MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

2013: Lao động trẻ sẽ thất nghiệp kéo dài

10-12-2012 - 20:18 PM |

Lao động có kỹ năng thì quá thiếu, còn dạng thanh niên “không thuê nổi” thì dư thừa.

Người viết bài này là ông Dominic Barton, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn McKinsey & Company.

Một trong những vấn đề lớn nhất của năm 2013 là tình trạng thất nghiệp kéo dài và dường như rất khó giải quyết của lao động trẻ. Nói đơn giản là quá nhiều người trẻ đang thiếu những kỹ năng cần thiết để được tuyển dụng trong khi thế giới lại quá thiếu lao động có kỹ năng.

Kết quả là ở nhiều vùng tại Trung Đông và Bắc Phi, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trẻ luôn giữ ở mức khoảng 25%. Ở Tây Ban Nha và Nam Phi, một nửa thanh niên thất nghiệp và trên toàn cầu có tới 75 triệu người trong độ tuổi từ 15 đến 24 không có việc làm. Tổ chức Lao động Quốc tế cho rằng tỷ lệ thất nghiệp tuy đã lên tới 13% nhưng vẫn sẽ còn tăng nữa.

Rõ ràng, đây là một vấn đề then chốt của giới kinh doanh. Một khảo sát gần đây của McKinsey đối với 4.500 thanh niên, 2.700 chủ sử dụng lao động và 900 cơ sở giáo dục ở Mỹ, Brazil, Anh, Đức, Ấn Độ, Mexico, Ma rốc, Arap Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy khoảng 40% chủ sử dụng lao động nói họ rất khó kiếm nhân viên ở cấp thấp nhất vì ứng viên không có đủ kỹ năng.

Gần 45% thanh niên nói công việc hiện nay không liên quan tới ngành đào tạo, trong số đó trên một nửa chỉ coi công việc là tạm thời và đang tìm đường ra đi. Nếu không giải quyết được tình trạng cung cầu không gặp nhau, McKinsey dự đoán đến năm 2020 sẽ thiếu 85 triệu lao động trình độ trung và cao trên thị trường lao động toàn cầu.

Đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị. Thanh niên đã đi theo đúng con đường vạch sẵn và học hành chăm chỉ để tốt nghiệp ra trường, nhưng lại ngày càng khó kiếm một công việc đáng làm và cảm giác được tôn trọng đi kèm với nó. Xã hội ắt sẽ chứng kiến sự giận dữ, thậm chí là bạo lực bùng phát. Bằng chứng có thể tìm thấy từ những đám đông biểu tình ở khắp Mỹ, Anh, Chile, Ai Cập, Italy và Tây Ban Nha (ấy là còn chưa kể hết). Chênh lệch giàu nghèo ở các nước OECD lên tới mức cao nhất trong vòng 30 năm qua khi mà 10% người giàu nhất thu nhập cao hơn 10% người nghèo nhất tới 9 lần.

Trong vô số nhân tố gây nên “thất bại thị trường” này, điểm đáng chú ý nhất là quan niệm về giáo dục của cơ sở đào tạo, chủ sử dụng lao động và thanh niên khác xa nhau. 

Trong khảo sát của chúng tôi, gần 70% chủ sử dụng lao động cho rằng thiếu lao động có kỹ năng là do đào tạo không đầy đủ, ấy vậy mà cũng 70% cơ sở giáo dục cho rằng mình đã chuẩn bị tốt cho sinh viên tốt nghiệp khi ra đi làm. Tương tự, chủ lao động phàn nàn rằng chưa đến một nửa thanh niên được tuyển dụng có kỹ năng giải quyết vấn đề ở mức hợp lý, nhưng gần 2/3 thanh niên lại tin rằng họ thực sự có những kỹ năng này. 60% thanh niên nói họ sẵn sàng trả thêm để đi học những thứ có thể giúp đảm bảo một việc làm tốt. Ngược lại, 70% chủ sử dụng lao động nói họ sẽ trả lương cao cho người tài thực thụ (nếu họ tìm được).

Làm sớm đỡ việc

Vậy giải pháp là gì? Quan trọng nhất là giúp thanh niên tiếp thu các kỹ năng cần thiết một cách hiệu quả hơn, và điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp phải phối hợp với nhau chặt chẽ hơn. Trong các biện pháp nhiều hứa hẹn, sinh viên thích nhất là “practicum” (tạm dịch: giáo trình thực tiễn), trong đó sinh viên vừa học vừa làm ngay trên lớp hoặc trong một công ty. Đáng buồn là chưa tới ¼ cơ sở giáo dục sử dụng phương pháp này. Nếu có thêm hệ thống cấp chứng chỉ, người lao động sẽ có bằng chứng để chứng minh với công ty mới về những kỹ năng mà mình đã có.

Giải pháp này có thể dùng được ở mọi ngành, từ chế tạo xe hơi ở Trung Quốc đến y tá ở Miami. Tại công ty chuyên đào tạo lao động ngành ô tô China Vocational Training Holdings, học viên dành trên một nửa thời gian học trong các phòng thí nghiệp giả lập. Trường cũng có mạng lưới trên 1.800 đối tác kinh doanh sẵn sàng nhận học viên thực tập hoặc làm chính thức.

Sinh viên tại trường kỹ năng IL&FS tại Coimbature, Ấn Độ,  thực hành tại xưởng may của trường, với ca làm 8 tiếng và máy may y như một xưởng may that. Miami Dade College, trường đại học công lớn nhất tại Mỹ, có vài chục “người giả” y như thật để học viên khóa y tá thực hành chăm sóc. Ở Australia, cơ quan đào tạo nghề TAFE đảm bảo các khóa huấn luyện của mình được công nhận bằng cách cấp chứng chỉ khi sinh viên hoàn thành một module kỹ năng.

Những giải pháp trên vừa cần thiết, vừa sẵn có để đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động, thách thức lớn nhất đối với giới kinh doanh trong thập niên tới. Thật vô lý nếu đến năm 2013 rồi mà sinh viên đại học vẫn làm những công việc part-time “bưng trà rót nước” chỉ vì không có những kỹ năng cần thiết cho sự nghiệp của mình.

Minh Tuấn

tuannm

The Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên