MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Cũng Harvard ra à? Hồi xưa mình cũng thế!”

17-03-2011 - 11:24 AM |

Người nói câu đó có thể là Tổng thư ký LHQ, Chủ tịch WB, Trưởng ban Tổ chức TW Trung Quốc, Thủ tướng Singapore, đương kim TT Mỹ, Mexico, Mông Cổ, Liberia và Colombia.

Bài viết này nằm trong chuỗi Báo cáo đặc biệt của tờ The Economist về giới lãnh đạo toàn cầu.
 
 

Không chỉ những cuộc gặp gỡ của những người giàu có và quyền lực mới ngày càng quốc tế hóa. Các đại học đẳng cấp quốc tế đang “tái định hình thế giới”, Ben Wildavsky, tác giả cuốn “Cuộc đua cân não vĩ đại”, nói.

Vì các vấn đề lớn thường không gói gọn trong một quốc gia nên nhiều sinh viên giàu tham vọng muốn có môi trường giáo dục toàn cầu. Theo OECD, số lượng du học sinh đã tăng từ dưới 2 triệu người năm 2000 lên 3,3 triệu người năm 2008.

Điểm đến được ưa chuộng nhất là các nước nói tiếng Anh, đứng đầu là Mỹ, chiếm 19% số du học sinh.

Các trường đại học Pháp và Đức cũng được ưa chuộng, nhưng diện tuyển sinh hẹp hơn. Phần lớn du học sinh tại Pháp đến từ Châu Âu hoặc các thuộc địa cũ ở Châu Phi, nhưng du học sinh ở Mỹ đến từ khắp mọi nơi.

Vị thế dẫn đầu của Mỹ đang giảm đi đôi chút nhưng vẫn vững vàng trên đỉnh cao tri thức. 2/3 du học sinh cao học chọn Hoa Kỳ.

Trong một số chuyên ngành khó nhất, phần lớn học viên cao học tại các trường đại học Mỹ là người nước ngoài: 65% trong ngành máy tính và kinh tế, 56% trong ngành vật lý và 55% trong ngành toán, ông Wildavsky cho biết.

Bay trên chín tầng mây nhưng chân vẫn bám chắc vào đất

Các trường đại học hàng đầu ở Mỹ không khác gì phiên bản của những tòa tháp ngà. Lấy ví dụ như Học viện Cộng nghệ Massachusetts (MIT) thành lập năm 1861 để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa nước Mỹ.

Học viện có quan hệ mật thiết với nhiều tập đoàn trên toàn cầu. Giới doanh thương tài trợ nhiều nghiên cứu của trường. Các nhân viên và sinh viên hợp tác với các tập đoàn đã thành danh cũng như thành lập vô số công ty mới của chính họ.

Một nghiên cứu năm 2009 của Quỹ Kauffman, một viện nghiên cứu tại Missouri, ước tính các cựu sinh viên MIT đã thành lập 25.800 công ty còn hoạt động, thuê 2,2 triệu người và tạo doanh số hàng năm 2 nghìn tỷ đôla.

“Đó là một nền văn hóa rất táo bạo,” Chủ tịch MIT Susan Hockfield nói.

Trường nhận nhiều tiền từ chính phủ nhưng bà Hockfield không thích dựa vào nguồn ấy.

Một sáng kiến nghiên cứu năng lượng mới được các công ty tư nhân như Eni của Italia và tập đoàn công nghiệp ABB của Thụy Sỹ và Thụy Điển tài trợ hơn 300 triệu đôla.

Nhà khoa học thần kinh Hockfield rất hào hứng với triển vọng hợp tác của nhiều chuyên ngành. Bà dự đoán khu vực nhiều tiềm năng trong thế kỷ 21 sẽ là sự hội tụ của sinh học và kỹ thuật.

Ví dụ như trung tâm nghiên cứu ung thư của MIT có cả nhà sinh học và kỹ sư. Các kế hoạch của trung tâm bao gồm chế tạo các hạt nano có thể tiêu diệt tế bào ung thư.

Một nhóm khác tại MIT do Angela Belcher dẫn đầu đã tìm ra cách tạo ra virus biến đổi gen tổng hợp được catode và anode của pin lithium-ion tại nhiệt độ phòng, vừa tiết kiệm năng lượng, vừa không sử dụng các dung môi hữu cơ có hại.

Ngoài sáng tạo nên tri thức, MIT còn truyền bá nó. Họ làm vậy cả trong diện hẹp như tư vấn cho Nhà Trắng và diện rộng như đăng tải tài liệu cho các khóa học của mình lên mạng internet.

Gần như tất cả mọi thứ, từ văn bản tới video bài giảng, đều có sẵn và miễn phí trên mạng. Bà Hockfield nói bạn có thể đọc cuốn “Highlights for High School” hay tự mình theo đuổi cả một khóa.

Kể từ khi bắt đầu triển khai năm 2002, khoảng 70 triệu người đã sử dụng chúng, gấp 7.000 lần số sinh viên hiện đang học tại MIT.

“Vượt qua mọi biên giới”

MIT cũng khuyến khích hợp tác xuyên biên giới.

Trường tìm kiếm các khóa thực tập tại nước ngoài cho sinh viên của mình và điều hành nhiều cơ sở hợp tác đào tạo, phối hợp với các học giả nước ngoài cải thiện quy hoạch đô thị ở Trung Quốc và xóa đói giảm nghèo ở Ấn Độ.

“Mọi vấn đề thú vị đều vượt qua biên giới,” Hiệu trưởng Trường Chính sách công Kennedy David Ellwood nói.

Một số xuyên biên giới quốc gia. Một số xuyên “biên giới” giữa các chuyên ngành. Một số cần hợp tác giữa doanh nghiệp, chính phủ, trí thức và các tổ chức phi lợi nhuận. “Vì thế phải đào tạo con người để họ có thể vượt qua các biên giới,” ông Ellwood kết luận.

Nhà lãnh đạo cần “một sự tò mò phi thường” và khả năng lắng nghe, ông nói. Tại Havard, sinh viên lắng nghe rất nhiều quan điểm về mối quan hệ phù hợp giữa chính phủ, thị trường và công dân.

Sinh viên làm quen với các lập luận ủng hộ và phản đối dân chủ. Họ bàn về các vấn đề đi liền với thói nhiệm kỳ và đảng phái cực đoan nhưng còn cả lợi ích của trách nhiệm giải trình, ông Ellwood lưu ý.

Với các sinh viên dự định sẽ về nước và lãnh đạo Trung Quốc, những điều ấy một ngày nào đó sẽ trở nên ý nghĩa.

Gần nửa sinh viên trường Kennedy là người nước ngoài.

Cựu sinh viên bao gồm Tổng thư ký Liên hiệp quốc, Chủ tịch Ngân hàng thế giới, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Trung Quốc, Thủ tướng Singapore và đương kim Tổng thống Mexico, Mông Cổ, Liberia và Colombia, ngoài ra còn có người sáng lập Diễn đàn kinh tế thế giới Klaus Schwab.

Các trường đại học hàng đầu thế giới tuyển sinh viên và giảng viên trên toàn cầu. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng của trường mà còn tạo ra một mạng lưới cựu sinh viên trên toàn cầu.

Một sinh viên tốt nghiệp École Nationale d’Administration (Trường Hành chính quốc gia Pháp) có thể có các énarques (từ dành riêng để gọi các cựu sinh viên của trường) tại mọi tổ chức tại Pháp.

Một sinh viên Stanford có thể tim thấy các sinh viên Stanford đầy ảnh hưởng khác ở khắp nơi trên thế giới.

Theo bảng xếp hạng của ĐH Jiao Tong Thượng Hải, 17/20 đại học hàng đầu nằm ở Mỹ. Phần lớn số họ đều rất giàu (xem đồ thị trên). Họ cũng giành được phần lớn giải Nobel (xem đồ thị dưới).

Đây là nguồn “quyền lực mềm” quan trọng của nước Mỹ. Chính phủ nước này có thể không còn được kính trọng và nể sợ như trước kia, nhưng rất nhiều lãnh đạo trên thế giới từng học tập tại Mỹ, vì thế họ đã quen với các giá trị Mỹ.

Một số người thấy tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của giới tinh hoa thế giới là đáng báo động.

Cố Giáo sư Havard Samuel Huntington nổi tiếng với cuốn sách năm 1996 “Cuộc xung đột giữa các nền văn minh và sự tái lập trật tự thế giới” từng buồn phiền vì giới “globocrat” (tạm dịch: lãnh đạo toàn cầu) “ít có lòng trung thành với Tổ quốc” và coi chính phủ chỉ là một di tích “có chức năng duy nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động trên toàn cầu của giới tinh hoa”.

Điều này có thể đúng với một số người, nhưng tình yêu với Tổ quốc và dân tộc vẫn còn rất mạnh.

Kỳ sau: Những “bộ lạc” toàn cầu
 
Minh Tuấn
Theo Economist

duchai

Trở lên trên