MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ý kiến: Một cách để không tăng giá điện

06-07-2014 - 09:24 AM |

Trong 3 tháng trở lại đây, tại các cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Công thương tổ chức, lãnh đạo Bộ này luôn nhận được câu hỏi từ phía đại diện các cơ quan báo chí: Giá điện bao giờ tăng?

Bởi như mọi năm, theo lộ trình điều chỉnh giá điện đã được Chính phủ phê duyệt, giá điện đã được điều chỉnh.

Nhưng năm nay, mặc dù đã có những thông tin cho thấy việc chuẩn bị cho việc tăng giá điện đã có nhưng Bộ Công thương gây ngạc nhiên khi cho biết, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn chưa gửi đề án điều chỉnh giá điện để bộ này thẩm định, phê duyệt.

Một trong những yếu tố cho thấy là giá điện sẽ phải điều chỉnh trong thời gian tới là theo quyết định số 69/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, khi có biến động các thông số đầu vào làm giá bán điện bình quân cập nhật thay đổi so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN sẽ rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, bộ Công Thương, bộ Tài chính xem xét quyết định.

Theo thông tin từ EVN, từ đầu năm đến nay, các thông số đầu vào cơ bản tác động đến giá điện đã có nhiều bấn động.

Cụ thể, giá than bán cho điện tăng từ 1.1.2014 đã làm tăng chi phí phát điện 1.818 tỉ đồng; giá bán khí cho điện cũng làm tăng chi phí 1.178 tỉ đồng.

Thuế tài nguyên nước tăng từ 2-4% theo biểu thuế suất thuế tài nguyên mới được ban hành cuối năm 2013 cũng làm tăng chi phí khâu phát điện lên khoảng 1.489 tỉ đồng.

Chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn trong kế hoạch năm nay cũng tạo nên khoản chi phí thực hiện 1.019 tỉ đồng.

Tổng cộng các khoản trên đã lên tới gần 5.500 tỉ đồng nhưng EVN cho biết, còn một số khoản chi phí chưa được tính toán vào giá bán điện như: số lỗ chênh lệch tỷ giá từ năm 2012 trở về trước còn tồn lại chưa phân bổ hết, các khoản thanh toán bổ sung do trước đây tạm tính giá nay đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chính thức cho một số nhà máy điện chạy khí, như nhà máy điện Nhơn Trạch 2…

Giá điện đã tăng trung bình 71,85 đồng/kWh (lên mức giá trung bình 1.508,85 đồng/kWh) vào tháng 8 năm trước.

Theo quy định hiện hành thì thời gian điều chỉnh giá điện giữa 2 lần liên tiếp tối thiểu là 6 tháng.

Như vậy, căn cứ trên thời gian, lộ trình điều chỉnh giá điện, biến động của thông số đầu vào…thì EVN đã được phép đề xuất điều chỉnh.

Một thuận lợi cho EVN nữa là theo quyết định số 69/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành cuối năm 2013 thì từ 10/1/2014, tập đoàn này được tự quyết điều chỉnh giá điện tới 7% (trước đó là 5%).

Tất nhiên, việc điều chỉnh giá điện của EVN vẫn phải qua Bộ Công thương để thẩm định, nhưng điểm mới là không phải trình đề án lên Chính phủ như trước.

Khi đưa ra những thông tin trên, EVN dường như có ý thăm dò dư luận, dọn đường chuẩn bị cho việc điều chỉnh giá điện, có thể là cuối năm nay.

Đã 5 năm qua, năm nào EVN cũng tăng giá điện, có năm tăng 2 lần (năm 2012)một phần để cân bằng với những chi phí phát sinh, một phần để giải quyết số lỗ khổng lồ, lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng do nhiều năm trước đó để lại.

Nhưng chưa năm nào các lý do điều chỉnh giá điện của EVN thuyết phục được dư luận, các chuyên gia kinh tế…vì trong những khoản thua lỗ đó, có những khoản phát sinh do quản lý yếu kém (như việc công ty EVN Telecom phá sản để lại các khoản thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng đến nay chưa giải quyết xong), và nhiều khoản chi phí sai quy định như mua sắm xe công vượt định mức giá, xây sân tennis, bể bơi…như các cơ quan, kiểm toán phát hiện.

Một lần điều chỉnh giá điện nữa sẽ càng khiến dư luận bức xúc khi những khoản chi phí bất minh, những khoản thua lỗ mà người mua điện không đáng phải chịu thay…chưa được làm rõ, tách bạch và khi gần đây, nghi án ngành điện tác động, điều chỉnh công tơ khiến mức tiêu thụ điện của nhiều gia đình tăng quá cao chưa được làm rõ.

EVN có thể có nhiều căn cứ, lý lẽ để điều chỉnh giá điện nhưng tập đoàn này vẫn có một cách để không điều chỉnh giá điện hoặc giảm mức độ điều chỉnh giá mà vẫn phù hợp với một chủ trương đang được triển khai khá quyết liệt của Chính phủ: đó là đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Trong khi nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã đẩy mạnh cổ phần hóa, IPO từ đầu năm đến nay thì tập đoàn này gần như không có động tĩnh gì lớn.

Theo số liệu của EVN, hiện nay tập đoàn này vẫn nắm giữ 100% vốn điều lệ tại 9 tổng công ty hoạt động trong ngành nghề kinh doanh điện là 3 tổng công ty phát điện, tổng công ty Truyền tải điện và 5 tổng công ty điện lực.

Nếu sớm đẩy mạnh cổ phần hóa, EVN có thể rút bớt vốn đầu tư , có thể rút vốn được hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn tỉ đồng từ các doanh nghiệp này để có vốn đầu tư, xây các nhà máy điện mới, cải tạo hệ thống lưới điện mà không cần phải điều chỉnh tăng giá điện, trong một thời gian nhất định có thể là vài năm.

>> Nguyên nhân tiền điện tăng cao đột biến ở Hà Nội

Theo Hà Anh

anhnt

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên