img
VPBank – “chiếc lò xo nén chặt”? - Ảnh 1.

"Chúng tôi đang xây dựng kịch bản tăng trưởng ở mức cơ bản là khoảng 20% để cho phép chúng tôi kiểm soát chất lượng tài sản," bà Lưu Thị Thảo, Phó Tổng giám đốc thường trực, Giám đốc điều hành cao cấp VPBank, trả lời câu hỏi về mục tiêu của ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống trong buổi gặp gỡ trực tuyến với các nhà đầu tư tháng Hai vừa qua.

Dù nhận định nền kinh tế vẫn còn những thách thức, vị Giám đốc điều hành cao cấp của VPBank tỏ ra rất lạc quan về triển vọng trong năm nay. "Kịch bản này, khi nền kinh tế có tín hiệu tích cực hơn, chúng tôi có thể thay đổi [theo hướng tăng cao hơn]," bà nói.

Năm 2023, những cuộc khủng hoảng liên tiếp về thanh khoản, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản và cầu tín dụng thấp đã kéo lợi nhuận của nhiều nhà băng giảm sút. VPBank cũng không phải ngoại lệ khi lợi nhuận năm 2023 không đạt mục tiêu đề ra. Mặc dù vậy, đây lại là năm ngân hàng hoàn tất những bước chuẩn bị rất quan trọng. Sự chuẩn bị đó đã mang lại niềm tin và sự lạc quan vào hoạt động kinh doanh trong năm 2024 của VPBank như đại diện ban lãnh đạo ngân hàng đã chia sẻ với các nhà đầu tư.

Quá trình chuẩn bị diễn ra ở mọi mặt của VPBank và một trong những dấu ấn nổi bật nhất trong năm 2023 là đẩy mạnh nguồn vốn với sự kiện phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho Ngân hàng SMBC (Nhật Bản). Với tổng giá trị đạt 1,5 tỷ USD, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất của ngân hàng được nâng lên gần 140 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2023, tăng 35% so với năm 2022 và xếp thứ 2 toàn ngành.

Không dừng lại ở đó, giai đoạn nửa cuối năm 2023, nền tảng vốn trung và dài hạn của VPBank tiếp tục được củng cố khi ngân hàng nhận khoản vay song phương trị giá 300 triệu USD, kỳ hạn 7 năm do tập đoàn DFC của Mỹ cấp nhằm củng cố nền tảng vốn, thúc đẩy hoạt động tài chính bền vững.

Khoản vay được VPBank hướng tới các hoạt động tài chính bền vững gồm hỗ trợ doanh nghiệp SME, doanh nghiệp nhỏ vừa do phụ nữ làm chủ, chuyển dịch danh mục đầu tư sang các hoạt động chống biến đổi khí hậu - công nghệ phát thải carbon thấp.

Đây là bước chuẩn bị nguồn lực quan trọng cho VPBank khi trong chiến lược phát triển 5 năm lần thứ 3 (2022-2026), hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong trung và dài hạn, VPBank đã tiên phong xây dựng Khung quản trị rủi ro ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị), áp dụng trên phạm vi toàn ngân hàng, phù hợp với thông lệ quốc tế.

VPBank – “chiếc lò xo nén chặt”? - Ảnh 2.

Nguồn vốn của VPBank dồi dào tới mức sau khi ngân hàng sử dụng 8.000 tỷ đồng để chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho các cổ đông, điều chưa từng có trong hơn 10 năm qua, tỷ lệ an toàn vốn của nhà băng này vẫn ở mức hơn 17%, cao nhất trong các ngân hàng tại Việt Nam. Đây là tín hiệu rất tích cực trong bối cảnh chất lượng tài sản ngành ngân hàng suy giảm mạnh và nợ xấu gia tăng.

"Nền tảng vốn vững chắc luôn là điều kiện tiên quyết trong hoạt động ngân hàng, từ đó mới có thể giúp ngân hàng có cơ sở vững chắc để vượt qua thời kỳ khó khăn nhất," bà Thảo nói và nhấn mạnh rằng đây chính là lợi thế cạnh tranh mạnh của VPBank trong bối cảnh nhiều ngân hàng ở Việt Nam vẫn bị cho là thiếu vốn.

Dĩ nhiên, nền tảng vốn lớn cũng là cơ sở vững chắc để ngân hàng tiếp tục thực hiện cam kết chia cổ tức bằng tiền mặt cho các cổ đông ở những năm tiếp theo, đại diện ban lãnh đạo ngân hàng khẳng định.

Nắm trong tay một lượng vốn được cho là rất dồi dào, VPBank tập trung không ít nguồn lực vào đầu tư cho công nghệ. Những năm gần đây, thanh toán không tiếp xúc, đặc biệt là thanh toán "một chạm" đã trở thành xu hướng nhờ sự tiện lợi, an toàn, nhanh chóng. Nắm bắt xu thế đó, nhà băng này đã nỗ lực số hóa mang lại trải nghiệm thanh toán hiện đại, an toàn và thuận tiện cho người dùng. Sự đầu tư mạnh mẽ về nền tảng công nghệ đã đưa VPBank trở thành một trong những ngân hàng đi đầu về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số.

Ông Phùng Duy Khương, Phó Tổng giám đốc thường trực phụ trách phía nam, kiêm Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân VPBank, cho biết trong năm qua, VPBank đã triển khai thành công giải pháp công nghệ chạm và thanh toán (Tap & Pay) trên các nền tảng gồm VPPay, Apple Pay, Samsung Pay, Google Pay và Garmin Pay. Có thể nói, VPBank trở thành ngân hàng đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam cung cấp toàn diện và trọn bộ giải pháp thanh toán Tap & Pay trên nhiều nền tảng công nghệ như vậy.

VPBank – “chiếc lò xo nén chặt”? - Ảnh 3.

Một trong những nguyên nhân kéo lợi nhuận hợp nhất của VPBank đi lùi trong năm 2023 là hoạt động kinh doanh của FE CREDIT – công ty tài chính tiêu dùng từng được mệnh danh là "con gà đẻ trứng vàng" của VPBank. Trong quá khứ, tài chính tiêu dùng từng là mảng đóng góp tích cực vào kết quả của VPBank. Tuy nhiên, giai đoạn 2022-2023, phân khúc tài chính tiêu dùng chịu tổn thương rất nặng nề khi nền kinh tế phục hồi chậm, gây ảnh hưởng vào kết quả kinh doanh của FE CREDIT cũng như VPBank.

Theo chia sẻ của ban lãnh đạo VPBank, trong năm 2023, ngân hàng đã triển khai tái cấu trúc FE CREDIT, rà soát tổng thể và điều chỉnh hình thức, mô hình kinh doanh, mô hình quản trị rủi ro, tập trung vào phân khúc ít rủi ro hơn để kiểm soát nợ xấu.

Những dấu hiệu hồi phục đang dần xuất hiện trong kết quả kinh doanh quý IV/2023 của FE CREDIT sau những quý liên tục thua lỗ với gánh nặng trích lập dự phòng. Trong quý IV/2023, công ty ghi nhận 4.234 tỷ đồng thu nhập hoạt động, giảm 6,9% so với cùng kỳ nhưng lại tăng 0,6% so với quý liền trước. Mức giảm này đã cải thiện rất đáng kể so với mức giảm 15,4% và 27,1% so với cùng kỳ trong quý II và III/2023. Chi phí hoạt động trong quý giảm 32,8% so với một năm trước đó và giảm 10,2% so với quý trước.

Trong một báo cáo được công bố đầu tháng 3 này, công ty chứng khoán MBS cho rằng việc FE CREDIT ghi nhận mức lợi nhuận dương trong hai quý liên tiếp và chất lượng tài sản có dấu hiệu tạo đáy cho thấy áp lực trích lập trong những quý tiếp theo sẽ giảm dần.

Nhưng sức nén của VPBank không chỉ giới hạn ở ngân hàng mẹ và FE CREDIT. Từ năm 2022, ngân hàng này đã chính thức mở rộng hoạt động ra các dịch vụ tài chính khác là bảo hiểm và dịch vụ đầu tư chứng khoán, thông qua việc sáp nhập hai công ty bảo hiểm OPES và công ty chứng khoán VPBankS. Với kỳ vọng trở thành động lực tăng trưởng mới của VPBank trong tương lai, cả hai công ty này đều đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng trong năm 2023.

VPBank – “chiếc lò xo nén chặt”? - Ảnh 4.

Trong khi OPES dần hoàn thiện trở thành công ty đi đầu về triển khai các sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm trên nền tảng số, VPBankS đã tăng vốn lên hơn 15.000 tỷ đồng và trở thành một trong những công ty chứng khoán đứng đầu thị trường về quy mô vốn. Trong năm 2023, lợi nhuận VPBankS mang lại cho VPBank là hơn 1.200 tỷ đồng. Số lượng khách hàng mở tài khoản đạt hơn 250.000, con số khá ấn tượng đối với một công ty chứng khoán non trẻ trên thị trường.

Nhờ bao phủ tất cả các phân khúc khách hàng và ở mọi mảng dịch vụ tài chính, VPBank đã thu hút thêm 6 triệu khách hàng trong hệ sinh thái của mình trong năm qua, nâng tổng số khách hàng lên con số 30 triệu. 

"Tôi tin rằng với việc mở rộng tệp khách hàng của chúng tôi như vậy, với cơ sở vốn vững chắc cũng như những kiện toàn về hệ thống, cho phép VPBank có cơ sở để triển khai những kế hoạch kinh doanh và sẽ đưa lại những kết quả tốt hơn cho năm 2024 và những năm tiếp theo," bà Lưu Thị Thảo tự tin chia sẻ.

VPBank – “chiếc lò xo nén chặt”? - Ảnh 5.

Có thể thấy, bất chấp kinh tế không khả quan trong năm 2023, bộ máy vận hành của VPBank vẫn hoạt động hết công suất. Ngân hàng tìm nhiều cách để tập trung nguồn lực, xây dựng vững chắc nền tảng. Hoạt động chuẩn bị của VPBank như một chiếc "lò xo" bị nén, sẽ bung sức khi điều kiện thích hợp.

Trên thực tế, sức nén của chiếc lò xo tại VPBank đã bắt đầu "rò rỉ", bật ra ngay trong giai đoạn cuối năm 2023, khi lợi thế nguồn vốn bắt đầu được thể hiện. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý IV/2023 của ngân hàng đạt 2.708 tỷ đồng, tăng tới 96% so với cùng kỳ năm 2022. VPBank là một trong những ngân hàng có tăng trưởng cao nhất trong quý cuối cùng của năm 2023.

Giám đốc Điều hành cao cấp Lưu Thị Thảo lý giải với các nhà đầu tư rằng lợi nhuận tăng trưởng đột biến trong quý IV/2023 khi VPBank ghi nhận chi phí vốn giảm rõ nét.

Chi phí vốn trong quý IV chỉ ở mức 5,6%, thấp hơn nhiều so với mức 6,4% quý trước đó. Chi phí vốn giảm mạnh là yếu tố quan trọng giúp NIM của ngân hàng cải thiện tích cực trong quý IV vừa qua, đạt mức 6,2% so với mức 5,6% của 2 quý liền trước đó.

MBS dự báo chi phí vốn sẽ tiếp tục giảm trong năm 2024 khi các ngân hàng liên tục giảm lãi suất huy động và hiện đã thấp hơn mức đáy của giai đoạn Covid-19. Điều này sẽ giúp mặt bằng lãi suất cho vay toàn thị trường giảm theo giúp kích cầu tín dụng, nhưng sẽ giúp NIM của VPBank phục hồi mạnh mẽ hơn.

"Chúng tôi cũng dự báo mảng cho vay khách hàng cá nhân và cho vay tiêu dùng sẽ tăng trưởng mạnh trở lại kể từ nửa sau của năm 2024, giúp lợi suất tài sản của VPBank gia tăng," bản báo cáo phân tích của MBS nhận định.

VPBank – “chiếc lò xo nén chặt”? - Ảnh 6.

Bên cạnh sự hưởng lợi về chi phí vốn giảm, công ty chứng khoán Vietcap cho rằng sự mở rộng hoạt động kinh doanh sang phân khúc khách hàng doanh nghiệp FDI, với sự hỗ trợ của cổ đông chiến lược SMBC, cũng sẽ tạo ra sức bật mạnh cho VPBank trong năm 2024.

Kể từ tháng 3/2023, sau khi VPBank và SMBC ký thỏa thuận trở thành đối tác chiến lược, ngân hàng xanh lá đã thành lập ngay trung tâm FDI để tiến vào phân khúc được cho là màu mỡ này. Đây là bước đi thức thời trong bối cảnh Việt Nam đang nổi lên là một điểm đến hấp dẫn với dòng vốn đầu tư nước ngoài. SMBC đã có sẵn nguồn khách hàng FDI dồi dào ở trong và ngoài nước, VPBank có thể tận dụng lợi thế này để mở rộng danh mục cho vay một cách hiệu quả. Sự hợp tác này thực tế mang lại lợi ích cho cả hai bên, bởi nhiều khách hàng của SMBC cũng yêu cầu các dịch vụ do ngân hàng nội địa cung cấp. Nhờ vậy, cả SMBC và VPBank đều có thể mang lại sự hài lòng cao hơn cho khách hàng. Chiến lược hợp tác này đã giúp VPBank thu hút hơn 250 khách hàng doanh nghiệp FDI, tính tới cuối năm 2023.

Sự tăng trưởng trở lại cũng đang được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở FE CREDIT sau thời gian tái cơ cấu, cải thiện chất lượng tài sản và bắt đầu có lãi liên tiếp hai quý gần đây nhất.

"Chúng tôi cho rằng việc FE CREDIT ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế dương trong 2 quý liên tiếp và chất lượng tài sản có dấu hiệu tạo đáy cho thấy áp lực trích lập trong những quý tiếp theo sẽ giảm dần. Ngoài ra, đà giảm của tăng trưởng dư nợ cũng bắt đầu chậm lại và tạo đáy trong quý III/2023 cũng gia tăng thêm kỳ vọng FE CREDIT có thể lấy lại đà tăng trưởng dương trong năm 2024 và đóng góp đáng kể vào khả năng sinh lợi của VPBank," MBS nhận định trong báo cáo, đồng thời đưa ra dự báo dư nợ của FE CREDIT có thể đạt 16,1% trong năm 2024.

VPBank – “chiếc lò xo nén chặt”? - Ảnh 7.

Theo MBS, nhờ thu nhập lãi thuần và ngoài lãi tăng mạnh lần lượt 47,1% và 28,2% trên nền thấp của 2023, tổng thu nhập hoạt động của VPBank trong năm 2024 sẽ tăng 42,7% so với cùng kỳ. Chi phí trích lập dự báo tăng 22,8% so với cùng kỳ giúp lợi nhuận sau thuế đạt 16.422 tỷ đồng, tăng 90,1% so với năm 2023.

Với tốc độ tăng trưởng được dự báo như vậy, 2024 được kỳ vọng sẽ là năm khởi đầu cho một giai đoạn bật lên mạnh mẽ của VPBank.

VPBank – “chiếc lò xo nén chặt”? - Ảnh 8.


Ánh Dương

Tổ Quốc

Trở lên trên