 tới 190.000 quân ở biên giới với Ukraine, tăng từ 100.000 quân vào cuối tháng Giêng. Các số liệu cập nhật của phương Tây trái ngược với những gì Nga đưa ra khi họ nói rằng đã rút các đơn vị quân và khí tài khỏi biên giới với quốc gia láng giềng.

Mowcow cũng nhiều lần bác bỏ kế hoạch xâm lược Ukraine. Tuy nhiên, Nga kiên quyết yêu cầu NATO đảm bảo rằng sẽ không kết nạp Ukraine đồng thời muốn liên minh này thu hẹp ảnh hưởng ở Đông Âu.

Trong một diễn biến khác, mọi sự chú ý cũng đang đổ dồn về nước Nga khi Tổng thống Putin dự kiến sẽ có bài phát biểu trước Hội đồng An ninh của Nga trong sự kiện mà chính người phát ngôn Điện Kremlin mô tả là "không phải một phiên họp thường xuyên".

Tổng thống Putin xem xét công nhận phe ly khai ở miền đông Ukraine

Trong khi đó, cuộc họp của Tổng thống Putin với các quan chức an ninh hàng đầu nước Nga tối 21/2 theo giờ Hà Nội, cũng đang là tâm điểm chú ý của cả thế giới. Quyết định của nhà lãnh đạo nước Nga về việc công nhận chính thức phe ly khai ở miền đông Ukraina sẽ có ảnh hưởng to lớn tới tình hình khu vực.

Nếu ông Putin đồng ý, nó có thể trở thành đòn giáng mạnh vào các cuộc đàm phán hòa bình do châu Âu làm trung gian và gây căng thẳng hơn nữa trong mối quan hệ Nga – phương Tây. Điều này cũng có thể làm dấy lên những lo ngại về việc Nga sẽ động binh với Ukraine.

Cuộc họp của ông Putin diễn ra trong bối cảnh giao tranh bùng nổ ở miền đông Ukraine. Phương Tây tin rằng Moscow có thể sử dụng những xung đột này như cái cớ để tấn công Ukraine dù Nga nhiều lần bác bỏ những thông tin này.

Thời gian qua, Mỹ nhiều lần cảnh báo Nga đã quyết định tấn công Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Putin dự kiến đã đạt đồng thuận về một hội nghị Thượng đỉnh, vốn được xem là nỗ lực cuối cùng để ngăn chiến tranh nổ ra. Thông tin về hội nghị này, vốn được Pháp công bố trong vai trò trung gian, đã làm dấy lên hy vọng về các giải pháp ngoại giao nhằm ngăn chặn một cuộc xung đột tàn khốc nhất ở châu Âu kể từ sau Thế chiến 2 tới nay.

Ngay cả khi những nỗ lực ngoại giao đang tiến dần về phía trước, các cuộc xung đột chớp nhoáng vẫn tăng lên. Việc các bên vi phạm lệnh ngừng bắn ở miền đông Ukraine được báo cáo rất nhiều trong những ngày qua.

Trong một diễn biến bất ngờ, Nga cho biết họ đã bắn hạ 2 xe bọc thép chở quân của Ukraine sau khi chúng "xâm phạm" lãnh thổ nước Nga. Tuy nhiên, giới chức Ukraine đã phủ nhận những thông tin này. Nga cũng đã quyết định kéo dài các cuộc tập trận ở Belarus, một quốc gia láng giềng khác với Ukraine.

Nguồn: Tổng hợp


https://cafef.vn/quan-doi-nga-pha-huy-2-xe-bo-binh-ukraine-vuot-bien-gioi-5-nguoi-thiet-mang-chung-khoan-nga-bay-13-20220221223256259.chn

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên