SJC thu về hơn 28.400 tỷ nhưng lãi mỏng dính, kiểm toán nêu ý kiến ngoại trừ về khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) mới đây đã công bố báo cáo tài chính năm 2023 đã kiểm toán với lợi nhuận trước và sau thuế đạt lần lượt 87,5 tỷ đồng và 61 tỷ đồng, tăng 27% và 24% so với năm 2022.
- 13-05-2024Cấp thiết xóa bỏ độc quyền vàng với doanh nghiệp
- 13-05-2024Giá vàng lao dốc: Người vui mừng chốt lời, kẻ ngậm ngùi chịu lỗ
- 12-05-2024Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân thận trọng khi tham gia giao dịch vàng
Năm 2023, doanh thu thuần của SJC đạt trên 28.408 tỷ đồng, tăng 5% so với năm trước. Trong đó, gần như toàn bộ là doanh thu từ hoạt động kinh doanh vàng. Tuy nhiên, do giá vốn tăng nhanh hơn doanh thu khiến lãi gộp trong mảng kinh doanh vàng của SJC chỉ đạt gần 242 tỷ đồng, giảm 3% so với năm ngoái. Với kết quả trên, biên lợi nhuận gộp của SJC trong năm vừa qua chỉ ở mức 0,85%.
Mặt khác, nhờ được hoàn nhập hơn 10 tỷ đồng dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh và tổn thất đầu tư, SJC lãi 12,6 tỷ đồng trong hoạt động tài chính.
Lợi nhuận hoạt động tài chính gia tăng cùng với việc cắt giảm chi phí bán hàng giúp lợi nhuận trước thuế SJC đạt mức 87,5 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2022, bất chấp lợi nhuận hoạt động kinh doanh vàng sụt giảm và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên gần 115 đồng. Tính chung, tỷ suất lợi nhuận trước thuế/doanh thu thuần của SJC chỉ đạt 0,3%, thấp hơn nhiều so với PNJ (7,5%) - doanh nghiệp kim hoàn đang niêm yết trên sàn chứng khoán.
Trong báo cáo tài chính, Công ty TNHN Kiểm toán và Tư vấn A&C cho biết, SJC đã thực hiện trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho dựa trên cơ sở ước tính giá trị hàng hóa có thể thu hồi theo Biên bản lập dự phòng giảm giá Hàng tồn kho đối với vàng và hàng nữ trang tại ngày 31 tháng 12 năm 2023 do công ty tự đánh giá. Với những tài liệu hiện tại SJC cung cấp, Công ty kiểm toán A&C không có cơ sở để xác định tính đúng đắn của khoản dự phòng giảm giá này với số tiền lũy kế đến ngày 31 tháng 12 năm 2023 là hơn 83,9 tỷ đồng (số liệu lũy kế đến ngày 31 tháng 12 năm 2022 là 25,9 tỷ đồng), số tiền hoàn nhập dự phòng trong năm 2023 là 10,7 tỷ đồng và số trích dự phòng bổ sung trong năm 2023 là 68,8 tỷ đồng. Do vậy, công ty kiểm toán này cho biết không đủ cơ sở để xác định ảnh hưởng (nếu có) của vấn đề trên đến Bảng cân đối kế toán cũng như Báo cáo kết quả kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho năm tài chính kết thúc vào ngày 31/12/2023.
Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản SJC ở mức ở 1.898 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cuối năm 2022. Trong đó, chiếm phần lớn là tài sản ngắn hạn với gần 1.683 tỷ đồng, gồm: tiền và tương đương tiền (236 tỷ đồng), khoản phải thu ngắn hạn (77,6 tỷ đồng), hàng tồn kho (1.363 tỷ đồng), tài sản ngắn hạn khác khác (6,5 tỷ đồng).
Về phía tài sản dài hạn, chủ yếu nằm dưới dạng tài sản cố định (73,2 tỷ đồng) và đầu tư tài chính dài hạn (122,7 tỷ đồng).
Bên kia bảng cân đối, vốn chủ sở hữu của SJC tính đến cuối năm 2023 ở mức 1.578,4 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ 2022. Nợ ngắn hạn ở mức 320 tỷ đồng; trong đó, vay và nợ thuê tài chính là hơn 150 tỷ đồng.
Trong báo cáo kế hoạch kinh doanh gửi UBND TP.HCM, Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn dự tính năm 2024 đạt doanh thu 30.145 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 92,7 tỷ đồng và 70,2 tỷ đồng. Tỷ suất sinh lời ròng theo đó chỉ đạt 0,23%.
Kế hoạch doanh thu năm nay giảm 270 tỷ đồng so với kế hoạch năm trước, trong khi lợi nhuận sau thuế tăng khoảng 14 tỷ đồng. Kế hoạch này được Ban lãnh đạo SJC đặt ra dựa trên mục tiêu sản lượng vàng miếng đạt 31.692 lượng và tiêu thụ 444.912 món nữ trang. Công ty dự tính năm nay sẽ nộp thuế khoảng 93,6 tỷ đồng.
Theo Ban lãnh đạo SJC, năm nay, công ty sẽ tập trung đầu tư sản xuất kinh doanh nữ trang để trở thành một trong những doanh nghiệp đầu ngành về nữ trang, từ đó mở rộng thị trường kinh doanh sang khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, Công ty cũng cho ra mắt những sản phẩm mới như đồ thủ công mỹ nghệ, đồng hồ, kính mắt và kết hợp với các công ty du lịch lữ hành áp dụng mô hình kinh doanh mới.
"Điều này sẽ tạo động lực cho công ty mở rộng thêm mạng lưới hoạt động kinh doanh, tăng nguồn thu cho ngân sách và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động", báo cáo của ban lãnh đạo SJC viết.
Theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP, từ ngày 25/5/2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là đơn vị được giao tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng. Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC (Công ty SJC) được chọn làm thương hiệu vàng miếng quốc gia.
Điều này có nghĩa, NHNN triển khai tổ chức sản xuất vàng miếng thông qua việc thuê Công ty SJC gia công. Thời điểm đó, NHNN khẳng định, việc lựa chọn thương hiệu vàng miếng SJC để sản xuất vàng không tạo ra độc quyền doanh nghiệp vì Công ty SJC không còn được trực tiếp sản xuất vàng miếng mà chỉ kinh doanh mua, bán vàng miếng, sản xuất và kinh doanh mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ như các doanh nghiệp được phép khác.