Sức mua ảm đạm ‘kìm’ CPI tháng giáp Tết
Trái với thu nhập bình quân đầu người được báo cáo là tăng với tốc độ đáng mơ ước, dù đã vào tháng cận tết - tháng cao điểm mua sắm - nhưng sức mua tại 2 thành phố lớn nhất vẫn khá ảm đạm.
- 22-01-2014CPI Hà Nội tháng 1/2014 tăng 0,7% so với tháng 12/2013
- 22-01-2014CPI tháng 1 tại TP.HCM tăng 0,4%
- 09-01-2014Để CPI không tăng cao dịp Tết
- 03-01-2014CPI thấp nhưng giá cả tăng vù vù
Theo số liệu của cơ quan thống kê, CPI tháng 1/2014 của TP.HCM chỉ tăng nhẹ 0,4% so với tháng trước, tương đương so với mức tăng của tháng 12/2013 là 0,39% và tăng 5,16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số 8/11 nhóm hàng tăng giá tại địa bàn TP.HCM, nhóm giao thông có tốc độ tăng cao nhất (1,24%) do bị tác động của đợt tăng giá xăng dầu hôm 18/12/2013. Tiếp đó là nhóm nhà ở, điện nước, vật liệu xây dựng, tăng 1,2% so với tháng 12/2013.Trong khi đó, nhóm chiếm quyền số cao nhất trong rổ tính CPI (khoảng 40%) là nhóm hàng ăn uống, dịch vụ lại tăng ở mức khá thấp: 0,16%.
Rõ ràng, nếu so với các năm trước, mức tăng CPI thấp này là một điều khá lạ bởi thông thường vào các tháng cận Tết âm lịch, giá cả các mặt hàng thường biến động mạnh theo nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến của người dân.
Tuy nhiên, năm nay, mặc dù tết đã đến rất gần nhưng sức mua của người tiêu dùng vẫn chưa khởi sắc. Điều này được thể hiện khá rõ tại một số trung tâm thương mại lớn như Big C, Coop mart… sức mua lại không tăng mạnh so với ngày thường.
Tờ VnEconomy hôm 22/1 dẫn lời một đại diện của siêu thị Big C tại TP.HCM cho biết, hiện sức mua mới chỉ có dấu hiệu tăng ở các nhóm hàng như đồ gia dụng, trang phục chứ chưa thấy có dấu hiệu tăng ở các nhóm hàng lương thực thực phẩm. Điều đáng nói là mặc dù các siêu thị đã tung rất nhiều chương trình khuyến mại để hút người mua, song xem ra người dân năm nay không còn có thể phóng tay sắm tết như những năm trước.
Trong khi đó, theo báo Tiền Phong, dạo quanh một số chợ đầu mối, chợ lẻ như Nguyễn Tri Phương (quận 10), Tân Bình (quận Tân Bình), Phú Lâm (quận 6)… những ngày gần đây, các tiểu thương cũng “méo mặt” vì tình hình buôn bán ế ẩm. “Tết đến nơi rồi mà không bán được cái gì hết, chợ Tết gì mà như ngày thường, ế quá trời”, một tiểu thương bán quần áo tại chợ Nguyễn Tri Phương than vãn.
Ngoài ra, những mặt hàng như bánh kẹo, mứt tết, nông sản, đồ khô… cũng vắng người mua không kém. Còn báo Người Lao Động trích lời Giám đốc tiếp thị của một công ty chuyên về bánh, thị trường năm nay “buồn” hơn hẳn mọi năm. Tình hình kinh tế vẫn chung sắc xám, lương thưởng èo uột buộc người tiêu dùng phải dè sẻn hơn.
Tương tự, tại TP.Hà Nội, mặc dù trước đó Sở Công thương đã đưa ra dự báo CPI tháng giáp Tết có khả năng tăng 1,1%, song theo báo cáo mới nhất của Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2014 chỉ tăng 0,7% so với tháng trước mặc dù có tới 10/11 nhóm hàng tăng giá.
Trong đó, tăng mạnh nhất vẫn là nhóm giao thông (1,19%) tương tự như TP.HCM, và nhóm đồ uống, thuốc lá (tăng 1,29%). Điều này cũng không khó hiểu khi thời gian gần đây, chỉ riêng giá mỗi thùng bia đã tăng 5-10%, tương đương từ 10.000- 20.000 đồng.
Điều đáng nói là do trước đó, nhiều đơn vị cung ứng găm hàng chờ Tết vốn đã đẩy giá mỗi thùng bia nhích lên 5.000-15.000 đồng. Ngoài ra, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,77%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,99%, nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,76%...
Dù chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, song theo đánh giá của các nhà phân phối tại Hà Nội, sức mua trên thị trường trong năm nay không được mạnh bằng những năm trước.
Điều đáng chú ý là người dân cũng bỏ dần thói quen tích trữ các mặt hàng thiết yếu cho tết, có chăng chỉ tăng nhu cầu mua sắm các sản phẩm để đi biếu. Theo báo Đại Đoàn kết hôm 18/1, một số chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội như chợ Đồng Xuân, chợ Hôm, Hà Đông,… nhiều mặt hàng đã tăng giá khoảng 5-15% so với ngày thường, nhưng sức mua vẫn khá èo uột. Trong khi đó, tại các siêu thị lớn như Big C, Fivimart,… người mua sắm cũng bắt đầu đông dần lên, nhưng trong đó lượng người đến tham quan cũng khá nhiều khiến sức mua chưa có sự tăng đột biến.
Hơn nữa, tâm lý lo sợ thực phẩm độc, bẩn của người dân làm bùng nổ xu hướng tự làm các loại mứt, bánh kẹo… cũng góp phần ảnh hưởng không nhỏ đến sức mua tại các siêu thị và chợ truyền thống.
Theo Vân Du